Monday, May 13, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam được gì khi PCA lập Văn phòng đại diện tại...

Việt Nam được gì khi PCA lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội?

Sau sự kiện kỷ niệm 5 năm Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) ra phán quyết phủ nhận yêu sách “Đường lưỡi bò” vô lối của Trung Quốc trên Biển Đông, một sự kiện đang được dư luận thế giới quan tâm theo dõi là, sắp tới PCA sẽ thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Hôm 27/10 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam đã diễn ra lễ ký thỏa thuận giữa chính phủ nước này và Tòa Trọng tài thường trực về việc thành lập Văn phòng đại diện tại thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị và ngoại giao rất lớn, nhất là trong tình hình Trung Quốc tiếp tục có những hành động gia tăng quân sự, gây căng thẳng trên Biển Đông. Và, Bắc Kinh vẫn ngang ngược không chấp nhận phán quyết của Tòa, tiếp tục thách thức pháp luật quốc tế, bắt nạt các nước trong khu vực.

Vì sao Tòa trọng tài Liên hợp quốc lại chọn nơi đặt Văn phòng đại diện là Việt Nam mà không phải Philippines, hay quốc gia nào khác? Hà Nội liệu có khó xử đối với Bắc Kinh? Hà Nội được gì khi có Văn phòng đại diện của PCA? Đó là những câu hỏi đang được giới quan sát quan tâm, chia sẻ.

Điều đầu tiên cần khẳng định, PCA mở văn phòng đại diện tại Việt Nam thể hiện cách tiếp cận của lãnh đạo Hà Nội trong việc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.Việt Nam sẽ được tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của PCA, nhất là trong việc hỗ trợ đào tạo các luật sư, cán bộ tư pháp.

Trong lịch sử tố tụng của PCA có những sự kiện nổi bật, thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này đối với các vấn đề tranh chấp quốc tế. Có thể nêu ba phán quyết quan trọng nhất: một, phán quyết về tranh chấp biên giới giữa CH Slovenia và CH Croatia ngày 29/6/2017; hai, phán quyết trong vụ kiện về Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc (năm 2016); ba, phán quyết về vụ kiện đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan (đảo Palmas có tên gọi khác là Pula Miangas, thuộc lãnh thổ Indonesia.

Về phán quyết của Tòa trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, cơ bản có lợi cho bên tranh chấp trực tiếp là Philippines. Tuy nhiên, các bên tranh chấp khác không tham gia tố tụng, như Việt Nam, Indonesia, Malaysia… đều được hưởng lợi, ít nhất là kiềm chế để Trung Quốc bớt hung hăng.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, việc lần đầu PCA mở văn phòng đại diện tại Việt Nam không chỉ là một hoạt động chính trị mà còn mang ý nghĩa ngoại giao rất lớn. Mặc dù đang phải “đu dây”, không muốn ngả theo bên nào (Mỹ hay Trung Quốc”, Hà Nội đã thể hiện rõ cách tiếp cận trên cơ sở luật pháp quốc tế, coi đó là định hướng cơ bản nhất trong bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Qua đây cũng muốn nói với Bắc Kinh rằng, Hà Nội luôn giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích khác trên biển bằng biện pháp hòa bình, thông qua tiến trình chính trị, ngoại giao và pháp lý.

Không chỉ có vậy, bên cạnh giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ, khi có Văn phòng đoại diện tại Đông Nam Á, PCA còn có điều kiện giải quyết những vấn đề tranh chấp khác giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế, kể cả tranh chấp giữa các tổ chức tư nhân có quan hệ quốc tế.

Việc PCA đặt Văn phòng đại diện tại đây còn là cơ hội tốt giải quyết các vấn đề thương mại, giúp đào tạo nguồn nhân lực pháp lý và nâng cao hiểu biết về luật pháp quốc tế. Các rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình mở cửa, hội nhập mạnh mẽ sẽ được giải quyết bằng luật pháp quốc tế minh bạch, dứt điểm.

Hiện nay, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thực hiện âm mưu bành trướng, thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu” hòng từng bước nuốt trọn Biển Đông, sự hiện diện của Tòa trọng tài thường trực quốc tế tại Đông Nam Á là một động thái tích cực kiềm chế Trung Quốc, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOC) năm 1982. Nhất định Trung Quốc phải thực hiện Phán quyết về Biển Đông của PCA năm 2016. Phán quyết này là một phần của luật pháp quốc tế, không thể bị quăng vào sọt rác.

Trong những năm qua, không chỉ có Mỹ, các quốc gia ngoài khu vực như Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật cũng  đã có những tuyên bố phản đối sự ngang ngược của Bắc Kinh. Đặc biệt, “bên thắng kiện” Manila đã kiên trì theo đuổi chính sách phản đối âm mưu thôn tính Biển Đông và những hành động lấn chiếm, cơi nới các thực thể trên biển của Trung Quốc. Mới đây, trong bài phát biểu tại phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 22/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã một lần nữa tuyên bố: Phán quyết Biển Đông là một phần của luật pháp quốc tế, không quốc gia nào có thể làm trái.

5 năm trôi qua Trung Quốc vẫn một mực phủ nhận phán quyết về Biển Đông. Nhưng đó là nhìn bề ngoài. Thực chất nước này đã có những thay đổi nhất định, biểu hiện ở cách tiếp cận đối với luật pháp quốc tế. Trung Nam Hải yêu cầu các học giả trong nước xúc tiến việc nghiên cứu, ứng phó những sự kiện tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải tương tự trong tương lai.

Philippines cũng như các nước Đông Nam Á khác, nhất là những nước có tranh chấp về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông cần hợp tác chặt chẽ, kiên trì đấu tranh, buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết và luật pháp quốc tế.

Việc Tòa trọng tài quốc tế tại Liên họp quốc đặt Văn phòng đại diện tại Hà Nội là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Không chỉ Philippines, mà Việt Nam và các nước khác đều thuận lợi hơn khi có ý định kiện Trung Quốc ra Tòa khi  đã có những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi.
Các nước trong khu vực đang chờ những động thái tiếp theo của Tòa, kể cả sự phản ứng của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới