Theo SCMP đưa tin hôm 9/12 vừa qua, Liên minh châu Âu đã đe dọa sẽ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới nếu các cáo buộc của Litva về lệnh cấm vận thương mại của Bắc Kinh lên nước này là chính xác.
Cảnh báo này của EU đến sau cáo buộc của các nhân vật trong làng kinh doanh Litva rằng các quan chức hải quan Trung Quốc đã ngăn chặn hàng hóa xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc đến Litva.
EU xác nhận đang điều tra các cáo buộc và cảnh báo rằng mối quan hệ của Litva với Trung Quốc “có tác động đến quan hệ EU-Trung Quốc nói chung”.
“Nếu thông tin trên được xác minh là đúng, EU cũng sẽ đánh giá mức độ tuân thủ của Trung Quốc đối với các nghĩa vụ của nước này trong Tổ chức Thương mại Thế giới”, ông Valdis Drombovskis, Giám đốc thương mại của EU, cho biết trong một tuyên bố chung với nhà ngoại giao hàng đầu của mình, Josep Borrell.
Tại một cuộc họp báo ở Brussels hôm thứ Tư, Dombrovskis đã đề xuất một vũ khí thương mại mới đầy uy lực được thiết kế để đối phó với các hành vi cưỡng ép kinh tế, và cho biết tầm nhìn của họ sẽ tập trung vào Bắc Kinh nếu tình trạng cấm vận thương mại chống lại Litva vẫn tiếp diễn.
Vụ trả đũa này bắt nguồn từ nỗ lực của Litva nhằm mở rộng quan hệ với Đài Loan, đảo quốc độc lập mà Bắc Kinh vẫn luôn coi là một tỉnh bất trị của họ.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố Litva đã vi phạm chính sách một Trung Quốc của EU khi đồng ý đặt “Văn phòng đại diện Đài Loan” tại thủ đô của mình. Cả chính quyền Vilnius và Brussels đều phủ nhận mọi sai lệch so với chính sách.
Ông Dombrovskis cho biết: “EU đã được thông báo rằng các lô hàng của Litva không được thông quan qua hải quan Trung Quốc và các đơn đăng ký nhập khẩu từ Litva đang bị từ chối.”
“Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với chính phủ Litva và đang thu thập thông tin kịp thời thông qua phái đoàn EU tại Bắc Kinh. Chúng tôi cũng đang liên hệ với các nhà chức trách Trung Quốc để nhanh chóng làm rõ tình hình,” ông nói thêm.
Ông Dombrovskis cũng xác nhận rằng sẽ không có tiến triển nào đối với thỏa thuận đầu tư được đề xuất giữa Trung Quốc và EU, vốn gây tranh cãi giữa các nhà lập pháp EU, trong khi các lệnh trừng phạt vẫn còn bị áp đặt lên các thành viên của Nghị viện châu Âu. Đầu tuần này, EU đã gia hạn thêm 1 năm các biện pháp trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc vì những hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Công cụ chống cưỡng chế này – theo chi tiết mà tờ Post đã báo cáo vào thứ Hai, trước khi đề xuất được công bố vào thứ Tư – sẽ nhắm mục tiêu vào các quốc gia cố gắng “can thiệp vào các lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của EU hoặc một trong 27 quốc gia thành viên “bằng cách áp dụng hoặc đe dọa áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư”.
Mặc dù đây được coi là “phương sách cuối cùng” và “có tính răn đe”, nó có thể gạt các nước bị trừng phạt ra khỏi các lĩnh vực sinh lợi của EU.
Biện pháp này đưa ra một loạt các hành động trừng phạt mà EU có thể áp dụng nếu khối này kết luận rằng hành động cưỡng chế thực sự đang diễn ra, bao gồm thuế quan, đình chỉ tiếp cận thị trường thông qua sử dụng hạn ngạch hoặc giấy phép kinh doanh, và hạn chế tiếp cận các chương trình mua sắm công và thị trường đầu tư.
Theo dự thảo đề xuất, những nước bị phát hiện có liên quan đến việc cưỡng chế có thể bị chặn khỏi nguồn cung ứng hàng hóa do các hướng dẫn kiểm soát xuất khẩu của EU điều chỉnh, bị cắt quyền sở hữu trí tuệ, bị loại khỏi các lĩnh vực dịch vụ tài chính hoặc hóa chất của EU, hoặc phải đối mặt với các rào cản vệ sinh hoặc kiểm dịch thực vật trước khi khai thác thị trường thực phẩm của EU.
Ông Dombrovskis cho biết lệnh cấm vận thương mại của Trung Quốc đối với Litva “rõ ràng có thể là một lý do để đánh giá xem liệu nó có cấu thành sự cưỡng bức kinh tế hay không”.
Một số nhà xuất khẩu của Litva đã phàn nàn về việc nước này bị “xóa sổ” khỏi hệ thống hải quan Trung Quốc. Họ đã không thể chọn Lithuania làm quốc gia xuất xứ trên hệ thống hải quan Trung Quốc, có nghĩa là không thể hoàn thành chứng từ và không thể thực hiện đơn đặt hàng.
Theo ông Vidmantas Janulevicius, chủ tịch Liên đoàn các nhà công nghiệp Litva, vào thứ Ba, năm chuyến tàu chở khoáng chất hữu cơ đã khởi hành từ Litva đến Trung Quốc sau khi nhà xuất khẩu có thể truy cập chính xác vào hệ thống, nhưng vào thứ Tư, sự gián đoạn lại tiếp tục.
Hiện nay, người ta lo ngại rằng các chuyến tàu đã đi qua Belarus, có thể bị từ chối khi đến, dẫn tới thiệt hại hàng triệu euro.
Ông Janulevicius cho biết 10 công ty Litva đã thanh toán trước cho hàng hóa Trung Quốc, từ hàng điện tử đến các sản phẩm thép, cuối cùng đã không thể nhập khẩu chúng, đồng thời cho biết một lệnh cấm vận thương mại đang có hiệu lực.
Hàng hóa hiện đang chờ đợi mòn mỏi tại các cảng Trung Quốc bao gồm Ninh Ba và Thượng Hải, trong khi chi phí đáng kể đang phát sinh ở Litva do các container nhập từ Trung Quốc vẫn không hoạt động.
“Kể từ tuần trước, 80% hàng hóa đã không được vận chuyển, vấn đề này đang trở nên rất nghiêm trọng,” ông nói, giải thích thêm rằng người mua Trung Quốc cho rằng có một “vấn đề kỹ thuật”.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn EU khó có thể làm được gì nhiều để cải thiện tình hình. Nếu họ quyết định khởi động một vụ kiện tại WTO, ngay cả theo lộ trình nhanh chóng, thì việc này có thể mất nhiều tháng.
Việc thiết lập một công cụ chống cưỡng chế có thể còn mất thời gian lâu hơn nữa. Giờ đây, nó phải được thương lượng và thông qua bởi Hội đồng châu Âu, bao gồm 27 quốc gia thành viên của EU và Nghị viện châu Âu.
Đối với Nghị viện châu Âu, vốn là nơi yêu cầu thiết lập công cụ trên, thì việc thông qua là không vấn đề gì.
“EU đang phải đối mặt với thực tế địa chính trị: những tháng và năm gần đây đã cho thấy cái cách mà chính sách thương mại ngày càng được sử dụng như một vũ khí chính trị. Có một lỗ hổng trong bộ công cụ của chúng ta mà những bên khác có thể khai thác,” ông Bernd Lange, thành viên thương mại hàng đầu trong nhóm Xã hội và Dân chủ của Nghị viện, cho biết.
Ông nói thêm, công cụ này “sẽ lấp đầy khoảng trống đó, bắt đầu từ hôm nay”.
Tuy nhiên, các vấn đề có thể nảy sinh giữa các quốc gia thành viên, một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại về việc Ủy ban châu Âu có thể triển khai công cụ này mà không cần sự chấp thuận nhất trí của các quốc gia thành viên EU.
Thụy Điển và Cộng hòa Séc đi đầu trong việc biểu lộ sự hoài nghi, thúc giục EU đảm bảo công cụ này phải tuân theo các quy định của WTO.
“EU cần duy trì tính khả tín của mình với tư cách là người ủng hộ hàng đầu cho hệ thống thương mại đa phương và tuân thủ các quy tắc thương mại ổn định”, một lá thư chung của hai chính phủ gửi cho ủy ban, được tờ Post tiết lộ.
Trong khi đó, chính phủ Pháp lại nhiệt liệt ủng hộ công cụ này.
“Chúng ta có thể thấy rất rõ rằng ngày nay, các cường quốc ngày càng ít do dự trong việc lạm dụng sức nặng kinh tế để tìm cách gây ảnh hưởng bất hợp pháp đến các quyết định chính trị của các đối tác – bao gồm cả EU và các thành viên”, đại biểu Bộ trưởng Pháp về lĩnh vực ngoại thương – ông Franck Riester cho biết.