Trung Quốc đang đầu tư trang bị vũ khí và thiết bị tiên tiến, đồng thời tái cơ cấu bộ phận chỉ huy quân sự trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này.
Thế giới đang chú ý nhiều hơn đến việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, trong đó có việc nước này theo đuổi các loại vũ khí ngày càng tinh vi hơn. Điều này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục điều máy bay quân sự áp sát Đài Loan, cũng như rò rỉ các thông tin về việc thử nghiệm vũ khí siêu thanh.
Trung Quốc được cho là quốc gia có lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới với hơn 2 triệu quân tại ngũ. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn về mặt ngoại giao, sẵn sàng phô trương sức mạnh quân sự cũng như ngang nhiên đưa ra các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp.
Yin Dongyu, nhà phân tích về quân đội ở Bắc Kinh cho biết: “Phản ứng càng mạnh mẽ của Washington trước các động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông báo động nguy cơ xung đột Mỹ – Trung. Trên thực tế, Mỹ đang coi Trung Quốc ở vị thế ngang hàng vì việc tăng cường tiềm lực sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Đó là dấu hiệu cho thấy sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc”.
Trong những tháng gần đây, hải quân của Mỹ và các đồng minh thường xuyên hiện diện tại các vùng biển châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có cả Biển Đông và eo biển Đài Loan, nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế.
Hồi tháng 10, Mỹ công bố AUKUS – liên minh an ninh, quân sự mới với Anh và Australia. Theo thỏa thuận này, Australia sẽ mua lại các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ. Washington cũng đã tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan. Người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn cũng đã lên tiếng khẳng định về việc quân Mỹ hiện diện ở hòn đảo này, tổ chức các khóa huấn luyện quân sự chuyên biệt trong hơn một năm qua.
Nhanh chóng hiện đại hóa
Lực lượng lục quân được xem là nền tảng để quân đội Trung Quốc khẳng định quyền lực trong khu vực. Gần đây, lực lượng này cũng đi tiên phong trong việc thực hiện các đợt điều quân đến sát biên giới với Ấn Độ tại dãy Himalaya.
Theo báo cáo “Sức mạnh quân sự Trung Quốc” của Lầu Năm Góc mới đây, hiện lục quân Trung Quốc có 915.000 quân, trong khi đó con số này của Mỹ chỉ khoảng 486.000 binh sĩ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã tích trữ kho vũ khí với các loại vũ khí công nghệ ngày càng cao.
Năm 2019, Trung Quốc trình làng tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 trong cuộc diễu binh nhân Ngày Quốc khánh của nước này. Tên lửa DF-41 có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách 15.000 km, được cho là có tầm bắn tới những mục tiêu ở bang Alaska và phần lớn lục địa Mỹ. Quân đội Trung Quốc đang sở hữu 2 phiên bản tên lửa DF-41, loại có thể được phóng từ xe lửa và xe quân sự.
Năm nay, rộ lên nhiều thông tin về việc Trung Quốc đã thực sự thử nghiệm vũ khí siêu thanh 2 lần – một lần vào tháng 7 và một lần vào tháng 8. Đại tướng Mark Milley, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ, vừa đưa ra xác nhận chính thức đầu tiên về nỗi lo trước vụ thử vũ khí siêu thanh của Trung Quốc.
Cũng theo tướng Mark Milley, sự kiện Trung Quốc phóng tên lửa siêu thanh “rất gần” với khoảnh khắc Sputnik, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 1957, đưa Moskva dẫn trước Washington trong cuộc đua lên vũ trụ.
Theo sách trắng quốc phòng Trung Quốc, nước này hiện đang sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với các tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Để hỗ trợ hải quân, Trung Quốc còn có lực lượng dân quân biển, được chính phủ hỗ trợ hoạt động ở Biển Đông. Đáng chú ý, Bắc Kinh cũng đã công bố luật hải cảnh, cho phép lực lượng tuần duyên nước này sử dụng “tất cả biện pháp cần thiết”, gồm vũ khí cầm tay, vũ khí trên tàu và trên không đối với tàu nước ngoài.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cải tổ, hiện đại hóa quân đội và phát triển hải quân của nước này. (Ảnh: EPA)
Ông Yin Dongyu cho rằng: “Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã được tăng cường đáng kể nhờ một số lượng lớn vũ khí mới được bổ sung vào kho vũ khí, đặc biệt là trong lực lượng hải quân. Hải quân đang cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng trong quân đội Trung Quốc”.
Theo công bố năm ngoái của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, lực lượng không quân của Trung Quốc cũng đã phát triển thành lực lượng lớn nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và lớn thứ ba trên thế giới, với hơn 2.500 máy bay và khoảng 2.000 máy bay chiến đấu.
Đáng chú ý nhất là lực lượng không quân hiện sở hữu một đội máy bay chiến đấu tàng hình, trong đó có cả J-20 – máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Trung Quốc. Chiến đấu cơ J-20 được phát triển và thiết kế độc lập để cạnh tranh với F-22 do Mỹ sản xuất.
Trên toàn cầu, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang các nước đang phát triển khác. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong thập kỷ qua, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chủ yếu đến Pakistan, Bangladesh và Algeria. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về máy bay không người lái (UAV), với khách hàng là Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Ả-rập Xê-út.
Ông Yin Dongyu cho hay: “Vô số UAV được xuất khẩu sang vùng Vịnh. Điều này diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ cấm nhiều quốc gia mua chúng từ Mỹ do lo ngại về vấn đề nhân quyền. Đây được xem là cơ hội để Bắc Kinh sớm lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại”.
