Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKho báu định đoạt cả tương lai: TQ "sắp hết", Việt Nam...

Kho báu định đoạt cả tương lai: TQ “sắp hết”, Việt Nam chưa khai thác là bao

Tỉ trọng antimon trên thế giới đang giảm dần trong khi trữ lượng của Việt Nam vẫn chưa được khám phá hết.

Antimon có lẽ là cái tên ít người từng nghe qua. Tuy nhiên, antimon rất quan trọng đối với cuộc sống của mọi người. Thậm chí, theo Forbes, nếu tình hình sản xuất antimon tại Mỹ thay đổi, kết quả của Thế chiến 2 đã có bước ngoặt khác.

Antimon là gì?

Antimon là một khoáng chất quan trọng chiến lược được sử dụng trong mọi ứng dụng quân sự, bao gồm sản xuất đạn xuyên giáp, kính nhìn đêm, cảm biến hồng ngoại, quang học chính xác, ngắm laze, dùng trong thuốc nổ, chì cứng cho đạn và mảnh bom, mồi đạn, đạn đánh dấu, vũ khí hạt nhân, sản xuất triti, pháo sáng, quần áo quân sự và thiết bị liên lạc. Antimon là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra thép vonfram và làm cứng đạn chì. Đây cũng là hai trong số những ứng dụng quan trọng nhất của nó trong Thế chiến 2.

Trước Chiến tranh, Mỹ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung cấp antimon. Khi nguồn cung đó bị Nhật Bản cắt đứt, Mỹ phải tìm một nguồn cung cấp khoáng sản chủ chốt khác. May mắn thay cho Mỹ vào thời điểm đó, một mỏ vàng ở trung tâm Idaho được gọi là mỏ Stibnite đã đủ năng lực tăng cường sản xuất antimon, một nguyên tố trong quặng mỏ và giúp lấp đầy sự thiếu hụt.

Mỏ Stibnite đã sản xuất được tới 90% nhu cầu antimon của Mỹ trong suốt thời gian chiến tranh và là chìa khóa để sản xuất 40% thép vonfram cần thiết cho các hoạt động quân sự. Sau Thế chiến, sản lượng khai thác từ mỏ Stibnite giảm dần và các hoạt động của nó bị ngừng hoạt động hoàn toàn vào năm 1997.

Ngày nay, Mỹ lại hoàn toàn phụ thuộc vào các quốc gia khác về nhu cầu antimon trong nước, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và một phần thấp hơn từ Nga.

Christopher Ecclestone, nhà chiến lược khai thác tại Hallgarten & Company có trụ sở tại London, cho biết cách đây vài năm, Trung Quốc đã sản xuất tới 80% nguồn cung antimon trên thế giới. Tuy nhiên, việc sản xuất quá mức các mỏ chủ chốt trong nhiều năm, cùng với giá hàng hóa thấp kéo dài đã làm giảm tỷ trọng sản xuất antimon trên toàn cầu của Trung Quốc xuống còn 53%.

Tuy nhiên, một số quốc gia sản xuất lớn vẫn vận chuyển antimon đến Trung Quốc để gia công, chế biến. Điều này có nghĩa là Trung Quốc vẫn xử lý tới 80% nguồn cung toàn cầu, và do đó điều khiển chuỗi cung ứng cuối cùng của nó.

Ecclestone cho biết ông tin rằng nguồn cung của Trung Quốc đang giảm nhanh chóng và chính phủ Trung Quốc hiện đang phân bổ sản lượng của riêng mình. Điều này giúp giải thích sự tăng vọt gần đây của giá kim loại, đã tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng trong giai đoạn từ tháng 9/2020 đến tháng 3/2021.

Ông Ecclestone cho rằng nhu cầu toàn cầu về antimon trong những năm tới “không thể được đáp ứng từ nguồn cung hiện tại”. Nếu đúng, điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả người dân thế giới theo nhiều cách khác nhau, bởi vì antimon là một yếu tố quan trọng không chỉ trong các ứng dụng quân sự.
Cụ thể, antimon được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực công nghệ cao, đây là thành phần chính trong chất bán dẫn, bảng mạch, công tắc điện, ánh sáng huỳnh quang, kính trong suốt chất lượng cao và pin lithium-ion. Không có antimon, không có iPhone. Không có TV độ phân giải cao. Không có thiết bị nhà bếp hiện đại hay thậm chí cả ô tô. Tất cả đều sử dụng mạch kỹ thuật số.
Chưa hết, nếu không có antimon, năng lượng gió và năng lượng mặt trời cũng khó trở thành hiện thực. Việc chế tạo các tấm kính dày và nặng được sử dụng trong các tấm pin mặt trời cần tới antimon. Antimon còn là yếu tố chính trong sản xuất pin lithium-ion và là thành phần chính cho cối xay gió phát điện.

Tình hình khai thác antimon

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Trung Quốc hiện là quốc gia có trữ lượng antimon lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng khai thác antimon với quy mô rất lớn. Sản lượng năm 2018 của Trung Quốc là 89 triệu tấn, năm 2019 là 100 triệu tấn.

Trong khi đó, theo khảo sát hiện tại, trữ lượng antimon của Trung Quốc chỉ là 480 triệu tấn. Hay nói cách khác, với tốc độ khai thác như hiện tại, chỉ trong vòng 4-5 năm tới, trữ lượng antimon của Trung Quốc sẽ cạn kiệt.

Quy định phân cấp hiện hành của Việt Nam

Hiện nay Việt Nam sử dụng hệ thống phân cấp trên cơ sở phối hợp của 3 nhóm thông tin:

Tiêu chí đầu tiên là mức độ hiệu quả kinh tế: số 1 – có hiệu quả kinh tế; số 2 – có tiềm năng hiệu quả kinh tế và số 3 – chưa rõ hiệu quả kinh tế.

Tiêu chí thứ hai là mức độ nghiên cứu khả thi: số 1 – nghiên cứu khả thi; số 2 – nghiên cứu tiền khả thi; số 3 – nghiên cứu khái quát.

Tiêu chí thứ 3 là mức độ nghiên cứu địa chất: số 1 – chắc chắn; số 2 – tin cậy; số 3 – dự tính; số 4 – dự báo. Đối với mức dự báo phân thành 2 phụ mức: suy đoán (ký hiệu là a) và phỏng đoán (ký hiệu là b).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới