Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNông sản Việt rụt rè ở châu Âu: Yếu đủ thứ...

Nông sản Việt rụt rè ở châu Âu: Yếu đủ thứ…

Công nghệ bảo quản kém, chi phí logistics cao, chưa quảng bá sâu rộng… rất nhiều lý do khiến nông sản Việt ở thị trường Âu, Mỹ còn ít.

Tại buổi tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ nỗi niềm khi nhiều loại nông sản Việt được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu.

Ông cho biết, khi cảm xúc vui vụt qua, nỗi buồn lại đến bởi nông sản Việt còn yếu thế, số lượng nông sản Việt vào được kệ các siêu thị ở Mỹ hay châu Âu còn quá ít và cũng “chưa đường bệ”.

“Một đại sứ ở EU đã nói rằng nông sản của mình mới chỉ là 1% trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của EU, mà lại bán ở các cửa hàng gốc Á”, ông Hoan kể và khẳng định: “Khi đưa nông sản của mình vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Chúng ta đưa vào đó được thì mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến. Nhiều khi chúng ta hào hứng quá, chúng ta quên có những vấn đề, có những rủi ro phía sau. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường”.

Chia sẻ với tâm tư của vị tư lệnh ngành nông nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam chưa quảng bá nông sản sâu rộng trong những hệ thống phân phối lớn ở châu Âu, Mỹ. Trước đây, chủ yếu thông qua những người gốc Á, cụ thể là cộng đồng người Việt đi đi về về Việt Nam, thấy một số loại nông sản có thể bán được ở thị trường Âu, Mỹ thì đưa sang.

Chẳng hạn, đối với thị trường châu Âu, Việt Nam đã xuất khẩu rau quả sang thị trường này từ khi mới mở cửa, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, châu Âu còn chưa nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, chỉ cần có giấy kiểm dịch, nhiều công ty Việt kiều ở Pháp, Đức, Anh hoặc người Hoa gốc Việt sinh sống ở châu Âu đã đưa một số loại rau gia vị kèm theo trái cây ở Việt Nam sang để kinh doanh.

Tương tự, ở Mỹ, ban đầu các công ty Việt kiều cũng thu mua nông sản trong nước đưa sang Mỹ bán. Sau này, qua hệ thống thương vụ, một số siêu thị lớn của Mỹ mới để ý đến trái cây Việt Nam, họ sang Việt Nam gặp gỡ doanh nghiệp để đưa một số mặt hàng nông sản vào hệ thống của họ.

Quảng bá là một phần, theo ông Nguyên, nông sản Việt, nhất là trái cây, chưa xâm nhập được nhiều vào thị trường Âu, Mỹ là vì là công nghệ bảo quản kém, chủ yếu vẫn xuất thô, sơ chế, chi phí logistics lại quá cao

Như trái thanh long, ban đầu hàng Việt Nam đi tàu biển, nhưng qua đến nơi bị hư nhiều, từ đó chuyển đi máy bay nhưng giá cước quá cao.

“Hàng Việt thua hàng Thái Lan ở công nghệ bảo quản, chế biến. Việc thu hoạch, phân loại, đóng gói trái cây chủ yếu theo phương thức thủ công, thiếu kho lạnh, máy lạnh và công nghệ để bảo quản trái cây.

Bởi thiếu và yếu các công nghệ bảo quản trái cây sau thu hoạch nên tỷ lệ thất thoát khá cao, chiếm đến 20 – 30% dẫn đến giá thành cao. Các doanh nghiệp đóng gói và xuất khẩu trái cây phần lớn dưới dạng thô, tỷ lệ chế biến sâu còn ít. Cả nước có trên 150 cơ sở chế biến chỉ đạt trình độ trung bình của thế giới, với sản lượng chế biến thực tế chỉ khoảng 500 ngàn tấn/năm, nhưng công suất thiết kế hơn 1 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, một số nước cạnh tranh với Việt Nam, trong đó có Thái Lan, đã đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm rau quả nhiệt đới (vốn là thế mạnh của Việt Nam) đạt trình độ cao của thế giới, và đặc biệt đã xây dựng được các thương hiệu mạnh, nổi tiếng. Ngoài ra, họ còn phát triển, thâu tóm các hệ thống phân phối khắp nơi trên thế giới để dễ dàng tiêu thụ sản phẩm nước họ.

Thái Lan có những mặt hàng nông sản giống Việt Nam, chất lượng cao, lại có thương hiệu như kể lên, người tiêu dùng chỉ nghe tên đã hình dung ra hàng tốt, chất lượng, còn Việt Nam chưa làm được như vậy. Cho nên, sức cạnh tranh của nông sản Việt so với sản phẩm của Thái Lan còn kém xa”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích.

Bởi vậy, ông khẳng định, để nông sản Việt vươn xa, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì bắt buộc phải giải quyết được những điểm yếu này, từ chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm tới chi phí logistics, quảng bá…

“Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã cố gắng nhưng chưa đủ. Chúng ta có thể thâm nhập thị trường thông qua các doanh nghiệp gốc Á, nhất là Việt kiều để lan tỏa ra cộng đồng, nhưng trước hết sản phẩm của Viêt Nam phải chất lượng, cộng với tác động của quảng bá, nhất là của các thương vụ, kết nối với các tập đoàn lớn ở nước ngoài…”, ông Nguyên nói.

Vị chuyên gia tái khẳng định, phụ thuộc lớn vào một thị trường như Trung Quốc không hề tốt cho nông sản Việt bởi có quá nhiều rủi ro. Chỉ cần phía Trung Quốc thay đổi quy định nhập khẩu, yêu cầu kiểm dịch khó khăn hơn, lập tức hàng Việt Nam bị ứ đọng tại cửa khẩu, thậm chí phải quay đầu, đẩy chi phí của doanh nghiệp Việt lên cao gấp đôi, gấp ba.

Điều đáng lo hơn, một số mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam, điển hình như thanh long, cũng đang bị chính Trung Quốc cạnh tranh. Hiện Trung Quốc phát triển diện tích trồng thanh long rất lớn, ngang ngửa Việt Nam, nhất là khi người dân Trung Quốc thấy có lời, đầu tư càng nhiều.

“Không chừng vài năm nữa Trung Quốc trở thành đối thủ về thanh long của Việt Nam. Cho nên, chúng ta phải lo dần đi là vừa, phát triển các thị trường ngoài Trung Quốc để giảm bớt phụ thuộc vào”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới