Trong bài phát biểu tại Jakarta (Indonesia), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay nhấn mạnh chiến lược của Mỹ nhằm làm sâu sắc các quan hệ đồng minh có hiệp ước ở châu Á, tăng cường phối hợp về quốc phòng và tình báo với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi họ ngày càng lo ngại về “các hành động gây hấn” của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Indonesia, ông Blinken mô tả Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất thế giới, và nói rằng mọi người đều phải có nghĩa vụ bảo đảm nguyên trạng, không bị ép buộc và đe dọa.
Ông nói rằng Mỹ, các đồng minh và một số nước liên quan ở Biển Đông sẽ đẩy lùi bất kỳ hành động trái pháp luật nào.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ mà chúng ta đã xây dựng nên trong những thập kỷ qua nhằm bảo đảm khu vực này cởi mở và có thể tiếp cận”, ông Blinken nói trong bài phát biểu tại một trường đại học của Indonesia.
“Tôi muốn nói rõ: mục tiêu của bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ không phải để kiềm chế ai, mà để bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia trong việc lựa chọn con đường của họ, để họ không bị bắt nạt và đe doạ”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Trung Quốc có yêu sách phi lý với hầu khắp Biển Đông, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phán quyết mà Toà trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016.
Đáp trả bài phát biểu của ông Blinken, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc báo thường kỳ tại Bắc Kinh rằng Mỹ nên thúc đẩy hợp tác ở khu vực, thay vì “vạch ranh giới ý thức hệ”.
Đây là chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của ông Blinken trên cương vị ngoại trưởng. Chuyến thăm được coi là nỗ lực của Washington nhằm xốc lại quan hệ với khu vực sau khi có một số băn khoăn về cam kết của Mỹ với châu Á.
Bất chấp căng thẳng trên Biển Đông, ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục tăng lên khi nước này rót tiền đầu tư vào hạ tầng và kết nối thương mại với châu Á – Thái Bình Dương, trong khi Mỹ chưa có chiến lược kinh tế với khu vực.
Ông Blinken nói rằng Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh hiệp ước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bảo vệ môi trường internet mở và an toàn.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây không phải cuộc thi để khu vực nghiêng về Mỹ hay nghiêng về Trung Quốc. Ông cũng nói rằng Washington cam kết thúc giục chính quyền quân sự Myanmar chấm dứt bạo lực, trả tự do cho những người bị bắt giữ và quay lại với dân chủ.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington cam kết với một khuôn khổ kinh tế khu vực toàn diện mới, sẽ dẫn đến việc Mỹ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài và các công ty Mỹ tìm kiếm cơ hội mới ở khu vực, nhưng không cho biết cụ thể.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa nêu rõ khuôn khổ kinh tế đối với khu vực, sau khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi TPP năm 2017.
Ông Blinken nói rằng Mỹ sẽ đẩy mạnh các chuỗi cung ứng và thu hẹp khoảng cách hạ tầng ở khu vực, từ cảng biển đến đường sá, mạng lưới điện và internet.
Ngoại trưởng Blinken nói rằng Mỹ đang nghe thấy nhiều quan ngại ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về những công ty nước ngoài làm ăn mập mờ, đưa lao động của chính họ vào sử dụng thay lao động địa phương, bòn rút tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường.
“Các nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương muốn có hạ tầng tốt hơn. Nhưng nhiều nước cảm thấy quá đắt, hoặc họ bị sức ép phải chấp nhận những điều khoản bất lợi mà người khác đặt ra, thay vì được thoả thuận công bằng”, Ngoại trưởng Mỹ nói.