Wednesday, December 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếNếu không kiên quyết, Malaysia sẽ phải trả giá

Nếu không kiên quyết, Malaysia sẽ phải trả giá

Sau những phản ứng dữ dội của Malaysia xung quanh vụ máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận của Malaysia hối cuối tháng 5, giới chuyên gia cho rằng Malaysia sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông bởi lẽ đây là lần hiếm hoi chính quyền Malaysia có phản ứng mạnh mẽ công khai trước hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thế nhưng phản ứng của Malaysia trước việc ra đời liên minh AUKUS khiến dư luận hoài nghi về sự quyết đoán của Kuala Lumpur, thậm chí có ý kiến cho rằng Malaysia đang “ngả” sang Trung Quốc làm cho giới cầm quyền Bắc Kinh đang được đà lấn tới ở Biển Đông. Chúng ta cùng phân tích điều này.

Ngày 01/6/2021, Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu Đại sứ Trung Quốc lên để phản đối và ra Thông cáo báo chí bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước việc 16 máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập không phận của Malaysia hôm 31/5/2021. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein lên tiếng cáo buộc đội bay Trung Quốc đã “bay vào vùng biển” của Malaysia và đây là vụ “vi phạm chủ quyền, không phận Malaysia”. Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Malaysia về việc máy bay quân sự nước này “xâm phạm không phận” của Malaysia; khăng khăng rằng họ đã không làm gì sai. Hôm 02/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng “đây là hoạt động huấn luyện thường lệ của Không quân Trung Quốc” và “không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào”.

Trước đó, hầu như Malaysia giữ im lặng trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Năm ngoái, các tàu của Trung Quốc đã đối đầu kéo dài trong nhiều tháng với tàu thăm dò dầu khí West Capella (Tàu West Capella, treo cờ Panama, ký hợp đồng với Petronas của Malaysia để thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi Borneo của Malaysia). Tàu Hải dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với các tàu hải cảnh đã tới vùng biển cách Borneo 371 km. Ba tàu chiến Mỹ và một tàu hải quân Úc đã đến tập trận ngay gần địa điểm mà tàu Hải dương Địa chất 8 và các tàu hải cảnh của Trung Quốc đang quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu của công ty Malaysia Petronas. Tuy nhiên, Malaysia vẫn im lặng, không lên tiếng công khai về vụ việc.

Những động thái liên tiếp phản đối hoạt động xâm phạm vùng trời Malaysia của máy bay quân sự Trung Quốc tưởng chừng sẽ đánh dấu một mốc mới trong việc ứng xử các vấn đề liên quan đến Biển Đông của Malaysia theo hướng quyết liệt hơn. Tuy nhiên, phản ứng của Malaysia trước việc Mỹ, Anh, Úc thành lập liên minh AUKUS khiến dư luận hoài nghi về thái độ mạnh mẽ nhất quán của Kuala Lumpur trong xử lý vấn đề Biển Đông và trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán khiến căng thẳng trên Biển Đông gia tăng, ngày 15/9/2021 nguyên thủ 3 nước Mỹ, Anh, Úc công bố Thỏa thuận an ninh 3 bên AUKUS, với một trong những nội dung là giúp Australia phát triển công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân cùng với nhiều thỏa thuận quốc phòng khác. Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ngày 18/9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã bày tỏ lo ngại rằng AUKUS có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang ở Biển Đông. Ông Ismail cho rằng AUKUS có thể trở thành “chất xúc tác cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và có thể “khiêu khích các cường quốc khác hành động hung hăng hơn trong khu vực, nhất là tại Biển Đông”. Tại phiên họp Quốc hội sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein đã đề xuất Malaysia cử quan chức tới Trung Quốc để làm rõ quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này.

Giới quan sát nhận định điều này cho thấy dường như Malaysia đang rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc, không đủ bản lĩnh để có thái độ độc lập của mình mà phải “đi hỏi ý kiến” của Bắc Kinh; cách ứng xử này của Kuala Lumpur có thể là nguyên nhân khiến Trung Quốc đưa nhóm tàu Đại Dương (Da Yang Hao) vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia từ hạ tuần tháng 9/2021.

