Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Chiến thuật vùng xám” vẫn tiếp diễn

“Chiến thuật vùng xám” vẫn tiếp diễn

Để tranh ngôi bá chủ thế giới, Trung Quốc coi Biển Đông là vấn đề sống còn, là “bàn đạp” để tạo đà vươn lên. Tuy nhiên, muốn độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh phải sử dụng nhiều loại “vũ khí mềm”.

Các loại “vũ khí mềm” nhằm thực thi “chiến thuật vùng xám”. Chiến lược này được hiểu là hoạt động gây hấn, cưỡng chế, làm gia tăng căng thẳng, nhưng lại duy trì ở dưới ngưỡng xung đột quân sự thông thường. Lực lượng xung kích của “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc đến hiện tại chủ yếu là lực lượng dân quân biển, lực lượng hải cảnh, lực lượng tàu chiến được cải trang thành tàu đánh cá…

Liên tục biện minh cho những “mũi tiến công mềm”, Trung Quốc đẩy mạnh công tác truyền thông quốc tế, tiến hành hợp thức hóa bằng các quy định, quyết định hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước. Mục tiêu cuối cùng mà “chiến thuật vùng xám” của Bắc Kinh hướng đến là, độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên tranh giành vị thế siêu cường quốc tế.

Không còn nghi ngờ gì nữa, “Chiến lượng vùng xám” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông. Không những thế nó còn tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển của các nước trong khu vực.

Một câu hỏi không dễ trả lời, chiến thuật này của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, cũng như các nước có liên quan ở Biển Đông? Giải pháp để vô hiệu hóa nó là gì?

Để bảo vệ và thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, tích cực đóng góp vào sứ mệnh bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác, phát triển của khu vực, Việt Nam cần tăng cường sức mạnh của lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, dân quân tự vệ biển. Việc tăng cường cần chú ý cả hai mặt số lượng và chất lượng. Không chỉ tăng quân số, trang thiết bị, mà còn coi trọng nâng cao trình độ chính trị, pháp lý, cách ứng xử khi tiến hành các hoạt động trên các vùng biển với những quy chế pháp lý khác nhau.

Hơn lúc nào hết, Việt Nam không bao giờ vì quá tin vào những lời hứa hẹn “giữ đại cục”, “tôn trọng luật pháp quốc tế”, “coi trọng tình hữu nghị”, “chớ để môi hở răng lạnh”… mà xao nhãng việc theo dõi, nắm bắt thông tin. Cần kịp thời phân tích, đánh giá mọi diễn biến để có phương án chủ động đấu tranh tại thực địa, cũng như trên mặt trận ngoại giao, pháp lý, truyền thông. Đặc biệt không để bị động trong ứng xử, tạo cớ để Trung Quốc thực hiện “Chiến thuật vùng xám”.

Muốn đi được lâu phải đi cùng nhau. Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc đóng góp để xây dựng ASEAN trở thành nhân tố trung tâm trong xử lý các vấn đề Biển Đông. Điều này các nước trong khối đã chú trọng củng cố khối đoàn kết, xây dựng lòng tin chiến lược dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đúng như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Indonesia – điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á – hôm 14/2 đã chỉ trích hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông. Ông đề nghị các nước ASEAN cần xích lại, hợp tác một cách thật sự, đừng quá sợ và đừng lệ thuộc vào cây gậy và củ cà rốt của Bắc Kinh.

Ông A. Blinken nói: “Các nước trong khu vực muốn Trung Quốc thay đổi hành vi. Chúng tôi cũng vậy. Đó là lí do chúng tôi quyết tâm bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông, nơi các hành vi hung hăng của Trung Quốc đe dọa dòng chảy thương mại trị giá hơn 3.000 tỉ USD/năm”. Ông còn tuyên bố rằng, Washington sẽ làm việc với các đồng minh, đối tác trong khu vực để “bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”, đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.

Vậy là cái “Chiến thuật vùng xám” của Trung quốc đã lộ bem, muốn duy trì dưới ngưỡng xung đột quân sự thông thường và luôn tạo cớ để đối phương nổ súng trước, nhưng cái “bài” này đã bị Mỹ bóc trần. Các nước ASEAN cũng thừa hiểu, nhưng dù sao họ vẫn cần thị trường khổng lồ và cần vaccines diệt Covid-19 của Trung Quốc. Trong bước đi ngắn hạn luôn chú ý đến dài hạn.

Cuộc đu dây giữa hai siêu cường vẫn tiếp diễn. Và để tranh giành ảnh hưởng, các ông ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc sẽ còn phải qua lại khu vực nóng bỏng này nhiều lần, cho đến khi nào “vùng xám”… đổi màu.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới