Trung Quốc lo ngại việc Mỹ và các đồng minh, trong đó có Hàn Quốc, thắt chặt quan hệ để kiềm tỏa Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.
Đánh giá của hai học giả thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), một trong những viện nghiên cứu chính sách đối ngoại lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của nước này, được đưa ra khi Mỹ đang dồn sự tập trung vào mối quan hệ với các liên minh như một phần trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc.
Trong báo cáo được công bố vào tuần trước, Sun Ru, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị Thế giới thuộc CICIR và Wang Fudong, một cộng sự, đã nhận định kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1, Nhà Trắng đã thúc đẩy hợp tác rộng rãi hơn với Hàn Quốc trên nhiều mặt, bao gồm hoạt động sản xuất, mạng 5G, chất bán dẫn và chuỗi cung ứng.
Liên minh quân sự của Washington và Seoul cũng là vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với Bắc Kinh, xét trên khía cạnh địa lý.
Một trong những tình huống xấu nhất đối với Trung Quốc là Hàn Quốc – nơi hiện có hơn 26.000 lính Mỹ đồn trú và cũng là một trong những nơi Mỹ triển khai lực lượng đông đảo nhất ở nước ngoài – hợp tác với Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan.
Theo các điều khoản của liên minh phòng thủ, Mỹ sẽ có quyền chỉ huy hoạt động tác chiến đối với quân đội Hàn Quốc, nhưng hai bên đang đàm phán để chuyển giao quyền lực cho Seoul vào năm tới.
Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn, Washington cũng đã đặt ra vấn đề mở rộng liên minh quân sự với Seoul.
Tại phiên điều trần trước Thượng viện vào tháng 5, Tướng Paul LaCamera, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), bày tỏ sự ủng hộ về việc lực lượng USFK được đưa vào các kế hoạch dự phòng của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Lực lượng USFK được bố trí chuyên biệt để cung cấp cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một loạt khả năng nhằm tạo ra các phương án hỗ trợ các tình huống xảy ra ngoài khu vực và phản ứng với các mối đe dọa trong khu vực”, Tướng Mỹ cho biết.
Vào tháng 5, Mỹ và Hàn Quốc đã đồng ý dỡ bỏ các rào cản đối với tầm bắn của tên lửa mà Seoul sở hữu, cho phép tấn công các mục tiêu xa hơn bán đảo Triều Tiên. 4 tháng sau, Hàn Quốc xác nhận nước này đã phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
“Bằng cách dỡ bỏ các hạn chế phát triển tên lửa và cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa tầm trung và tầm xa, chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa đưa Hàn Quốc vào thế khó vừa sử dụng liên minh để kiềm chế Trung Quốc”, báo cáo của chuyên gia Trung Quốc cảnh báo.
Vào thời điểm đó, Hàn Quốc nói rằng năng lực tên lửa của nước này là biện pháp răn đe rõ ràng đối với Triều Tiên, nhưng chuyên gia quân sự Song Zhongping cho rằng nó cũng có thể gây ra mối đe dọa đối với Trung Quốc.
“Mặc dù rất khó để chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng Hàn Quốc sẽ buộc phải chọn nếu có chiến tranh. Và do quan hệ liên minh, quân đội của Hàn Quốc phải tuân theo chính quyền Mỹ. Mặc dù Hàn Quốc có thể không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, nhưng họ có thể bị Mỹ gây áp lực để làm như vậy”, ông Song nhận định.
Báo cáo của CICIR cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể “theo chân” Nhật Bản trong việc lên kế hoạch dự phòng cho một cuộc xung đột ở Đài Loan.
“Khi tình hình eo biển Đài Loan tiếp tục căng thẳng, Mỹ đang suy đoán về việc Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực và trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, Hàn Quốc sẽ khó từ chối Mỹ về việc huy động quân đội của nước này”, báo cáo cho biết.
Ngoài ra, có những đồn đoán rằng Washington muốn mở rộng liên minh Bộ Tứ, ngoài 4 thành viên hiện tại gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy nhiên, cho đến nay, Hàn Quốc vẫn do dự về việc tham gia liên minh này.