Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngVì sao tàu ngầm Mỹ gặp sự cố ở Biển Đông không...

Vì sao tàu ngầm Mỹ gặp sự cố ở Biển Đông không phát hiện được “vật thể lạ”?

Mặc dù Hải quân Mỹ không tiết lộ tàu ngầm US Connecticut đã va phải vật thể gì nhưng các nhà phân tích cho rằng, điều kiện môi trường tại Biển Đông có thể đặt ra những thách thức cho các cảm biến tinh vi của tàu ngầm.

Tàu ngầm USS Connecticut.

Tiến hành cuộc điều tra kỹ lưỡng

Các nhà phân tích cho rằng, chiếc tàu ngầm USS Connecticut (SSN 22) lớp Seawolf của Hải quân Mỹ va vào vật thể lạ ở Biển Đông cuối tuần qua đã hoạt động tại một trong những môi trường biển khó khăn nhất thế giới, nơi có nhiều tiếng ồn từ các con tàu đang hoạt động phía trên và vùng đáy biển với địa hình phức tạp có thể gây bất ngờ cho các thủy thủ đoàn.

Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 7/10 không cung cấp thông tin về sự cố xảy ra với tàu ngầm USS Connecticut, chỉ cho biết một số thủy thủ đã bị thương nhẹ khi con tàu va phải vật thể lạ trong quá trình lặn. Tuy vậy, con tàu đã di chuyển an toàn đến căn cứ hải quân của Mỹ trên đảo Guam nhờ năng lượng sẵn có của nó.

CNN dẫn nguồn tin từ phát ngôn viên của Hải quân Mỹ cho biết, phần phía trước tàu ngầm đã bị hư hại và lực lượng này sẽ “có một cuộc điều tra kỹ lưỡng và đầy đủ về toàn bộ vụ việc”.

USS Connecticut là một trong 3 tàu ngầm lớp Seawolf của Hải quân Mỹ, có giả khoảng 3 tỷ USD mỗi chiếc. Tàu nặng 9.300 tấn, dài 107,6 m và rộng 12 m, được đưa vào hoạt động từ năm 1998. Tàu ngầm này có thủy thủ đoàn gồm 140 thành viên, được cung cấp năng lượng nhờ một lò phản ứng hạt nhân duy nhất.

Theo Hải quân Mỹ, do có kích thước lớn hơn cả tàu ngầm tấn công lớp Virginia mới nhất, nên USS Connecticut có thể mang theo nhiều vũ khí hơn các tàu ngầm tấn công khác của Mỹ, trong đó có khoảng 50 ngư lôi và các tên lửa hành trình Tomahawk.

Mặc dù được đưa vào hoạt động trong hơn 20 năm qua, nhưng nó thường xuyên được nâng cấp về mặt công nghệ và được cập nhật hệ thống phần mềm mới để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong suốt thời gian phục vụ.

Hải quân Mỹ cho biết, USS Connecticut “vận hành rất êm, nhanh và cơ động, được trang bị tốt và được tích hợp các cảm biến tiên tiến”. Alessio Patalano, giáo sư nghiên cứu chiến tranh và chiến lược tại trường King’s College ở London đánh giá: “Đây là tàu ngầm sở hữu một số tính năng hoạt động dưới nước tiên tiến nhất hiện nay”.

Vậy tại sao tàu lại gặp rắc rối ở Biển Đông?

Mặc dù Hải quân Mỹ không tiết lộ tàu ngầm US Connecticut đã va phải vật thể gì nhưng các nhà phân tích cho rằng, điều kiện môi trường tại Biển Đông có thể đặt ra những thách thức cho các cảm biến tinh vi của tàu ngầm.

“Đây có thể là một vật thể nhỏ đã bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) của tàu ngầm bỏ sót trong một môi trường nhiều tiếng động”, ông Patalano nói.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, các tàu hải quân thường sử dụng thiết bị có tên gọi “sonar thụ động” để phát hiện các vật thể ở vùng nước bao quanh chúng. Không giống như “sonar chủ động” luôn tạo ra một xung âm thanh, thường được gọi là “ping” và sau đó theo dõi tín hiệu phản xạ từ các chướng ngại vật dưới nước, sonar thụ động hoạt động dựa trên cảm biến âm thanh độ nhạy cao, để thu tiếng ồn từ động cơ hoặc chân vịt của các con tàu khác. Điều này cho phép tàu ngầm giữ yên lặng và ẩn mình khỏi hệ thống dò tìm của đối phương. Tuy vậy, điều đó đồng nghĩa với việc nó phải dựa vào các thiết bị khác hoặc nhiều bộ sonar thụ động để xác định trị trí của một vật thể trên quãng đường di chuyển của nó.

Khác với tàu chiến mặt nước, tàu ngầm chỉ có thể quan sát trực quan những gì diễn ra trên mặt biển khi nổi lên hoàn toàn hoặc ở một độ sâu nằm trong độ dài của kính tiềm vọng. Còn khi lặn, hệ thống sonar trở thành “con mắt” duy nhất của nó.

Các nhà phân tích cho biết, do Biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải và khu vực đánh bắt cá nhộn nhịp nhất thế giới, nên các tiếng ồn phát ra từ tàu thuyền đang hoạt động trên mặt nước có thể cản trở việc phát hiện những vật thể bên dưới dễ gây nguy hiểm cho tàu ngầm.

“Tùy thuộc vào địa điểm xảy ra sự cố, tiếng ồn từ các tàu thuyền phía trên có thể đã ảnh hưởng tới các cảm biến hoặc việc sử dụng chúng”, ông Patalano lưu ý.

Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, cho rằng, vấn đề đối với tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông không chỉ bắt nguồn từ hoạt động giao thông đường thủy ở phía trên.

“Đây là khu vực có môi trường âm thanh rất kém và bản chất các dòng nước cũng gây ra vấn đề”.

“Tiếng ồn tạo ra từ các dòng chảy giữa các đảo xung quanh và môi trường nước nhiều xáo trộn sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận âm thanh”. Ngoài ra không loại trừ khả năng, một thứ gì đó ở bên dưới cũng có thể gây ra sự cố.

“Môi trường nước và đáy biển ở các vùng biển đó đang thay đổi một cách chậm rãi. Đây là khu vực đòi hỏi phải vẽ bản đồ địa hình đáy liên tục. Bạn có thể chạm vào một ngọn núi ngầm chưa được phát hiện ở đây. Đó là lý do tại sao các quốc gia như Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tiến hành các hoạt động khảo sát và tuần tra”.

Đây là sự cố thứ 2 xảy ra với tàu ngầm trong khu vực kể từ đầu năm đến nay. Hồi tháng 4 vừa qua, một tàu ngầm của Indonesia đã bị chìm ở Eo biển Bali, khiến toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Các quan chức Hải quân Indonesia, nguyên nhân gây tai nạn là do “yếu tố tự nhiên và môi trường”, song không cung cấp thêm chi tiết.

RELATED ARTICLES

Tin mới