Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiQuy hoạch ngầm đô thị trung tâm Hà Nội: Giải quyết quá...

Quy hoạch ngầm đô thị trung tâm Hà Nội: Giải quyết quá tải đô thị?

Hà Nội đang thực hiện lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô và định hướng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một nội dung quan trọng sẽ được xem xét là bổ sung định hướng quy hoạch không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm.

Giải pháp quy hoạch không gian ngầm tại quy hoạch phân khu nội đô lịch sử

Bổ sung quy hoạch ngầm đô thị


Trước đây, không gian ngầm đô thị chỉ được quan tâm như là nơi có tài nguyên nước ngầm… Gần đây, vấn đề không gian ngầm đô thị ở nước ta đã được quan tâm nhiều hơn khi có các dự án hầm vượt cho người đi bộ, hầm chung cư, hầm đỗ xe, hầm vượt cho xe cơ giới qua các nút giao cắt giao thông…  

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thành nội dung các báo cáo: Rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng thủ đô và định hướng nghiên cứu nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lưu ý bổ sung, phân tích làm rõ các hạn chế của quy hoạch chung xây dựng thủ đô trong báo cáo rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch không gian ngầm đô thị.

Theo tìm hiểu, về định hướng quy hoạch không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm, các đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg (gọi tắt là QHC1259) và quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, mới dừng ở mức độ đề xuất các nguyên tắc, chưa đề xuất cụ thể về mức độ, quy mô, phạm vi.

Bên cạnh đó, các quy hoạch trên chưa lồng ghép được các khuyến nghị, kết quả nghiên cứu, chưa gắn kết được với nội dung quy hoạch sử dụng đất, không gian ngầm. Do đó, trong quá trình triển khai điều chỉnh tổng thể QHC1259 tới đây sẽ đề xuất cụ thể các vị trí, khu vực, phạm vi triển khai mô hình TOD, không gian ngầm chính của thủ đô, đi kèm với việc đề xuất các giải pháp quy hoạch sử dụng đất, không gian đô thị đồng bộ.

Chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm

Những năm qua, tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng ở Việt Nam đang đặt ra cho cơ quan quản lý đô thị các cấp nhiều vấn đề khó giải quyết. Đơn cử như, sự tập trung dân số tại các đô thị ngày càng tăng dẫn tới sự quá tải cả về hạ tầng đô thị và không gian công cộng, đặc biệt tại Hà Nội đã tạo ra các áp lực lớn về hạ tầng đô thị như: Nhà ở, giao thông đô thị và không gian công cộng đô thị. Trong khi đó quỹ đất xây dựng đô thị ngày càng cạn kiệt, các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp.

Theo các chuyên gia quy hoạch, nguyên nhân chính là các cơ quan quản lý đô thị mới chỉ tập trung phát triển trên mặt đất, chưa coi trọng khai thác, sử dụng và phát triển không gian ngầm đô thị.

Trao đổi với PV Dân Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều công trình ngầm, như: Hệ thống hầm đường bộ, đường sắt đô thị; hệ thống đường dây, đường cáp điện lực, viễn thông và tầng hầm của các công trình xây dựng dân dụng. Song, các công trình ngầm trên mang tính cục bộ, chưa có tính liên kết để phát huy hiệu quả khai thác sử dụng.

“Đã đến lúc không gian ngầm trở thành một vấn đề quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển đô thị. Hà Nội cần xem xét chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm để phát triển một cách bài bản, liên kết đồng bộ cho toàn đô thị, tránh tình trạng phát triển cục bộ từng công trình, mạnh ai nấy đào”, ông Nghiêm nói.

Ngoài ra, việc phát triển không gian ngầm gồm hai khía cạnh là không gian công cộng ngầm và hệ thống giao thông công cộng ngầm, nếu làm tốt sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề của đô thị. Tuy nhiên, hiện cả hai khía cạnh này trong phát triển không gian ngầm ở Hà Nội mới đang ở bước đầu, còn rất khiêm tốn.

“Nếu không sớm có quy hoạch, khi triển khai hệ thống giao thông ngầm sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó mắc đầu tiên là tầng hầm của những ngôi nhà cao tầng đã và đang được xây dựng. Khi đó các tuyến giao thông ngầm sẽ phải đi vòng gây tốn kém, thậm chí gây tranh cãi như trường hợp ga ngầm C9 gần bờ hồ Hoàn Kiếm là một ví dụ”, nguyên Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (trường Đại học xây dựng Hà Nội), PGS.TS Phạm Hùng Cường nói.

Chia sẻ về những giải pháp để hoàn thiện công cụ pháp lý cho công tác quy hoạch không gian ngầm tại Việt Nam, PGS-TS. Lưu Đức Hải (nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng) cho rằng: Trong đồ án quy hoạch cần phải có quy định quản lý quy hoạch không gian ngầm như làm rõ phạm vi, quy mô cần quản lý, khu vực xây dựng không gian công cộng, hệ thống giao thông ngầm, hệ thống tuy-nen, hào kỹ thuật.

Đối với hệ thống giao thông ngầm, ông Hải lưu ý, cần quy định cụ thể hành lang sẽ xây dựng các tuyến giao thông ngầm và hành lang an toàn. Các điểm kết nối với không gian giao thông phía trên mặt đất…

“Chúng ta phải có chính sách phối kết hợp cả về nội dung và thời điểm thực hiện các dự án có liên quan đến không gian ngầm đô thị ngay từ bước lập quy hoạch đô thị và thực hiện đồng bộ khi triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời xây dựng khung pháp lý về tổ chức thực hiện quy hoạch không gian ngầm đô thị, chính sách liên kết giữa các ngành và các khu vực lân cận”, ông Hải đưa ra giải pháp.

RELATED ARTICLES

Tin mới