Chỉ có 20 lính Mỹ có mặt ở Đài Loan mà báo chí tốn không ít giấy mực đưa tin. Chính phủ hai nước Mỹ và Trung Quốc thì tỏ ra kín tiếng về chuyện này. Bởi đây là thời điểm cả hai nước đang muốn tìm cách hạ nhiệt.
Hôm 7/10, tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời một quan chức nói rằng, có khoảng 20 nhân viên lực lượng đặc nhiệm và hỗ trợ của Mỹ đang có mặt tại Đài Loan. Không phải bây giờ mà ít nhất họ đã đến đây từ một năm nay. Đó là những chuyên gia có nhiệm vụ đặc biệt: huấn luyện cho lực lượng mặt đất của Đài Loan.
Theo vị quan chức nêu trên, mặc dù số lượng binh lính Mỹ đóng tại Đài Loan rất nhỏ bé, nhưng nó có ý nghĩa biểu tượng trong việc Mỹ giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng vệ. Nhờ đó giúp Đài Bắc tự tin, sẵn sàng giáng trả cuộc xâm lược bất ngờ từ chính quyền Bắc Kinh, vốn luôn coi Đài Loan là phần tử nổi loạn.
Nguồn tin chính thống từ Washington có vẻ dè dặt. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple, trước các mối đe dọa từ Trung Nam Hải, Mỹ nhất quán duy trì quan hệ hỗ trợ và phòng vệ với Đài Loan. Còn ông Matt Pottinger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng thời Tổng thống Donald Trump, bình luận, Đài Loan đã mua quá nhiều vũ khí quân sự đắt tiền vào đầu thế kỷ này. Thế nhưng nếu nổ ra chiến tranh, những vũ khí này sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức. Điều quan trọng hơn, Mỹ không chỉ bán vũ khí cho Đài Loan mà cần thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ-Đài.
Phản ứng của Trung Quốc là im lặng, nghe ngóng. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao nước này lên tiếng một cách chung chung, rằng sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; yêu cầu Mỹ cẩn trọng với “tính nhạy cảm cao” của vấn đề Đài Loan.
“Nguyên tắc một Trung Quốc là nền tảng chính trị của quan hệ Mỹ – Trung. Mỹ đã cam kết rõ ràng với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Trong cuộc điện đàm mới nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Joe Biden không có ý định thay đổi chính sách một Trung Quốc”- ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Khác với ông Triệu, vẫn với tính cách diều hâu, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn. Ông Hồ Tích Tiến kêu gọi tiến hành ngay một cuộc không kích để “loại bỏ” lực lượng quân đội Mỹ – kẻ xâm lược – đóng tại Đài Loan. Ông này tuyên bố cứ như đương kim Bộ trưởng Quốc phòng, rằng, lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ tung ra một “cuộc không kích có mục tiêu” để “loại bỏ không thương tiếc quân xâm lược Mỹ!”.
Đẩy tới một bước, Thời báo Hoàn Cầu bình luận: Sự hiện diện của binh lính Mỹ ở Đài Loan là “lằn ranh đỏ không thể vượt qua và đây sẽ là cơ hội để Trung Quốc hiện thực hóa thống nhất bằng vũ lực”.
Sau lưng Hồ Tích Tiến là ai mà ông ta mạnh mồm đến vậy?
Đằng sau sự kiện “nhỏ” 20 lính Mỹ đặc biệt xuất hiện ở Đài Loan, giới phân tích thấy rõ rằng, đây vẫn là hai mặt của một tờ giấy. Một mặt là hòa hợp, đối thoại, mặt kia là âm thầm chuẩn bị cho chiến tranh. Từ lâu Mỹ vẫn nuôi hy vọng sẽ ngăn chặn được việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc, giữ nguyên cái bầu khí quyển sương mù về địa vị pháp lý của Đài Loan.
Theo đó, tất cả các chủ trương, chính sách của Mỹ đều nhằm ngăn Đài Loan tuyên bố độc lập về mặt pháp lý, đồng thời khống chế Trung Quốc sử dụng vũ lực nghiền nát hòn đảo này. Nhưng đã đến lúc phép bắn cung một mũi tên trúng hai con thỏ của Nhà Trắng không còn thiêng nữa. Trung Quốc với sức mạnh kinh tế, quân sự ngày càng tăng, không dễ để Mỹ lao bức tường ra Biển Đông chặn họ..
Còn việc tuyên bố tăng cường hợp tác quân sự, đảm bảo an ninh cho Đài Loan sẽ kích động Trung Quốc hành động. Kể cả khi Trung Quốc né tránh một cuộc xâm lược quy mô lớn, chỉ tìm cách ép Đài Loan bằng cách phong tỏa, hoặc cưỡng chiếm một trong những hòn đảo nhỏ ngoài khơi của xứ Đài, thì nguy cơ chiến tranh vẫn sẽ bùng nổ. Nó bùng nổ khi có sự đổ máu, có sự thiệt hại nặng nề về vũ khí, trang bị. Khi ấy cuộc chiến “ẩn dụ” Mỹ-Trung lâu nay sẽ trở thành một cuộc chiến thực thụ, không dừng ở “chiến tranh lạnh mới” nữa.