Saturday, November 23, 2024
Trang chủNước Việt đẹpBí ẩn trăm năm về cây cầu trấn yểm thủy quái ngay...

Bí ẩn trăm năm về cây cầu trấn yểm thủy quái ngay giữa lòng phố cổ Hội An

Là một trong những địa danh nổi tiếng tại Hội An, Chùa Cầu gây ấn tượng không chỉ bởi lối kiến trúc độc đáo mà còn vì những bí ẩn mà công trình này mang trong mình…

Chùa Cầu (hay còn gọi là Cầu Nhật Bản) được xem là linh hồn, là biểu tượng của vùng đất Hội An. Đây cũng là công trình kiến trúc độc đáo, gồm hai cá thể là cầu và chùa được xây dựng bắt ngang qua một lạch nước rộng gần 10m chảy ra sông Thu Bồn.

Cầu có chiều dài gần 18m. Kết cấu các phần của cây cầu được thiết kế khá công phu, tỉ mỉ theo kiểu ‘thượng gia hạ kiều’ (trên là nhà, dưới là cầu, tức cầu có mái che) gồm 7 gian, trong đó 5 gian giữa nằm trên mặt nước, 2 gian hai đầu nằm trên bờ phía Tây và phía Đông được thiết kế như cổng dẫn vào. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là ‘Lai Viễn Kiều’, do năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là ‘Cầu đón khách phương xa’.

Tương truyền, chiếc cầu do người Nhật cất lên vào đầu thế kỷ 17, còn ngôi Chùa do người Minh Hương (cộng đồng người Hoa vốn sinh sống vào đời nhà Minh đã chạy sang Việt Nam khi nhà Thanh lên nắm quyền) xây dựng vào năm 1653 để thờ Bắc Đế Trấn Vũ.

Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức (1847 – 1883) chép rằng: “Cầu ở xã Cẩm Phô về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói”.  Theo đó các thương nhân người Nhật Bản tại Hội An đã góp tiền xây dựng cầu vào khoảng thế kỷ 17.

Theo truyền thuyết, những người Nhật đầu tiên sinh sống gần chùa Cầu thường xuyên nhìn thấy trên mặt sông xuất hiện sống lưng con quái vật Namazu (một loài thuỷ quái mà người Việt gọi là con Cù, người Nhật gọi là Namazu, người Hoa gọi là Câu Long). Trong văn hóa thần thoại Nhật Bản, Namazu là một con cá trê có cơ thể khổng lồ. Do vậy, mỗi khi di chuyển, đuôi của nó quẫy mạnh khiến mặt đất rung chuyển.

Namazu được miêu tả là bị các Thần linh giam giữ trong lớp bùn dưới các hòn đảo của Nhật Bản, khi các vị Thần không cảnh giác, Namazu sẽ quẫy cơ thể và gây nên những trận động đất kinh hoàng. Chỉ có Thần Kashima, vị Thần của sấm sét và kiếm đạo, mới có đủ khả năng chế ngự con cá trê khổng lồ này.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng khi Thần Kashima mệt mỏi hay phân tâm thì Namazu lại có cơ hội quẫy mình, gây ra các trận động đất, thậm chí có cả núi lửa phun trào, gây ra đại họa. Người dân tin rằng, quái vật khổng lồ Namazu trừng phạt sự tham lam của con người. Bằng cách tạo ra những trận động đất, Namazu muốn con người phân chia của cải ngang bằng nhau. Vì vậy, Namazu còn được coi là thần của cải.

Thủy quái Namazu được cho là có kích thước rất to lớn, có đầu ở Nhật Bản, lưng vắt qua khe ở Hội An và đuôi kéo dài tới Ấn Độ. Mỗi khi con thuỷ quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn buôn bán. Do vậy những người Nhật định cư ở Hội An đã tìm thầy phong thủy giỏi để xem thế đất và xây dựng cầu ở nơi đây, tượng trưng cho thanh kiếm đâm ngay xuống sống lưng thủy quái, khiến nó không thể gây ra động đất thiên tai nữa.

Phía tây cầu còn được đặt 2 tượng khỉ đá, phía đông đặt 2 tượng chó đá. Đây cũng là một nét đặc trưng trong văn hóa xứ Phù Tang (Nhật Bản) như: mái ngói mềm mại, uyển chuyển với độ dốc thấp, những cột vuông, nền cầu lát vát hình vòng cung, nhưng “Thần Khỉ” và “Thần Chó” (những con vật người Nhật luôn quý trọng) thờ ở hai đầu cầu.

Khỉ và chó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Vì vậy người Nhật dựng tượng Thần Khỉ và Thần Chó để trấn yểm con quái vật Namazu, người dân gọi đây là Thần Hầu và Linh Cẩu. Một thuyết khác cho rằng những bức tượng khỉ và chó xuất hiện trên cầu vì công trình này được động thổ vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất.

Ngoài ra ở nơi Thần Hầu và Linh Cẩu trấn giữ còn được khắc những dòng chữ Hán. Đôi câu đối chữ Hán ở phía cửa Đông của cầu như sau:

‘Thiên cẩu song tinh an cấn thổ; Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân’.

Tạm dịch là: ‘Hai sao thiên cẩu trấn an đất cấn; Hai tướng tử vi định giữ cung khôn’

Đôi câu đối chữ Hán ở cửa phía Tây của cầu có nội dung:

‘Ngoạn nguyệt khách du châu vĩ điện; Khán hoa nhân đáo mã đề lôi’.

Tạm dịch là: ‘Khách ngắm trăng thuyền nhanh như chớp; Người xem hoa vó ngựa sấm vang’.

Cho đến năm 1633, tình hình Nhật Bản có biến động, Nhật Hoàng ban bố lệnh đóng cửa không quan hệ giao thương với nước ngoài, đồng thời yêu cầu những người Nhật kiều đang sống và buôn bán ở nước ngoài phải hồi hương. Phố Nhật Bản tại Hội An dần rơi vào thời kỳ suy tàn và chùa Cầu được giao lại cho người Việt cai quản.

Năm 1644, Trung Quốc xảy ra biến động, nhiều người nhà Minh vì sợ nhà Thanh truy sát nên mới vượt một chặng đường dài đến đất Hội An để xin Chúa Nguyễn Phúc Lan gia nhập quốc tịch Việt Nam và thành lập nên làng Minh Hương tại cảng thị Hội An. Sau đó, chúa Nguyễn đã giao cầu Nhật Bản cho người Minh Hương quản lý và có nhiệm vụ chăm lo sửa chữa cầu.

Những người Minh Hương cũng tin rằng dưới chân cầu này là hang ổ loài thủy quái dữ tợn, khi gặp điều kiện sóng to, gió lớn, nước dâng cao mới tỉnh giấc trở mình quẫy đuôi làm nước sông dâng ngập cả phố cổ gây nhiều thiệt hại cho dân làng. Để yểm trừ, người dân cho xây dựng thêm ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu để thờ Bắc Đế Trấn Vũ.

Tại chùa Cầu, tượng Bắc Đế Trấn Vũ được thờ ở vị trí trung tâm của chánh điện. Bắc Đế Trấn Vũ (hay Huyền Vũ Thánh Quân, Đãng Ma Thiên Tôn, Huyền Thiên Bắc Đế) là một trong những vị Thần lớn được tôn sùng trong Đạo giáo của Trung Quốc. Bắc Đế Trấn Vũ tượng trưng cho sao Bắc cực, thống trị phương Bắc, kiêm quản lý các loài thủy tộc nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần.

Tượng của Bắc Đế thường không mang giày dép, chân đạp lên một con rùa và một con rắn, được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Một số người cho rằng, con rùa và con rắn chính là những thiên tướng trên trời, dưới quyền cai quản của ngài. Một số người lại cho rằng con rùa và con rắn đó chính là những con quái vật đã bị ngài thu phục và đạp dưới chân, gọi là là Linh Quy và Thần Xà, tượng trưng cho sự trường tồn và trí tuệ.

Ở Hội An, từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch thường xảy ra lũ lụt kèm theo giông bão. Mỗi khi lũ dâng, những dãy nhà ven sông thường ngập chìm trong biển nước, phải đến 3 – 4 ngày sau, thậm chí cả tuần nước mới rút. Bắc Đế Trấn Vũ là vị Thần có khả năng trị thủy, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những cơn địa chấn diễn ra ở Hội An, ổn định về mặt phong thổ, giúp cho cư dân làm ăn buôn bán được thuận buồm xuôi gió. Do đó, người Minh Hương thờ Bắc Đế Trấn Vũ làm chỗ dựa về mặt tinh thần của mình trong quá trình định cư tại vùng đất mới, giúp họ yên lòng vượt qua những khó khăn và có thêm niềm tin trong công cuộc mưu sinh.

Không chỉ là một công trình chứa đựng những giá trị kiến trúc đặc sắc, Chùa Cầu còn là nơi giao thoa của 3 nền văn hóa Nhật – Việt – Hoa. Dù những câu chuyện huyền bí xung quanh Chùa Cầu chưa có được những lời giải thích rõ ràng, nhưng người dân Hội An vẫn luôn tin rằng nơi đây được xây dựng để trấn yểm một con thủy quái, thờ tự vị thủy thần với ước vọng ngăn chặn, đẩy lùi được những cơn địa chấn, lũ lụt, giúp cho cư dân tại đây làm ăn buôn bán được thuận buồm xuôi gió.

RELATED ARTICLES

Tin mới