Trong năm 2021, đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD. Công nghệ tài chính (FinTech), game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử là các lĩnh vực nổi bật.
Theo số liệu thống kê từ Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), trong năm 2021, đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD. Trong đó, nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút sự đầu tư mạnh mẽ là công nghệ tài chính (FinTech), game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử.
Báo cáo Tiềm năng kinh tế số Việt Nam cũng cho thấy, nếu tận dụng tối đa, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP Việt Nam trong năm 2020.
Dựa trên một số liệu khác được công bố vào năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, hầu như toàn bộ kinh tế thế giới đều tăng trưởng âm. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những điểm sáng khi có tăng trưởng GDP là 2,91%, thuộc 1 trong 2 nền kinh tế có tăng trưởng dương lớn trên thế giới. Riêng ngành công nghiệp công nghệ số, Việt Nam ghi nhận mức độ tăng trưởng trên 9%, tức là gấp hơn 3 lần so với GDP.
Chia sẻ tại Hội nghị kết nối đầu tư “Thúc đẩy đầu tư công nghệ tương lai để dẫn đầu”, ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (VDI) đã nhấn mạnh rằng công nghệ đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp.
“Đại dịch được xem là phép thử nhưng cũng là cú huých thúc đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ”, ông Thắng cho biết. “AI, Big Data, 5G, IoT, tự động hóa,… được đánh giá là những xu hướng công nghệ mới trong năm 2021”.
Thực tế cũng đã cho thấy trong đại dịch Covid-19, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang bùng nổ.
Với lợi thế về dân số trẻ và sự cởi mở với công nghệ số, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc ứng dụng và thúc đẩy các xu hướng công nghệ tiên phong như AI, blockchain, robot…
Một số minh chứng điển hình, có thể kể tới các ứng dụng về cổng dịch vụ công, quản lý văn bản của các địa phương, quản lý đô thị thông minh… đều là các giải pháp của Việt Nam nghiên cứu, sáng tạo (gọi là Make in Vietnam).
Trong lĩnh vực kinh tế số, có 2 sàn thương mại điện tử của Việt Nam đã góp ích rất nhiều cho nông dân Việt Nam, là sàn Vỏ sò (của Viettel) và sàn PostMart (của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam). Về xã hội số trong năm qua, chúng ta cũng có ứng dụng PC-Covid, đã nhanh chóng triển khai và có được 45 triệu lượt tải, lượt sử dụng trong một thời gian ngắn.
Ngoài ra, các dự án game blockchain của Việt Nam cũng liên tục xuất hiện trong thời gian qua, thu hút hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư quốc tế. Trong đó nổi bật nhất phải kể tới Axie Infinity – game NFT đắt giá nhất mọi thời đại, với giá trị vốn hóa đạt hơn 8 tỷ USD vào ngày 4/10.
Cũng không thể không kể đến lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo. Để các công nghệ số thực sự phát triển mạnh, mang lại sức bật lớn cho nền kinh tế, các dòng vốn đầu tư sẽ đóng vai trò then chốt.
Theo Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam, để nắm bắt cơ hội thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc đầu tư công nghệ, Việt Nam cần sớm hoàn thiện nền tảng pháp lý để mở đường và khuyến khích đầu tư, xây dựng, kết nối nguồn lực trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Hội nghị kết nối đầu tư “Thúc đẩy đầu tư công nghệ tương lai để dẫn đầu” được VINASA, CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam và Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học & Công nghệ) phối hợp tổ chức, diễn ra sáng 14/12 tại Hà Nội. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ 844.55.NV10.VINASA.55-20 thuộc Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.
T.P