Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông – “thao trường quốc tế”?

Biển Đông – “thao trường quốc tế”?

“Thao trường” là nơi lực lượng vũ trang diễn tập, rèn luyện, làm quen và xử lý thuần thục các tình huống giả định. Theo nghĩa ấy, Biển Đông đang dần trở thành một “thao trường quốc tế”.

Thủy thủ tàu tác chiến cận bờ USS Tulsa của Mỹ hướng dẫn trực thăng trong một cuộc diễn tập cùng với tàu khu trục tên lửa USS Kidd ở Biển Đông

Một thông tin thuộc hàng mới nhất về Biển Đông khiến dư luận quan tâm: nhóm tàu sân bay Anh và tàu hộ vệ New Zealand được xác định đang tiến vào Biển Đông để tham gia đợt diễn tập quân sự lớn gần Singapore. Truyền thông quốc tế dẫn tin này từ thông báo của Lực lượng Phòng vệ New Zeland hôm 6/10. Thậm chí, thông tin nguồn còn nêu chi tiết hơn, rằng: Chiến hạm hai nước sẽ song hành trong khoảng một tuần ở Biển Đông, trước khi tham gia diễn tập Bersama Gold 21 ngoài khơi Singapore từ ngày 8/10 đến 16/10, với sự tham gia của chiến hạm năm nước thuộc Nhóm Hiệp ước Phòng thủ Ngũ Cường (FPDA) gồm Singapore, Malaysia, Australia, New Zealand và Anh Quốc.

Là nước liên quan trực tiếp vấn đề Biển Đông, thế nên, tại cuộc họp báo quốc tế thường lệ ngày 7/10 vừa qua, cánh báo chí ma mãnh đã không bỏ qua sự kiện này với một câu hỏi có tính “móc máy”. Dù vậy, câu trả lời không là chuyện quá khó với bà Lê Thu Hằng – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Với những vấn đề nhạy cảm, cách trả lời “ngoại giao” nhất, là khẳng định lại lập trường mà hạn chế đề cập, bình luận trực tiếp sự kiện, mà nữ phát ngôn viên này đã thuộc làu: Chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động và hợp tác trên biển của các quốc gia cần tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đóng góp có trách nhiệm vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia về thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS 1982, duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và hợp tác ở Biển Đông…

Không thật thỏa mãn, nhưng thế cũng là đủ. Đủ vì đã có thể “đọc” được ý tứ của Việt Nam ngầm ủng hộ sự hiện diện của lực lượng hải quân các cường quốc trong khu vực này, nhằm kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc.

Và đâu chỉ Việt Nam, các nước trong khu vực, nhất là các bên liên quan trực tiếp yêu sách chủ quyền Biển Đông, như Philippines, Malaysia, Đài Loan, đều thế. Và không thể khác, sự “nắm tay nhau dưới gầm bàn” của các quốc gia này trở thành một tác nhân quan trọng góp phần đưa Biển Đông dần trở thành một “thao trường quốc tế”.

Ngoài cuộc diễn tập gần Singapore của tàu sân bay Anh và tàu hộ vệ New Zealand cùng nhóm “ngũ cường”, những số liệu và diễn biến thực tế gần đây nhất, đủ để củng cố nhận định trên.

Trước hết, đó là cuộc tập trận Malabar ở Biển Đông của “bộ tứ”, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc mà Nhật Bản – thành viên “bộ tứ” – đã tiết lộ và  ủng hộ.

Cuộc họp lãnh đạo thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên, nửa năm sau cuộc họp trực tuyến, nhóm “bộ tứ”  diễn ra tại  Nhà Trắng vào ngày 25/9, về thông tin, dù không nêu trực tiếp cuộc tập trận Malabar, nhưng, qua lời Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga: “Bộ Tứ” chia sẻ “các giá trị cơ bản” và sẽ làm việc cùng nhau để hiện thực hóa “trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”; và lời Thủ tướng Australia Scott Morrison: “Chúng ta cùng nhau có mặt ở đây, tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một khu vực mà chúng ta mong muốn không bị ép buộc, nơi quyền chủ quyền của tất cả các quốc gia được tôn trọng và nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế”… đủ thấy câu chuyện Biển Đông được quan tâm như thế nào giữa các nhà lãnh đạo.

Trước đó, cuộc tập trận Large Scale Global Exercise 21, do Hạm đội Indo-Pacific của Hoa Kỳ cùng các đồng minh Nhật Bản, Úc và Anh tiến hành trên Biển Đông, từ ngày 2-27/8.

Và trước nữa, tháng 7/2021, một số tàu chiến và đơn vị từ 3 lực lượng chuyên trách thuộc Hạm đội 7 của Mỹ thành lập Nhóm hành động trên biển (SAG) ở Biển Đông. Chưa có nhiều hoạt động thực địa, nhưng, với việc SAG mở rộng các khả năng có thể hỗ trợ chỉ huy Hạm đội 7 tiến hành nhiều hoạt động tác chiến ở vùng biển khu vực, một lần nữa cho thấy, một quốc gia thực dụng như Mỹ không rỗi hơi bày ra một cái gọi là SAG để chỉ nhìn suông, mà phải hướng tới mục tiêu thiết thực là tăng thêm đối trọng với Trung Quốc.

Còn vào giữa tháng 4/2021, khinh hạm HMAS Anzac và tàu tiếp liệu HMAS Sirius của Hải quân Hoàng gia Úc đã có cuộc tập trận chung ở Biển Đông cùng với Hải quân Pháp,v.v…

Trung Quốc thì sao? RFA và nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cho biết, Bắc Kinh đã tiến hành 4 cuộc tập trận liên tiếp ở Biển Đông từ ngày 20-26/9, trong đó, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm cuộc tập trận tại phía Bắc quần đảo Hoàng Sa từ ngày 24-26/9. Cũng nơi này, tháng 7/2020, Bắc Kinh đã tập trận với sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông và thử nghiệm tên lửa diệt hạm…

Với tần suất trên, dù chưa thống kê đầy đủ vẫn có thể nhận định, Trung Quốc đã hoàn thành kế hoạch tổ chức 39 cuộc tập trận trên Biển Đông ngay trong 9 tháng đầu năm 2021.

Tập trận, thực ra là điều bình thường nằm đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang quốc gia. Tuy nhiên, một khu vực nóng, nhiều tranh chấp như Biển Đông, đang biến thành “thao trường quốc tế”, thì là điều không bình thường và không thể xem thường. Cùng với phản ảnh diễn biến phức tạp của khu vực, các cuộc tập trận liên miên đó đã và đang làm gia tăng mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về một hoặc nhiều cuộc chạm súng giữa các cường quốc kéo theo những hậu quả khốc liệt vô cùng.

RELATED ARTICLES

Tin mới