Dùng sức mạnh quân sự để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông là chiêu bài mà Trung Quốc ráo riết thực hiện từ năm 2017 đến nay. Việc thiết lập mạng lưới giám sát kết nối các đảo và thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang tìm mọi cách kiểm soát đa tầng, trên mặt biển, trên không và trong lòng biển.
Hôm 12/12, tờ South China Morning Post đưa tin, Trung Quốc đang chuẩn bị xây hai căn cứ bảo trì hệ thống cáp biển đặt ngầm ở hai khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Lộ trình xây dựng hai căn cứ này dự kiến kéo dài trong 5 năm. Chính quyền đảo Hải Nam thông báo, việc xây dựng căn cứ đầu tiên ở Biển Đông sẽ bắt đầu cuối tháng 12/2021 ở thành phố Tam Á nằm ở cực nam của hòn đảo.
Nếu thực hiện đúng kế hoạch, căn cứ này sẽ hoạt động vào năm 2033, được kỳ vọng giúp đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống cáp biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc dự kiến đóng thêm hai tàu chuyên dùng cho việc bảo trì cáp biển trong thời gian tới. Mục đích của việc xây dựng và bảo trì hệ thống cáp biển và đóng thêm tàu chuyên dùng nhằm “gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế trong hoạt động xây dựng và duy trì cáp ngầm dưới biển”.
Công ty nghiên cứu viễn thông TeleGeography (Mỹ), cho hay, hiện có 436 tuyến cáp quang biển, với tổng chiều dài 1,3 triệu km đã được lắp đặt ngầm trên các vùng biển toàn cầu. Theo đó, khoảng 95% lượng dữ liệu thông tin toàn cầu hằng ngày đi qua các tuyến cáp này. Đủ thấy tầm quan trọng đặc biệt của các đường cáp nằm sâu dưới lòng biển.
Theo thông tin của chúng tôi, cổ phần đầu tư của 31 tuyến cáp đi vào hoạt động trong năm 2021 có sự góp mặt của 3 công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom. Không dừng ở đó, hiện nay, nhà cầm quyền Bắc Kinh đang chỉ đạo soạn thảo kế hoạch lắp đặt các tuyến cáp ngầm mới nối liền Bắc Mỹ và châu Âu.
Một con số đầu tư cực “khủng” vào hạ tầng kỹ thuật số: Tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này từ năm 2021 đến 2025 lên tới 570 tỉ USD. Trong khi đó, từ 2010 đến 2020 chỉ có 188 tỉ USD. Có thể thấy, Trung Quốc coi đây là một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ – Trung.
Vì sao có thể coi đây là thứ vũ khí đặc biệt vô cùng lợi hại? Theo các chuyên gia, cáp ngầm là nền tảng hoạt động của Internet toàn cầu. Việc kiểm soát cáp ngầm có thể mang lại lợi thế quan trọng cho một quốc gia trong trường hợp có xung đột quân sự, hoặc mang lại lợi thế kinh tế.
Được biết, từ năm 2016, Trung Quốc bị phát hiện đặt cáp ngầm ở Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là tuyến cáp ngầm nối căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm với đảo Hải Nam. Hệ thống cáp quang ngầm nối liền các thực thể ở Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng nhiều khả năng nhằm mục đích quân sự.
Điều đáng lo ngại là, hệ thống cáp quang cho phép truyền tải các thông tin quân sự được mã hóa giữa các tiền đồn khác nhau của Trung Quốc. Nó sẽ được kết nối với hệ thống cáp dưới biển được xây dựng dọc theo bờ biển phía đông Trung Quốc. Cùng với đó là một mạng lưới phát hiện các âm thanh dưới nước, để phát hiện và theo dõi tàu của đối thủ, đặc biệt là tàu ngầm.
Xây dựng và bảo trì hệ thống cáp ngầm trên Biển Đông chỉ là một trong những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Việc quân sự hóa Biển Đông đã được nước này thực hiện từ lâu tại các đảo mà họ nhận vơ là thuộc quần đảo Tây Sa. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã bồi đắp nhiều đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo, có tổng diện diện lên đến hơn 13km2, trong đó có đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Subi, biến thành 3 đảo nổi là 3 căn cứ quân sự quy mô lớn với sân bay có đường băng dài 3.000m và cảng nước sâu.
Lại thêm một hành động vừa ăn cướp vừa la làng của chính quyền Bắc Kinh. Mỹ và các nước trong khu vực đang theo dõi để có những phản ứng kịp thời, ngăn chặn hành động leo thang quân sự mới này.
H.Đ