Tuesday, January 7, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMở cửa du lịch, không thể trì hoãn: Nên trao quyền chủ...

Mở cửa du lịch, không thể trì hoãn: Nên trao quyền chủ động cho địa phương

Không chỉ mở du lịch nội địa, một số địa phương đang nóng lòng muốn thí điểm đón khách quốc tế nhưng hướng nào cũng vẫn phải chờ.

Cần nhanh chóng tạo điều kiện cho các địa phương mở cửa du lịch

Mòn mỏi ngóng hướng dẫn

Thời gian qua, cùng với những kết quả kiểm soát dịch Covid-19 khả quan, nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực lên kế hoạch mở cửađón khách du lịch trở lại. Đơn cử, từ ngày 1.10, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế cũng đã cho phép doanh nghiệp (DN) đón khách du lịch đã tiêm vắc xin tham gia các tour khép kín. Ngành du lịch TP.HCM dự kiến từ nay đến 2022 sẽ từng bước khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch.

Từ ngày 21.9, tỉnh Quảng Ninh đã mở cửa trở lại một số điểm đến đón khách tham quan như vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử… và đã có lộ trình phục hồi, thu hút khách ngoại tỉnh từ ngày 1.11. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn đang chờ Bộ VH-TT-DL chỉ đạo hướng dẫn cách triển khai quy trình đón khách phù hợp, đồng bộ, đặc biệt là những nơi đã là “vùng xanh” an toàn. Tương tự, ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang chờ Bộ VH-TT-DL xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về “thẻ xanh” (dành cho người đã tiêm đủ liều vắc xin) và “thẻ vàng” (dành cho người tiêm 1 mũi vắc xin) để triển khai loạt kế hoạch đón khách sắp tới.

Trong khi nhiều tỉnh, thành nhắm tới đẩy mạnh du lịch nội địa ngóng hướng dẫn, một số địa phương du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế đang đề xuất thí điểm đón khách quốc tế thông qua các tour trọn gói, áp dụng “hộ chiếu vắc xin” còn thất vọng hơn, khi mới đây, lãnh đạo Tổng cục Du lịch thông tin trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm tại Phú Quốc, Tổng cục Du lịch sẽ đánh giá hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh mô hình cho phù hợp thực tiễn rồi mới nhân rộng thí điểm tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu. Thị trường khách quốc tế dự kiến tới tháng 6.2022 mới có thể hoàn toàn mở cửa lại.

Đáng nói, kế hoạch triển khai thí điểm đón khách du lịch tới Phú Quốc đến nay vẫn chưa chắc chắn khi một trong những yếu tố tiên quyết bảo đảm thực hiện thành công kế hoạch thí điểm là vấn đề công nhận “hộ chiếu vắc xin” giữa VN và các nước đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Được biết, tính đến ngày 16.10, còn 3 cơ quan là Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng vẫn chưa có ý kiến về Bộ dự thảo “hộ chiếu vắc xin” của tỉnh Kiên Giang. Đây đều là các bộ chủ chốt quyết định các chính sách quan trọng cho chương trình “hộ chiếu vắc xin”.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN (TAB), đánh giá việc triển khai mở cửa du lịch của VN quá chậm trễ. Nhìn sang các nước, Thái Lan bắt đầu từ thí điểm mở cửa Phuket từ 1.7, đến bây giờ về cơ bản đã mở cửa du lịch quốc tế trên hều hết lãnh thổ… Với hướng đi khác, Singapore cân nhắc điều kiện cần và đủ, khi thấy đủ, họ không cần thí điểm mà tiến hành thỏa thuận song phương với từng nước theo cách tiếp cận “hành lang du lịch vắc xin”, đến nay đã ký với 10 nước và đang tiếp tục mở rộng. Đảo Bali (Indonesia) ngày 14.10 vừa qua cũng đã mở cửa đón du khách quốc tế trở lại.

“Đến nay, hoàn toàn chưa có bức tranh thí điểm Phú Quốc bao giờ chính thức triển khai, bao giờ đúc kết xong kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Vậy đến bao giờ VN mới có thể mở cửa du lịch quốc tế?”, ông Nam đặt câu hỏi.

Bộ nào cũng “siết”, thì ai chịu nổi

Trả lời Thanh Niên, đại diện Bộ VH-TT-DL chỉ trả lời ngắn gọn: “Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 4800 hướng dẫn chuyên môn an toàn phòng, chống dịch. Dựa vào đó, Bộ đang gấp rút xây dựng hướng dẫn về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong lĩnh vực du lịch, để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ”.

Với quan điểm VN đã đi chậm hơn các nước, không nên tiếp tục tạo những thủ tục, rào cản gây thêm sự chậm trễ mở cửa du lịch, đặc biệt với các địa phương đã có đủ điều kiện mở cửa, TS Lương Hoài Nam đề xuất nên trao quyền tự chủ về cho địa phương. Bởi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, Bộ Y tế đã có Quyết định 4800 hướng dẫn chuyên môn về an toàn phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo tất cả địa phương có quyền sáng tạo nhưng không làm trái quyết định của T.Ư. Vì thế, trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình đối với công tác phòng chống dịch cũng như đối với các thành phần kinh tế của địa phương, lãnh đạo địa phương cứ chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa, đề xuất, báo cáo Chính phủ để xin thực hiện. Không cần có văn bản hướng dẫn nào về mặt chuyên ngành, vì việc này nằm trong thẩm quyền và trách nhiệm của các địa phương. Hiện nay, mỗi địa phương có điều kiện, đặc thù dịch tễ khác nhau, rất khó để xây dựng khung điều kiện đồng nhất trên toàn quốc.

“Điều kiện bắt buộc là không trái với quyết định của T.Ư, đấy là định hướng chỉ đạo. Ngoài văn bản Chính phủ, văn bản của Bộ Y tế và quy định của Bộ GTVT về đi lại, các địa phương không cần chờ thêm bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào khác. Tất cả mọi thứ còn lại, địa phương tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Nếu điều kiện đi lại còn có khó khăn, đề xuất Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh. Bộ VH-TT-DL chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, tạo điều kiện và giúp đỡ, tháo gỡ các khó khăn cho các địa phương. Hiện đã có quá nhiều điều kiện ràng buộc, phần việc còn lại của Bộ VH-TT-DL là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, không phải sinh ra thêm những điều kiện và sự khắt khe mới từ bộ chuyên ngành. Bây giờ Bộ nào cũng siết thì không ai chịu nổi đâu”, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Đồng tình, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch VN, cho rằng về mặt an toàn, chỉ cần Nghị quyết 128và hướng dẫn của Bộ Y tế. Về bộ tiêu chí, quy trình, hướng dẫn cụ thể để đảm bảo du lịch an toàn không phải chức năng của Bộ VH-TT-DL. Tuy nhiên, đối với ngành du lịch, có tiêu chí rất quan trọng đó là nhu cầu của du khách thì rất cần bộ chuyên ngành tư vấn, hướng dẫn cho địa phương. Trải qua 2 năm dịch bệnh, hiện khách đến với mình cần cái gì, nhu cầu thay đổi thế nào, những sản phẩm mà mình dự kiến đưa ra có còn phù hợp hay không, dịch vụ gì là dịch vụ thiết yếu… là trách nhiệm cố vấn chuyên môn của Bộ VH-TT-DL.

“Những việc này lẽ ra Bộ VH-TT-DL cứ theo chức năng của mình mà chuẩn bị sẵn sàng từ trước hết rồi, không cần hướng dẫn của Bộ Y tế hay chờ đến bây giờ mới xây dựng. Doanh nghiệp, địa phương đều sốt ruột rồi, Bộ VH-TT-DL nếu có ra bộ quy trình thì cũng cần làm ngay, chốt hẹn cụ thể, không thể tiếp tục đủng đỉnh được”, ông Lương kiến nghị.

RELATED ARTICLES

Tin mới