“Vấn đề Đài Loan”càng lúc càng tăng nhiệt. Chưa biết khi nào mới đến hồi kết. Liệu Trung Quốc có dám tấn công hòn đảo này bằng vũ lực? Đổ máu trong thế kỷ này đương nhiên là một thảm họa không thể chấp nhận. Không chỉ có sự căng thẳng Bắc Kinh-Đài Bắc mà còn là thách thức lâu dài với Mỹ.
Mấy năm nay, nhà cầm quyền Bắc Kinh cho rằng, Đại lục có nhiều cơ hội để đánh úp Đài Loan, thu giang sơn về một mối. Điều này cần phải làm sớm, trước khi các khoản đầu tư quân sự của Mỹ phương Tây ùn ùn đổ vào và tăng sức mạnh cho Đài Bắc. Nếu dền dứ quá lâu, các khoản đầu tư quân sự của Mỹ gia tăng đáng kể sẽ biến Mỹ trở thành một đối thủ quân sự đáng gờm hơn nhiều.
Một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ nói: Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng “vấn đề Đài Loan không nên được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Ông Tập đã thẳng thừng từ chối việc “loại bỏ khả năng sử dụng vũ lực” trong bài phát biểu quan trọng từ năm 2019.
Hiện Đài Loan đang nổi lên như là tâm điểm của một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau những cuộc thăm dò chính trị, trừng phạt kinh tế, Mỹ từng bước nhận rõ một điều, Trung Quốc là một mối đe dọa quân sự, xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mối đe dọa ấy xuất phát ở chỗ, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ lực thôn tính Đài Loan.
Kéo hòn đảo này về với “đất mẹ” không đơn giản là chuyện thu hồi một tỉnh “đã mất”, mà hơn thế tạo ra một uy thế chính trị. Đây sẽ là một bước quan trọng để giúp Trung Quốc thiết lập quyền bá chủ ở châu Á.
Để chắc thắng, quân đội Trung Quốc đã thường xuyên diễn tập các cuộc tấn công đổ bộ, cũng như diễn tập các cuộc tấn công quy mô lớn, nhằm vào đối tượng tác chiến là Mỹ. Để thu hồi Đài Loan, hòn đảo có lực lượng hải quân hùng mạnh, Trung Quốc đã dành 25 năm để xây dựng quân đội hiện đại, với hải quân ngày càng phát triển, không quân khổng lồ, với những kho vũ khí tên lửa và mạng lưới vệ tinh tối tân.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, hồi tháng 10 cho biết, Trung Quốc “hoàn toàn có năng lực để xâm lược” hòn đảo này, có thể vào năm 2025.
Trước những diễn biến mau lẹ ở khu vực Biển Đông, Mỹ cuối cùng cũng đã thức tỉnh trước mối thách thức đến từ Trung Quốc. Washington đã thay đổi, đã định hướng lại các nỗ lực quân sự bằng cách hướng vào châu Á. Đồng thời, các liên minh như Bộ Tứ, AUKUS, đang tăng cường liên kết để ngăn chặn khả năng thống trị khu vực của Trung Quốc. Theo tính toán của Bắc Kinh, nếu chờ đợi quá lâu, các khoản đầu tư quân sự khổng lồ của Mỹ sẽ giúp “con hổ” này trở thành một đối thủ quân sự đáng gờm hơn nhiều.
Về phía Đài Loan, được ví như thùng thuốc súng có thể phát nổ bất cứ lúc nào, ưu tiên cấp bách nhất là, phải nâng cấp triệt để hệ thống phòng thủ. Hòn đảo này phải tăng gấp nhiều lần ngân sách quốc phòng. Thế nhưng trong những thập niên gần đây, nguồn ngân sách chi cho quốc phòng khá eo hẹp.
Đài Loan cần phải nỗ lực đầu tư cho quốc phòng để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc, làm sao đủ khả năng chống chọi trước một cuộc phong tỏa hoặc không kích của Bắc Kinh. Để giúp Đài Bắc, Washington cũng nên gây áp lực tương tự lên Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ. Nhật Bản thấy rõ một điều, nếu Đài Loan thất thủ sẽ bị Bắc Kinh đe dọa quân sự trực tiếp. Do vậy Tokyo đóng vai trò rất lớn trong bất kỳ nỗ lực phòng thủ nào của Đài Loan.
Việc ngăn chặn chiến tranh chống lại một siêu cường đang nuôi tham vọng bá chủ thế giới, đòi hỏi sự tàn nhẫn trong các ưu tiên của Mỹ. Muốn đứng vững ở châu Á, quân đội Mỹ sẽ phải thu nhỏ quy mô ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và thậm chí cả Châu Âu.
Rõ ràng, trong chiến lược bành trướng, âm mưu từng bước thôn tính Biển Đông, Trung Quốc đã đặt ra một thách thức lâu dài đối với Mỹ không chỉ ở vấn đề sức mạnh quân sự. Washington phải làm sao “thuyết phục” Bắc Kinh, rằng, thưa các ngài, các ngài không thể giành được lợi ích từ cuộc chiến tranh xâm lược. Đụng vào Đài Loan là đụng vào một liên minh quân sự khổng lồ.
Rốt cục, Trung Quốc sẽ đánh hay không đánh Đài Loan, vẫn chỉ là những tiên đoán mà thôi. Tiên đoán lịch sử trước khi nó diễn ra là vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải có một sự phân tích toàn diện và tầm nhìn quốc tế. Lịch sử không diễn ra suôn sẻ như nhiều nhà bình luận, sử gia tin tưởng. Đối với những nước độc tài, dù hữu, hay tả, nhất là đối với một nước phương Đông, vừa mang nặng hệ tư tưởng phong kiến, vừa theo đuổi chủ nghĩa xã hội (đặc sắc) như Trung Quốc, dự đoán chính xác là điều không tưởng.
Thế mới là đòn hiểm, là miếng gân gà khó nuốt đối với Lầu Năm Góc.
Comments are closed.