Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMở lại đường bay quốc tế từ 1/1: Phải chờ hướng dẫn...

Mở lại đường bay quốc tế từ 1/1: Phải chờ hướng dẫn y tế đối với khách nhập cảnh

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đề nghị Bộ Y tế quy định không cách ly tập trung đối với khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72h trước khi bay.

Quy định yêu cầu khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong 72 giờ, trừ trẻ em dưới 2 tuổi.

Sốt ruột chờ hướng dẫn để mở lại đường bay quốc tế vào dịp Tết

Liên quan đến kế hoạch thí điểm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly, giám sát y tế với người nhập cảnh.

Khi hướng dẫn này được Bộ Y tế ban hành, Cục Hàng không Việt Nam mới có cơ sở để đàm phán với các nước dự định nối lại đường bay, từ đó quyết định về tần suất, sân bay đi/đến.

“Sau khi đàm phán xong với các nước về đường bay, tần suất, Cục Hàng không sẽ báo cáo Bộ GTVT, sau đó mới cấp phép bay cho các hãng. Sau giai đoạn 1 kéo dài 15 ngày sẽ thí điểm giai đoạn 2 trong một tháng. Bộ GTVT sẽ đánh giá báo cáo Chính phủ để tiến tới khai thác bình thường”, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết.

Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 của Vietnam Airlines vào sáng 14/12, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, dự kiến mở lại các đường bay quốc tế từ 1/1/2022 là việc sống còn của Vietnam Airlines vì trước đại dịch các đường bay quốc tế chiếm 65% tổng doanh thu của hãng.

Do đó, Vietnam Airlines đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực từ mở bán vé, tiếp viên, phi công… đều sẵn sàng và hiện hãng đã thực hiện một số chuyến bay thử nghiệm thành công.

“Việc Chính phủ cho phép mở lại các đường bay quốc tế từ 1/1/2022 trước hết là đáp ứng nhu cầu bà con kiều bào về quê ăn Tết và phục vụ nhu cầu giao thương, du lịch thông qua đó giúp Vietnam Airlines phục hồi và phát triển”, ông Hòa cho biết.

Cũng theo ông Hòa, việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên các chuyến bay luôn được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt là trên các chuyến bay quốc tế luôn được thực hiện ở mức độ cao nhất để bảo vệ hành khách cũng như tổ bay.

Đối với thị phần quốc tế, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận, hiện các đường bay quốc tế chỉ đạt khoảng 1,5-1,9% so với giai đoạn 2019 và thực tế bay quốc tế chưa có khách. Dự báo nửa cuối năm 2022, ở kịch bản khả quan nhất, thị trường khách quốc tế qua đường hàng không sẽ phục hồi bằng 25% so với trước khi có dịch, tăng dần vào cuối năm, tới năm 2024 mới phục hồi bằng thời điểm khi chưa có dịch.

“Vietnam Airlines luôn sẵn sàng tìm cách để đảm bảo chuyến bay cất cánh đặc biệt là bay quốc tế. Hãng vẫn duy trì đường bay thường lệ có lịch ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia phục vụ nhu cầu khách từ Việt Nam sang các nước này. Ngoài ra, hãng kết hợp vận chuyển hàng hóa với các đường bay chuyến bay không thường lệ đi đến châu Âu. Ngày 28/11, Vietnam Airlines mở bay đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh-Mỹ đặt mục tiêu cạnh tranh và thu hút khách có doanh thu cao để tăng cơ hội khai thác”, ông Hà thông tin.

Nhấn mạnh Chính phủ quyết định thời điểm mở lại bay quốc tế từ ngày 1/1/2022 là tín hiệu vui, Vietnam Airlines chuẩn bị cho sự phục hồi bay quốc tế bằng việc khai thác thí điểm 5 tỉnh, thành sau khi Chính phủ cho phép và sẵn sàng cho các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines tiếp tục báo cáo xem xét mở rộng thêm các nước mở đường bay quốc tế như đi châu Âu, Australia vốn được kiểm soát dịch tốt và dung lượng thị trường người Việt ở nước ngoài nhiều, nhất là sát dịp Tết Nguyên đán.

Đề nghị không cách ly tập trung nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Y tế góp ý hướng dẫn về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh qua đường hàng không.

Theo đó, về yêu cầu chung phòng chống dịch đối với người nhập cảnh: “trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi”, VABA đề nghị sửa đổi là: “trừ trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi” cho phù hợp với quy định và điều kiện chung trên thế giới.

Theo ông Bùi Doãn Nề – Chủ tịch VABA, VABA đề nghị chỉ cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, VABA để nghị quy định trong 3 ngày đầu, người nhập cảnh tự kiểm tra sức khỏe tại nhà, được phép tiếp xúc với người nhà theo nguyên tắc 5K. Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh, nếu có kết quả dương tính mới xét nghiệm RT – PCR.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine, VABA đề nghị bổ sung quy định nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, chính quyền địa phương có trách nhiệm bố trí cách ly tập trung 7 ngày; cần phải có hướng dẫn cho các địa phương về việc ra quyết định cách ly hành khách, nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ dẫn tới rất khó khăn khi triển khai trong thực tế.

“VABA đề nghị Bộ Y tế quy định không cách ly tập trung đối với khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72h trước khi bay”, ông Nề đề xuất.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ tại cuộc họp về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ ngày 9/12/2021.

Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước hết là Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân./.

Quy định khách bay nhập cảnh vào Việt Nam như thế nào?

Theo đề xuất của Bộ Y tế, khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong 72 giờ, trừ trẻ em dưới 2 tuổi; luôn cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử theo quy định của Việt Nam.

Với công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) cần tiêm đủ liều vaccine COVID-19 trước khi nhập cảnh.

Trường hợp chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 sẽ thực hiện tiêm vaccine miễn phí trong thời gian cách ly. Khi nhập cảnh vào Việt Nam, hành khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh phải tự theo dõi sức khoẻ và không được ra khỏi nhà hoặc nơi lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở cơ quan, ký túc xá…) trong 3 ngày đầu.

Không được tiếp xúc với người ở cùng nhà, cùng nơi lưu trú; thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 (do y tế địa phương thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm).

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ trong 10 ngày tiếp theo, đến ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh. Với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine, cách ly tại nhà, nơi lư trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày.

Với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) được cách ly cùng cha mẹ hoặc người chăm sóc. Người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới