Bên cạnh mua sắm nhiều vũ khí kĩ thuật cao, những năm gần đây không quân Ấn Độ cũng thực hành đưa tư tưởng tác chiến vào thử nghiệm trong các cuộc diễn tập.
Xuất phát từ thực tiễn các cuộc chiến tranh cục bộ kĩ thuật cao diễn ra gần đây cũng như những thay đổi của môi trường an ninh trong, ngoài nước, không quân Ấn Độ đề ra yêu cầu “đánh thắng chiến tranh hạn chế trong điều kiện có răn đe hạt nhân”, với những nội dung chính sau.
Chủ động đánh đòn phủ đầu
Ngay từ phút đầu của cuộc chiến phải giành quyền chủ động tác chiến, đưa đối phương vào tình thế bất lợi. Một khi phát hiện đối phương có ý đồ tiến công, lập tức chủ động đánh đòn phủ đầu bằng cách tổ chức lực lượng cơ động chiến lược và lực lượng phản ứng nhanh với ưu thế áp đảo để thực hiện đòn tập kích ở hướng chiến dịch chủ yếu; còn ở hướng chiến dịch thứ yếu, thực hiện tác chiến cơ động vào tung thâm nông.
Ở hướng chiến dịch chủ yếu, sử dụng máy bay ném bom thực hiện không kích tầm xa nhằm phá huỷ các sân bay tuyến trước, các tuyến giao thông vận tải của đối phương; ngăn đối phương cơ động lực lượng dự bị chiến lược, cô lập thê đội 1 chiến dịch của chúng; sử dụng lực lượng đổ bộ đường không và lực lượng tác chiến đặc biệt thâm nhập vào tung thâm chiến dịch tập kích sở chỉ huy, đầu mối thông tin, trận địa tên lửa, tuyến đảm bảo hậu cần và quấy rối hậu phương chiến dịch của đối phương; sử dụng hoả lực mặt đất và hoả lực đường không tập kích mạnh mẽ vào khu vực tập kết lực lượng, sở chỉ huy, trận địa pháo… tiêu diệt sinh lực và phá sự chuẩn bị tiến công của đối phương.
Bên cạnh việc mua sắm các loại vũ khí trang bị kĩ thuật cao, những năm gần đây không quân Ấn Độ đều thực hành đưa tư tưởng tác chiến tiến công vào thử nghiệm trong các cuộc diễn tập.
Đặc biệt, Ấn Độ chú trọng huấn luyện cho phi công các khoa mục quan trọng như bôn tập tầm xa, công kích đối đất, tác chiến hiệp đồng nhiều chủng loại máy bay; sử dụng các loại vũ khí hiện đại như tên lửa dẫn bằng la-de bán chủ động, tên lửa dẫn bằng vô tuyến và tên lửa chống bức xạ tiến hành tập kích đường không vào các mục tiêu chiến lược ở sâu trong lòng “đối phương”.
Thực hiện tác chiến liên hợp
Diễn tập liên hợp lục quân – không quân là dạng diễn tập được coi trọng nhất, được tổ chức đều đặn nhất của không quân Ấn Độ (tiến hành 1-2 lần mỗi năm). Trong diễn tập, các đơn vị lục quân cấp sư đoàn, lữ đoàn đóng ở các hướng chủ yếu đều có đại diện trong bộ chỉ huy diễn tập, cử sĩ quan tham mưu đến tham gia ý kiến về việc sử dụng lực lượng không quân và tác chiến không đối đất.
Phương châm tác chiến liên hợp của không quân Ấn Độ được vận dụng trong các cuộc diễn tập là “Hiệp đồng theo khu vực, chi viện cho nơi gần nhất”, tức đơn vị không quân ở gần các đơn vị mặt đất nhất sẽ làm nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị này. Như vậy, không quân sẽ có nhiều thời gian hơn ở trên không, tiện cho việc chỉ huy và hiệp đồng chiến đấu.
Không quân Ấn Độ còn thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập tác chiến liên hợp hải – lục – không quân, thông qua diễn tập để nâng cao trình độ chỉ huy – tham mưu, huấn luyện kĩ năng tác chiến liên hợp và phối hợp hành động giữa các quân binh chủng, trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện tư tưởng tác chiến liên hợp.
Chú trọng tác chiến cơ động tầm xa quy mô lớn
Không quân Ấn Độ cho rằng, việc sử dụng rộng rãi trang bị kĩ thuật cao hiện đại trong quân sự đã làm cho khả năng tác chiến cơ động tầm xa quy mô lớn trở nên hiện thực, và phương thức tác chiến này là biện pháp hiệu quả để giải quyết những cuộc chiến tranh đột phát.
Với phương thức tác chiến này, có thể kiểm soát được tiến trình chiến tranh theo ý muốn của mình, chủ động đưa chiến trường đến tung thâm phòng ngự của đối phương ở chiều sâu đến vài ngàn km, nhanh chóng điều động lực lượng tinh nhuệ tiến hành phản kích trong trường hợp tuyến phòng thủ bị đối phương đột phá.
Từ nhận thức này, các cuộc diễn tập của không quân Ấn Độ đặc biệt coi trọng việc huấn luyện, kiểm nghiệm khả năng tác chiến cơ động và công kích tầm xa. Trong một cuộc diễn tập, không quân Ấn Độ đã điều động các loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất tham gia nhằm thử nghiệm việc tạo ưu thế áp đảo về số lượng và chất lượng lực lượng trên không.
Trong đó, những liên đội máy bay cơ động chặng đường lên đến 1.600 km đến nơi diễn tập. Máy bay chiến đấu ném bom Jaguar cất cánh từ căn cứ Ponah bay đến quần đảo Adaman, được tiếp dầu tại căn cứ không quân Calaikolda ở miền Đông, cự li cơ động lên đến 3.000km. Trong một cuộc diễn tập đổ bộ đường không liên hợp Mỹ – Ấn, máy bay Il-76 của không quân Ấn Độ cũng vượt hàng ngàn km đến Alaska (Mỹ).
Nâng cao khả năng tác chiến thông tin
Không quân Ấn Độ đang đẩy nhanh việc phát triển trang bị chiến tranh thông tin, xây dựng lực lượng kĩ thuật thông tin; đồng thời đẩy mạnh huấn luyện tác chiến thông tin, đặc biệt là tác chiến điện tử, nâng cao khả năng tác chiến của quân chủng trong điều kiện đối kháng thông tin.
Trong các cuộc diễn tập thực binh phòng không tổng hợp, không quân Ấn Độ thường đưa ra tình huống giả định đối phương gây nhiễu điện tử ở quy mô rộng lớn; không quân Ấn Độ cũng thả một số lượng rất lớn giấy bạc gây nhiễu đáp trả, đánh lừa máy bay và tên lửa của đối phương, buộc tên lửa đối phương phóng nhầm mục tiêu.
Trong một cuộc diễn tập khác, không quân Ấn Độ cho xuất kích đồng thời nhiều máy bay tác chiến điện tử trang bị hệ thống gây nhiễu tiên tiến tháp tùng các máy bay chiến đấu Mirage-2000 và Jaguar. Các máy bay này thực hiện gây nhiễu cường độ cao, thời gian dài trên vùng trời cách mục tiêu 80-100km, vô hiệu hoá các hệ thống trinh sát, hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống tên lửa phòng không, hệ thống chỉ huy kiểm soát của đối phương, rồi tiến công mạnh mẽ các mục tiêu đã định.
Comments are closed.