Thế nhưng, kho vũ khí đáng chú của Trung Quốc và sự phát triển quân sự của nước này dường như không thể che đậy những bất cập đang tồn tại. Đó là phân cấp trong hệ thống chỉ huy không rõ ràng, vấn nạn quan liêu, cũng như những câu hỏi về chất lượng của binh sĩ.
Công tác tuyển quân trong quân đội Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù chế độ đối với các binh sĩ có nhiều ưu đãi, song những người trẻ của nước này không thực sự mặn mà với việc nhập ngũ. Những người được đào tạo tốt, chất lượng cao lại muốn làm việc trong lĩnh vực tư nhân vốn đang bùng nổ ở Trung Quốc. Điều này khiến quân đội Trung Quốc thiếu lực lượng lính chuyên nghiệp.
Trung Quốc có nhiều khách hàng ở phân khúc máy bay không người lái. (Ảnh: EPA)
Hàng năm, mỗi địa phương Trung Quốc đều có chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự. Theo đó, các thanh niên trên 18 tuổi trúng tuyển phải hoàn thành 2 năm nghĩa vụ quân sự. Năm nay, sau thời gian trì hoãn vì đại dịch COVID-19, quân đội Trung Quốc bắt đầu tổ chức tuyển quân, với 2 đợt thay vì một đợt như các năm trước.
Theo giới phân tích, mặc dù tích lũy nhiều vũ khí tiên tiến hơn trong những năm gần đây, song một phần các thiết bị quân sự của Trung Quốc vẫn được xem là lạc hậu, được chế tạo bằng công nghệ của Liên Xô trước đây.
Hải quân Trung Quốc hiện có nhiều tàu chiến hơn Mỹ – với 360 tàu, song nhưng hạm đội hải quân này chủ yếu gồm các tàu nhỏ. Bắc Kinh chỉ có 2 tàu sân bay lớn là Liêu Ninh và Sơn Đông, còn tàu sân bay thứ 3 – lớp Type 003, vẫn đang được đóng. Trong khi đó, hải quân Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Còn nhiều hạn chế
Đề cập đến năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc trong việc đáp ứng các mục tiêu quân sự, báo cáo của tổ chức Rand Corporation (Mỹ) năm 2018 chỉ ra rằng, việc thiếu đào tạo để vận hành và bảo trì các loại vũ khí mới được phát triển cũng là rào cản, cản trở khả năng liên kết của quân đội nước này.
Shi Yang, nhà phân tích quân sự Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Quan liêu và cơ cấu chỉ huy lỗi thời đã tác động tiêu cực đến quân đội Trung Quốc. Số lượng lớn vũ khí lạc hậu cũng được xem là yếu tố hạn chế khả năng chiến đấu của quân đội nước này”.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, việc thiếu kinh nghiệm tác chiến trên thực địa được xem là yếu điểm của quân đội Trung Quốc. “Nếu không được chiến đấu trên thực địa, một số người cho rằng quân đội Trung Quốc có thể không thể đáp ứng được kỳ vọng”, chuyên gia Shi Yang cho hay.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách 15.000 km. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Các đơn vị quân đội vẫn tổ chức các cuộc diễn tập khác nhau theo mô hình thực chiến. Đầu 10 tháng vừa qua, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, điều động ồ ạt của lực lượng không quân vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này. Cùng thời điểm, quân đội Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận trên bộ ở tỉnh Phúc Kiến – ngay phía đối diện với Đài Loan qua eo biển.
Một số ý kiến cho rằng, việc thiếu kinh nghiệm thực chiến của quân đội Trung Quốc không hẳn là bất lợi. Theo ông Shi Yang, sự thiếu kinh nghiệm như vậy “sẽ không làm xói mòn sức mạnh quân sự của Trung Quốc”. “Sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc trong cuộc xung đột hiện đại chủ yếu sẽ phụ thuộc vào công nghệ”, chuyên gia Shi Yang nói.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện một số bước nhằm giải quyết những vấn đề bất cập trong quân đội Trung Quốc. Theo cải cách sâu rộng vào năm 2016, Trung Quốc đã chuyển giao quyền chỉ huy của các đơn vị quân khu tỉnh cho 5 chiến khu lớn. Các sư đoàn lục quân, hải quân và không quân ở mỗi khu vực chịu sự chỉ đạo trực tiếp chỉ huy chiến khu, đảm bảo sự tích hợp, hiệu quả hoạt động của quân đội nước này.
Bên cạnh giải quyết vấn nạn quan liêu, Trung Quốc cũng đã tiến hành tái cơ cấu lực lượng chỉ huy để nâng cao năng lực chỉ đạo trong quân đội. Bắc Kinh cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các lực lượng vũ trang với ngân sách quốc phòng hiện được cho là lớn nhất từ trước đến nay.
Theo đó, trong năm tài chính 2021, ngân sách quốc phòng Trung Quốc là 1,36 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 209,16 tỷ USD), nhiều hơn 6,8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa bằng 1/3 ngân sách quốc phòng của Mỹ khi Washington chi tới 705,39 tỷ USD trong năm 2021.
“Nhiều quốc gia trong khu vực coi Trung Quốc là mối đe dọa và Mỹ cũng nằm trong số đó. Vì vậy, với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, các quốc gia khác với sự giúp đỡ từ Mỹ cả công khai lẫn bí mật, đang cố gắng bắt kịp Bắc Kinh”, Yin Dongyu nói, đề cập đến cuộc chạy đua vũ trang leo thang trong khu vực.
Theo chuyên gia Yin Dongyu, với thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với các yêu sách lãnh thổ của nước này, chạy đua vũ trang trong khu vực ngày càng gia tăng và khó kết thúc sớm.