Trước một Trung Quốc hung hăng, ngày càng ngang ngược coi Biển Đông như “ao nhà”, các quốc gia liên quan không thể bình chân như vại. Điều đó đang tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Máy bay Xian Y-20 của Trung Quốc đã xâm phạm không phận Malaysia
Cuộc đua như càng cấp thiết hơn sau sự kiện 16 máy bay vận tải quân sự Trung Quốc xâm phạm vùng biển ngoài khơi bang Sarawak trên đảo Borneo của Malaysia ngày 31 tháng 5 năm nay.
“Xâm phạm”, là từ mà Malaysia cáo buộc Trung Quốc. Diễn biến nghiêm trọng đến mức, Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) đã điều chiến đấu cơ Hawk 208 để ngăn chặn – như thông báo của Kuala Lumpur.
Trung Quốc thì khăng khăng: “Hoạt động này là một phần của cuộc huấn luyện bay định kỳ và các máy bay đã “tuân thủ nghiêm ngặt” luật pháp quốc tế mà “không vi phạm không phận của các nước khác”. Thậm chí, nhân vụ việc tai tiếng này, Bắc Kinh còn khoe khoang rằng, những hoạt động đó “cho thấy khả năng của lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc không ngừng được cải thiện”.
Chống chế ương bướng cùng sự hãnh tiến của Bắc Kinh, thực ra, có thể hiểu được. Với đòi hỏi “đường 9 đoạn”, chỗ nào, vùng nào trong Biển Đông mà họ chẳng coi là có quyền. Đến phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA), họ còn gạt đi nữa là. Thế nên, một cuộc đua quân sự vốn đã có sẵn, càng như được các quốc gia liên quan như Việt Nam, Malaysia, Philippines, và Indonesia triển khai ráo riết hơn, nhất là về không quân.
Việt Nam, quốc gia gần Trung Quốc nhất, cũng là nước quyết liệt nhất với Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền, được đánh giá là chuẩn bị tốt nhất về mặt không quân – theo báo cáo Cán cân sức mạnh quân sự 2021 của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) mà truyền thông quốc tế đưa lại. Theo đó, Việt Nam “Việt Nam sở hữu khoảng vài chục máy bay chiến đấu Sukhoi thế hệ thứ tư của Nga; đồng thời còn có một hệ thống phòng không đa tầng trên mặt đất, bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300, hệ thống phòng không tầm trung Spyder và các hệ thống tầm ngắn khác”. Hà Nội vốn kín tiếng. Kín tới mức, các chuyên gia quốc tế, thóc mách đến mấy, cũng không “mò” được kế hoạch mua sắm máy bay thời gian tới của Việt Nam, nhưng họ đồ rằng, là nước bị Trung Quốc áp bức nhiều nhất nên cũng là nước cảnh giác nhất, chắc chắn Việt Nam sẽ không thể bằng lòng với số lượng máy bay hiện có. Đó là chưa kể, Việt Nam còn là nước “am hiểu về phòng không vì đã có kinh nghiệm trong cuộc Chiến tranh Việt Nam”.
Malaysia và Philippines không thể so đọ với Việt Nam. Không những kém hơn về kinh nghiệm, hai nước này còn kém hơn về số lượng và chất lượng các máy bay chiến đấu. Theo báo cáo nêu trên của IISS, quy mô lực lượng không quân Hoàng gia Malaysia chỉ bằng một nửa quy mô lực lượng không quân Việt Nam, 43 máy bay có khả năng chiến đấu – bao gồm các máy bay Sukhoi, F/A-18 Hornet và Hawk MK108…Sau vụ 16 máy bay vận tải Trung Quốc xâm nhập không phận, nước này đang cố gắng và quyết tâm nâng cấp các máy bay chiến đấu hiện có, đồng thời, có kế hoạch mua thêm nhiều máy bay chiến đấu đa nhiệm và máy bay chiến đấu hạng nhẹ. Tháng 6/2021, Bộ Quốc phòng Malaysia đã ra thông báo mở thầu mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ và máy bay huấn luyện. Các chuyên gia quân sự nhận định, với kế hoạch đó, nước này có khả năng nâng cấp sức mạnh lực lượng không quân và phòng không trong thời gian rất gần.
So với Malaysia, không quân của Philippines hạn chế hơn nhiều. Nhưng Manila đã tuyên bố sẽ nâng cấp và hiện đại hóa lực lượng không quân và dự định trích một phần ngân sách năm 2022 cho việc thực hiện kế hoạch này. Quyết tâm của Philippines xem ra còn cao hơn hơn một lần to tiếng khẳng định phải hành động để bắt kịp các nước láng giềng Đông Nam Á. Manila còn quan tâm đặc biệt đến việc huấn luyện cho đội ngũ tiếp cận và sử dụng các chiến đấu cơ, khí tài hiện đại sắp được tiếp nhận.
Indonesia không ít về số lượng máy bay, với 108 máy bay có khả năng chiến đấu. Tuy nhiên, những hành động gây hấn của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Natuna trong thời gian qua khiến quốc gia này không còn yên tâm với quan điểm, thái độ của một nước không có tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Là bởi, thực tế cho thấy, Trung Quốc có chừa ai đâu trong việc gây hấn. Thế nên Indonesia cho rằng, lượng máy bay trên chưa đủ trước áp lực bảo vệ không phận hiện thời. Để khắc phục, mới đây, họ đã ký một thỏa thuận mua thêm máy bay phản lực T-50 từ Hàn Quốc và mua máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp. Indonesia không giàu có gì, đại dịch Covd khiến mọi thứ càng khó khăn. Nhưng kế hoạch mua sắm trên, dẫu tốn kém nhưng thiết thực, giúp họ tái cơ cấu, tăng cường lực lượng bên cạnh việc phát triển phi đội máy bay không người lái làm nhiệm vụ trinh sát…
Với các kế hoạch và mục tiêu tham vọng trên, nhiều người cho rằng: Biển Đông, dưới đáy vốn đã “lúc nhúc” tàu ngầm của Trung Quốc, Mỹ và nhiều quốc gia, trên trời, không bao lâu nữa, máy bay của Trung Quốc và các nước có tranh chấp chủ quyền cũng sẽ “nhiều như châu chấu”.