Saturday, January 4, 2025
Trang chủThâm cung bí sửChiến tranh vùng Vịnh: 3 thập niên và 5 bài học lớn

Chiến tranh vùng Vịnh: 3 thập niên và 5 bài học lớn

Theo chuyên gia Mỹ, có nhiều điều cần mà Hoa Kỳ cần tĩnh tâm nhìn lại về Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, sau khi nó trôi qua ba thập niên.

Chuyên gia James Jay Carafano – Phó chủ tịch của Quỹ Di sản (Heritage Foundation), trong bài viết trên Tạp chí “Lợi ích Dân tộc” (National Interest) của Hoa Kỳ đã viết rằng, Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất có lẽ đã đủ xa về thời gian để có thể xem xét lại nó với ít sự bốc đồng hơn hoặc ít những cơn sốc thường làm lệch lạc đánh giá của chúng ta về các vấn đề hiện tại.

Vị chuyên gia hiện còn là người đứng đầu Viện Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia Davis (Davis Institute for National Security and Foreign Policy) nhấn mạnh, những nghiên cứu về Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất hiện nay có thể cung cấp những bài học thậm chí hữu ích hơn so với những gì mà nước Mỹ đã cố gắng học cách đây gần 3 thập niên.

Những đánh giá về Chiến dịch “Bão táp Sa mạc”

Vào mùa hè năm 1990, các lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu tràn vào Trung Đông. Đến tháng 2 năm sau, họ đã trên đường về nhà.

Vào thời điểm đó, những bất đồng về cách giải thích cuộc chiến này dường như đã nổ ra ngay trước khi quân đội Hoa Kỳ còn chưa kịp rửa sạch cát khỏi xe tăng. Tuy nhiên, gần 3 thập niên sau, cuộc tranh cãi về những gì lịch sử dạy cho chúng ta dường như vẫn còn đang tiếp diễn.

Sau cuộc chiến, Quân đội Hoa Kỳ đã bổ nhiệm Chuẩn tướng Bob Scales chỉ đạo Nhóm Nghiên cứu Đặc biệt về Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” (Desert Storm), với nhiệm vụ giải phóng Kuwait và tập hợp các lực lượng vũ trang của Saddam Hussein.

Đánh giá của Scales đã xuất hiện trong cuốn sách “Nhất định thắng lợi” (Certain victory). Không chịu thua kém, Lực lượng Không quân đã công bố “Khảo sát Sức mạnh Không quân trong Chiến tranh Vùng Vịnh”, một bản đánh giá lớn do Tom Keaney và Eliot Cohen biên tập.

Những chuyên gia bên ngoài Lầu Năm Góc cũng đã vào cuộc. Đại tá về hưu Harry Summers, người đã viết một bài phân tích có ảnh hưởng về thất bại quân sự ở Việt Nam, năm 1992 đưa ra tác phẩm “Về chiến lược II: Phân tích phê bình về Chiến tranh vùng Vịnh” (On Strategy II: A Critical Analysis of the Gulf War); còn Anthony Cordesman xuất bản “Những bài học trong Chiến tranh Hiện đại” Tập 4 (Lessons in Modern War Vol. IV), năm 1994.

Nếu có một chủ đề chung cho những phân tích này, thì đó là tràn ngập sự cổ vũ bầu không khí chiến thắng, kết hợp với niềm tin không thể lay chuyển rằng các bài học quý báu đã được rút ra.

Điều đó có thể hiểu được. Quân đội Hoa Kỳ đã được tân trang lại hoàn toàn sau thất bại tại Việt Nam. Và khi Liên Xô vừa sụp đổ thì Hoa Kỳ đã làm được điều gì đó đúng đắn.

Ở một mức độ phổ biến, phần lớn công lao của chiến thắng được cho là nhờ niềm tin rằng các tổ chức quân sự và chiến lược của Hoa Kỳ đã học tập và kết hợp kinh nghiệm lịch sử với đương đại; đồng thời sử dụng kiến ​​thức đó để cải thiện năng lực và hiệu suất.

Bài học lịch sử thực sự là một “cơn cuồng phong” trong những năm 1980. Quân đội Hoa Kỳ thậm chí đã có “bề dày lịch sử” về việc rút ra các bài học kinh nghiệm.

Tuy nhiên, bài học sau Chiến tranh vùng Vịnh là một biến thể hơi sai lệch so với những gì đã diễn ra trong những năm 1980. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, mọi người xung quanh Lầu Năm Góc bị ám ảnh bởi những tranh cãi xung quanh câu hỏi quân đội Mỹ cần đối thủ nào trong một thế giới không có mối đe dọa từ Liên Xô.

Đây là những gì bạn cần nhớ:  Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất có lẽ đã đủ xa về thời gian để có thể xem xét lại nó với ít sự bốc đồng hơn hoặc ít những cơn sốc thường làm lệch lạc đánh giá của chúng ta về các vấn đề hiện tại. Những nghiên cứu về Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất hiện nay có thể cung cấp những bài học thậm chí hữu ích hơn so với những gì mà nước Mỹ đã cố gắng học cách đây gần ba thập niên.

Theo chuyên gia James Jay Carafano, nước Mỹ có thể học được những điều sau:

1. Trung Đông có vai trò rất quan trọng

Vào năm 1990, nhiều người Mỹ đã bị sốc khi “chuyến du ngoạn quân sự” lớn đầu tiên của Hoa Kỳ thời hậu Chiến tranh Lạnh là ở Trung Đông, mà không phải ở một vùng đất nào đó “xứng tầm” hơn. Theo ông Carafano, đây là những suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.

Vùng đất này được gọi là Trung Đông là có lý do, bởi nó nằm ở giữa trung tâm của Á-Âu, là một phần quan trọng của thế giới. Đồng thời, Mỹ là một cường quốc toàn cầu với các lợi ích toàn cầu, nên Hoa Kỳ sẽ luôn quan tâm sâu sắc đến các vấn đề Trung Đông.

Hơn nữa, Mỹ sẽ luôn phải quan tâm đến các quốc gia như Iran, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia là điểm tựa cho khu vực và là cầu nối quan trọng với châu Âu và châu Á.

Đó chính là lý do tại sao vào thời điểm đó Mỹ lại lo lắng về Saddam Hussein [Tổng thống Iraq]; đó cũng là lý do tại sao Washington lo lắng về Iran và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện nay.

2. Trung Đông là một khu vực phức tạp:

Sức mạnh của các cường quốc…; sự mong manh của các nhà nước đơn nhất-nhà nước liên bang…; cuộc chiến ý thức hệ giữa chủ nghĩa hiện đại phương Tây và chế độ chuyên chế…; chủ nghĩa bộ tộc…; sự phân chia giáo phái Hồi giáo Sunni-Shia…; đó là những đặc trưng của một “Trung Đông hỗn loạn”.

Tất cả những điều đó dù muốn hay không đều luôn luôn hiện hữu và đóng vai trò định hướng số phận của khu vực.

Sự hợp nhất của các lực lượng này là điều khiến việc kết hợp một liên minh kiểu “Rube Goldberg” [hệ thống dây chuyền phản ứng cơ học và vật lý phức tạp được hình thành từ những vật đơn giản, cách vận hành được đặt tên theo nhà làm phim hoạt hình và sáng chế máy kỳ lạ Rube Goldberg] trở thành một thách thức lớn và kết thúc của cuộc chiến đã không được như ý muốn.

Chính sự hội tụ của các lực lượng xung đột hỗn loạn đã khiến hoạt động trong khu vực này trở nên khó khăn, không chỉ ở thời điểm hiện nay, mà trong suốt chiều dài lịch sử Trung Đông.

3. Chiến thắng là danh dự:

Trong các cuộc chiến ở khắp nơi trên thế giới, danh dự là sức mạnh. Không ai tôn trọng hoặc tôn vinh một kẻ thua cuộc. Khái niệm kiểu như “những nỗ lực thiện chí” có ý nghĩa quan trọng ở khu vực này của thế giới (hoặc nó ảnh hưởng đến cách thế giới nhìn nhận sức mạnh của Mỹ) chỉ là ảo tưởng.

Sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, sau cuộc xâm lược Iraq lần thứ hai của Hoa Kỳ và sau khi Hoa Kỳ dẹp tan quân nổi dậy ở “Sunni Triangle” [tức “Tam giác Sunni”, là một khu vực đông dân cư của Iraq ở phía bắc và phía tây của Baghdad, nơi sinh sống chủ yếu của người Ả Rập Hồi giáo dòng Sunni], uy tín của Hoa Kỳ đã tăng lên.

Nhưng khi nước Mỹ có ý định rút lui, tiếng nói của Hoa Kỳ và sự tôn trọng của cả bạn và thù dành cho Hoa Kỳ, đều bị suy giảm.

Những điều này cho thấy, nước Mỹ cần phải giỏi trong việc giành chiến thắng các cuộc chiến mà họ phải chiến đấu, chứ không chỉ giỏi ở việc chống lại những cuộc chiến mà họ mong muốn.

4. Chiến tranh và chính trị:

Carl von Clausewitz đã từng tuyên bố rằng “chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực”; còn sau Hội nghị Casablanca, FDR [cựu Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt] phàn nàn với con trai mình là Elliot rằng, “cuộc chiến này quá chính trị”.

Thực tế Chiến tranh vùng Vịnh Lần thứ I đã cho thấy những đánh giá đó hoàn toàn là đúng. Các quốc gia tham gia và có liên quan đã bị cuốn vào những định hướng trong nền chính trị của mình, họ đánh mất quyền ưu tiên của việc khởi động chiến tranh một cách hiệu quả.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, giới chính trị ủng hộ một lối thoát nhanh chóng, nhưng điều đó không dẫn đến một kết thúc tốt đẹp. Các cuộc chiến tranh quá định hướng về mặt chính trị cũng tồi tệ như các cuộc chiến tranh tách rời khỏi mục đích chính trị của chúng.

Những gì Hoa Kỳ cần trong khu vực là một kế hoạch vững chắc khả thi về mặt chính trị, nhưng cũng là một kế hoạch sẽ tạo ra sự khác biệt mang tính xây dựng.

5. Vai trò của các nhà lãnh đạo:

Cho dù người ta muốn ca ngợi hay suy diễn kết quả của Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, thì có một chân lý luôn đúng là: Các nhà lãnh đạo tạo ra sự khác biệt lớn trong cách mà các cuộc chiến tranh sẽ diễn ra.

Với sự định hình về công nghệ chiến tranh (như thời chiến tranh Lạnh là hàng không mẫu hạm hay vũ khí dẫn đường chính xác trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất hoặc máy bay không người lái vũ trang ngày nay), chính những người trực tiếp chỉ huy chiến tranh và những nhà lãnh đạo của những người đó đã tạo ra tất cả sự khác biệt.

Thực tế đã chỉ ra rằng, người lãnh đạo càng giỏi thì kết quả càng tốt và Hoa Kỳ đã giành thắng lợi nhanh chóng trong những cuộc chiến này do họ có những nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc, các chỉ huy quân sự ưu tú và các nhà khoa học quân sự hàng đầu.

Chính những thành công của họ trong các cuộc chiến này đã định hình cho các cuộc chiến tranh sau đó và trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới