Hôm 15/12, Thượng viện Mỹ đã biểu quyết thông qua một phiên bản của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA). Theo đó, cho phép mức chi tiêu quốc phòng là 770 tỉ USD, cao hơn đề nghị của Tổng thống Joe Biden là 25 tỉ USD. Dự luật sẽ được chuyển sang Toà Bạch ốc để Tổng thống ký ban hành thành luật.
Tỉ lệ phiếu biểu quyết gần như tuyệt đối: 88 phiếu thuận và 11 phiếu chống, được cả phe Cộng hoà lẫn Dân chủ ủng hộ. Tuần trước, dự luật này được Hạ viện thông qua với tỉ lệ: 363 phiếu thuận và 70 phiếu chống.
Dự luật cho phép tăng chi tiêu quân sự khoảng 5% so với năm 2021, NDAA trong năm tài khoá 2022 là một sự thoả hiệp sau các thương lượng kéo dài về chính sách của Nga và Trung Quốc. Dự luật cũng cho phép tăng lương 2,7% cho binh sĩ; mua thêm tàu hải quân và máy bay chiến đấu; cùng với hàng loạt giải pháp nhằm đối phó với các mối đe dọa địa chính trị, đặc biệt từ Nga và Trung Quốc. Ấy là chưa kể đến 300 triệu USD dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, 4 tỉ USD cho Sáng kiến Phòng thủ Châu Âu và 150 triệu USD cho hợp tác an ninh vùng Baltic.
Riêng về sách lược đối với Trung Quốc, dự luật dành khoản chi khá lớn 7,1 tỉ USD cho “Sáng kiến Nghênh cản ở Thái Bình Dương”. Đây được xem là một tuyên bố cứng rắn thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ dành cho quốc phòng Đài Loan, cùng với lệnh cấm Bộ Quốc phòng Mỹ mua sắm các sản phẩm sản xuất từ sự cưỡng bức lao động ở Tân Cương, Trung Quốc.
Việc thông qua dự luật cho thấy sự đồng thuận của hai đảng tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Điều này một lần nữa thể hiện nỗ lực trừng phạt Trung Quốc, vì những gì mà Washington xem là “cuộc diệt chủng” đang diễn ra nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương. Ông Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ tuyên bố: “Trung Quốc đang triển khai chiến dịch đàn áp tàn bạo nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác thông qua trại cải huấn và lao động cưỡng bức. Hạ viện Mỹ kiên quyết lên án hành động khủng khiếp này, thông qua những đạo luật nêu trên”.
Theo nhận định của Biendong.net, Dự luật được xem là bước tiến xa của Mỹ, sau các lệnh cấm nhập khẩu cà chua, bông và một số sản phẩm năng lượng mặt trời từ Tân Cương. Ở thời điểm sắp bước sang năm mới, Wasinghton đã gia tăng các biện pháp trừng phạt và cảnh báo các doanh nghiệp nước này. Các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nặng nếu có các hoạt động, dù chỉ liên quan gián tiếp, với “mạng lưới giám sát” ở Tân Cương.
Việc Dự luật cho phép tăng chi tiêu quân sự so với năm 2021, nhằm đối phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc, nhất là những hành động nhằm độc chiếm Biển Đông và vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cũng thể hiện cách nhìn mới của Wasinghton. Cách nhìn mới về quốc phòng nhằm duy trì và gia tăng khả năng răn đe để kẻ thù tiềm ẩn luôn phải thấy rằng, chi phí và rủi ro do gây chiến luôn cao hơn hẳn mọi thức lợi ích mà họ nhắm tới.
Ngoài việc sử dụng các nguồn lực hiện có, phát triển những khả năng mới, quân đội Mỹ còn phải tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác song hành với các mục tiêu và nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn xung đột bùng phát. Vì thế, mức gia tăng chi tiêu quân sự khoảng 5% chắc sẽ còn phải tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng thêm, vì mục đích “hòa bình” (!).
Những tuyên bố chẳng hề kiêng dè của Quốc hội Mỹ, nhất là vấn đề nhân quyền vốn luôn nhạy cảm và khoản chi khổng lồ cho quốc phòng đã chọc giận Trung Quốc, mặc dù mới đây Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm trực tuyến với những cam kết tăng cường đối thoại hòa bình. Hai nhà lãnh đạo đều tuyên bố xanh rờn: Cả hai nước sẽ được lợi từ sự hợp tác và chịu tổn thất nếu đối đầu. Hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất.
Bộ máy truyền thông khổng lồ của Trung quốc chưa thấy phản ứng gì. Nhưng chắc chắn Trung Nam Hải cũng đang cân đối chi tiêu sau những thiệt hại nặng nề về đại dịch Covid-19, chuẩn bị mở hầu bao tăng chi tiêu cho quốc phòng.
H.Đ