Từ cuối tháng 9, trên nhiều trang mạng của Malaysia đã xuất hiện những thông tin về hoạt động của tàu Đại Dương trong vùng biển của Malaysia. Trang Malaysiakini đã đưa thông tin về sự hiện diện của tàu Đại Dương ở khu vực chỉ cách tàu thăm dò West Capella khoảng 93 km; đồng thời đưa ra nhận định rằng căng thẳng leo thang giữa Malaysia và Trung Quốc gần đây có liên quan đến quan điểm về thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS).

Trước sức ép của dư luận, từ đầu tháng 10 chính quyền Malaysia có một loạt động thái thể hiện quan điểm liên quan đến Biển Đông. Trả lời phỏng vấn truyền hình tối 3/10, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob khẳng định: “Chúng tôi (Malaysia) đã nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền” và cho biết ông đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề này tại các hội nghị trong nước cũng như các diễn đàn quốc tế khi còn đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia.

Truyền thông Malaysia cũng đưa ý kiến của cựu Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia Salleh Said Keruak kêu gọi chính phủ không nên xem nhẹ những hoạt động xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông vì những hoạt động đó vi phạm chủ quyền của Malaysia. Ông Salleh Said Keruak nhấn mạnh: “Sự hiện diện quy mô lớn của gần 100 tàu thuyền Trung Quốc ở vùng biển ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc thật sự muốn kiểm soát vùng biển đó mà không đếm xỉa đến vấn đề xâm phạm vùng biển và chủ quyền khu vực”. Ông Salleh cho rằng Malaysia không nằm ngoài những tác động mà hoạt động xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc gây ra, đặc biệt ở hai bang Sabah và Sarawak của Malaysia.

Ông Jeffrey Kitingan, người sáng lập Đảng cải cách nhà nước ở Malaysia và là Phó Thủ hiến bang Sabah cũng khẳng định Malaysia sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước những hành động bị coi là bắt nạt do bất kỳ siêu cường bên ngoài nào gây ra, bao gồm cả Trung Quốc; đồng thời kêu gọi chính phủ Malaysia cần nhanh chóng yêu cầu Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành một cuộc họp để tìm kiếm một giải pháp cho tình trạng căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Trong thông cáo báo chí được phát đi đêm 04/10, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Âu Dương Ngọc Tịnh để bày tỏ lập trường cũng như phản đối việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này. Theo đó, Malaysia phản đối sự hiện diện và hoạt động của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia tại bang Sabah và Sarawak. Bộ Ngoại giao Malaysia khẳng định, sự hiện diện và hoạt động của các tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu khảo sát địa chất, không phù hợp với đạo luật về Vùng đặc quyền kinh tế năm 1984 của Malaysia cũng như UNCLOS 1982.

Giới phân tích cho rằng những động thái thể hiện thái độ cứng rắn của Kuala Lumpur trên vấn đề Biển Đông trái ngược hẳn với thái độ mềm yếu của chính quyền Malaysia trước việc ra đời liên minh AUKUS, nhất là việc Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia đề xuất sang Bắc Kinh tham vấn về vấn đề này. Lý do của sự thay đổi “chóng mặt” trong thái độ của giới chức Kuala Lumpur đối với Bắc Kinh chỉ trong vòng 2 tuần lễ là:

Trước hết, việc Trung Quốc điều nhóm tàu Đại Dương tới hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia chỉ một tháng sau khi ông Ismail Sabri Yaakob được bổ nhiệm Thủ tướng Malaysia (hôm 20/8) vừa nhằm thử phản ứng vừa để gây áp lực lên chính quyền mới của Malaysia. Đây là cách làm lâu nay của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng ven Biển Đông. Mỗi khi những nước láng giềng ven Biển Đông thay đổi chính quyền thì Bắc Kinh lại gây ra một vụ việc nào đó để thử giới hạn phản ứng của chính quyền mới. Thậm chí, sau khi Tổng thống Mỹ J. Biden nhậm chức, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hoạt động hung hăng ở Biển Đông và đe dọa Đài Loan để thử giới hạn phản ứng của chính quyền Tổng thống Biden.

Lâu nay, Kuala Lumpur thường chập chững, thiếu kiên quyết trước các hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Do có nhiều phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chính quyền Malaysia thường giữ im lặng, không lên tiếng công khai chỉ trích các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, kể cả khi các tàu của Trung Quốc xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Malaysia hồi tháng 4 năm ngoái.

Giới phân tích cho rằng, Malaysia là một nước nhỏ, tiềm lực kinh tế và quân sự thua xa Trung Quốc; vũ khí lớn nhất của nước này trong đấu tranh với các hoạt động cưỡng bức, bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông là công khai vạch trần các hoạt động sai trái của Trung Quốc. Tuy nhiên, do lo ngại ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc, giới chức Kuala Lumpur im lặng đã kiến cho Bắc Kinh càng được đà lấn tới. Một số học giả còn chỉ ra rằng sự im lặng của Malaysia chính là rơi vào “cái bẫy” của Bắc Kinh và bị Trung Quốc “chùm chăn để đánh”.

Trong bối cảnh đó, chính quyền mới ở Malaysia phải thể hiện thái độ rõ ràng đối với các hoạt động xâm lấn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Những phát biểu cứng rắn của giới chức Malaysia từ Thủ tướng Ismail cho đến Phó Thủ hiến bang Sabah hay cựu Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện và Thông cáo của Bộ Ngoại giao Malaysia liên tiếp được đưa ra trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua là nhằm thể hiện rõ quan điểm của chính quyền Thủ tướng Ismail không chịu khuất phục trước sức ép của Trung Quốc. Thực tế cho thấy sau phản ứng quyết liệt của Malaysia, tàu nghiên cứu Đại Dương đã rời đi.

Thứ hai, chính quyền của Thủ tướng Ismail phải liên tiếp có những động thái cứng rắn liên quan đến vấn đề Biển Đông trong những ngày qua là để “sửa sai” khi phản ứng quá mềm yếu và dường như đi theo quan điểm của Bắc Kinh trước sự ra đời của AUKUS nhằm giải quyết vấn đề nội bộ của nước này.

Thực tế đang có sự chia rẽ trong nội bộ Malaysia về cách ứng xử với Trung Quốc và trên các vấn đề ở khu vực, trong đó có Biển Đông. Ngay sau khi Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia lên tiếng về AUKUS, đã nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề này trong nội bộ Malaysia. Phe đối lập tại Malaysia cho rằng quan điểm của ông Hishammuddin Hussein là “kỳ quặc và phi lý”, đồng thời kêu gọi Malaysia duy trì vị thế trung lập vốn có lâu nay, đặc biệt là về những vấn đề nhạy cảm như AUKUS.

Bộ trưởng Hishammuddin Hussein nói rằng chính phủ cần liên hệ với Trung Quốc để hiểu thêm về quan điểm của quốc gia này. Bác bỏ cáo buộc từ phe đối lập khi cho rằng Malaysia đang “nhận chỉ thị” từ Trung Quốc, Bộ trưởng Hishammuddin Hussein cho rằng Malaysia không có gì sai khi tìm hiểu quan điểm của Trung Quốc và đó cũng là phản ứng bình thường trong ngoại giao. Theo ông Hishammuddin, việc có quan hệ tốt với Trung Quốc không có nghĩa là Malaysia sẽ thỏa hiệp về chủ quyền và lập trường của mình; nhấn mạnh: “Điểm mạnh của Malaysia là chúng ta gần gũi với hai siêu cường (Mỹ và Trung Quốc). Mối quan hệ của chúng ta (Malaysia) dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, và họ tôn trọng lập trường của chúng ta”.

Giới phân tích nhận định xem ra chính quyền mới ở Kuala Lumpur có phần bảo thủ hơn và tỏ ra thiếu tự tin trong ứng xử với các vấn đề nhạy cảm trong khu vực bởi họ mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh để tranh thủ hợp tác kinh tế với Trung Quốc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid. Tuy nhiên, Kuala Lumpur cần phải rút ra bài học của chính quyền Tổng thống Duterte ở Philippines sau gần 6 năm cầm quyền đã không đem lại các lợi ích kinh tế mong muốn cho Manila mà trái lại Bắc Kinh lại gia tăng các hoạt động xâm lấn các vùng biển của Philippines ở Biển Đông.

Cho dù Kuala Lumpur có phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư với Bắc Kinh và Trung Quốc cung cấp một lượng lớn vắc xin phòng chống Covid cho Malaysia, song chính quyền mới ở Kuala Lumpur cần thể hiện rõ sự độc lập, tự chủ của mình với một chính sách kiên quyết, rõ ràng minh bạch trên những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia và các lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông, nếu không Bắc Kinh sẽ càng được đà, lấn tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới