Vào đầu thế kỉ XX, báo chí quốc ngữ của nước ta còn đang phôi thai nhưng đã có những tờ lên tiếng về “chủ quyền Hoàng Sa của ta” rất quyết liệt. Dù chữ Quốc ngữ cũng như kỹ năng báo chí thời ấy còn hết sức mới mẻ, song tấm lòng yêu nước đầy trách nhiệm của những người làm báo đã giúp cung cấp những bài báo khẳng định chủ quyền đáng trân trọng. Rõ ràng ngay từ đầu thế kỷ XX, khi Trung Quốc và một thế lực Nhật đang lên đã “dòm ngó” thì không chỉ chính quyền thuộc địa mà báo chí nước ta đã quan tâm đến Hoàng Sa – Trường Sa. Đáng chú ý là gần như đại đa số đều khẳng định “Hoàng Sa là của Việt Nam” và chính quyền cần củng cố lực lượng để phòng thủ cho vùng đất ngoài khơi của mình. Tạp chí Phương Đông đăng tải lại một bài viết dài kỳ từ số 1432 đến số 1435 trên báo Sài Gòn tháng 7/1938 của tác giả Hoàng Văn Tiếp về chủ đề này. Tôn trọng tính lịch sử của ngôn ngữ, chúng tôi giữ lại nguyên văn bài viết mặc dù văn phong và chính tả không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.
“Tôi hoàn toàn hợp ý với ngày mà công nhận quyền lợi mà nước Pháp được hưởng, nếu nước Pháp nhơn danh nước Nam mà đòi chủ quyền những đảo Paracels”
Câu ấy là của quan cố Toàn quyền Pasquier đã viết trong bức thơ gởi cho quan thuộc địa Tổng trưởng Paul Reynaud ngày 20/3/1930 đặng phúc đáp thư của Tổng trưởng hỏi về những đảo Paracels.
Rồi thì…
1930 – 1938. Tám năm sau, nước Pháp mới chịu canh giữ những đảo ấy, như tin các vô tuyến điện đã truyền ra khắp thế giới ngày 4 tháng 7 vừa rồi.
Sự quan hệ của nó
Tuy trên trường ngoại giao, nước Pháp cần tuyên bố rằng sự chiếm cứ đảo Hoàng Sa – tức là đảo Paracels[1] – chỉ có mục đích để trông coi những đèn biển dựng ở đó, nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng đảo Hoàng Sa có quan hệ mật thiết đến sự mất, còn của xứ Đông Dương.
Cũng như đảo Hải Nam, có là một nơi phòng thủ quan trọng của xứ nầy.
Cũng như đảo Hải Nam, nếu đảo Hoàng Sa bị Nhựt lấy, thì sự an ninh của Đông Dương, của Hương Cảng, của Phi Luật Tân sẽ khó mà giữ vững được.
Tuy là nhóm cù lao nhỏ những nó nhờ địa thế của nó mà dựng một phần trọng yếu về chiến lược, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương.
Cách tỉnh Quảng Ngãi (Trung Kỳ) 260 cây số và cách đảo Hải Nam 276 cây, đảo Hoàng Sa có thể thành một chỗ để coi chừng Vịnh Bắc Kỳ và kiểm soát những tàu chiến ở Hương Cảng, ở Saigon, ở Bangkok (Xiêm) ở Batavia, qua lại.
Riêng về địa thế, chúng ta có thể nói rằng nó quan hệ đến sự mất còn của xứ Đông Dương như bóng với người.
Tám năm trước
Hồi năm 1930, Bộ Thuộc địa do ông Paul Reynaud chủ trương đã để ý đến đảo ấy.
Nhưng ông Briaud làm Tổng trưởng Bộ Ngoại giao, ông già đã lập ra điều ước Briaud-Kellog, không muốn nước Pháp can thiệp vào đảo Hoàng Sa, e sẽ gây ra sự phản đối của Nhựt hay của Tàu.
Ông Pierre Pasquier hồi đó làm Toàn quyền Đông Dương, tuy công nhận sự quan hệ của đảo Hoàng Sa như lời trong thơ của ông mà tôi trích dịch trên kia, song ông theo chánh sách tùy thời: ông cho rằng chưa nên đả động đến nó vội.
Vì hồi đó, Đông Dương đang điều đình ký điều ước với Tàu về sự xuất cảng gạo sang Tàu, nên quan Toàn quyền Pasquier chưa muốn đem vấn đề quần đảo Hoàng Sa ra trước tấm khảm xanh của trường giao tế Trung – Việt.
Khi đó một nhà báo độc lập, ông Cucherousset, chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Eveil Economique, hết sức công kích Chánh phủ Đông Dương về sự hững hờ với đảo Hoàng Sa. Tiếc thay, người ta không cho ý kiến ông là phải. Người ta lại… khám nhà và khép ông vào tội tàng trữ những tài liệu của Chánh phủ (vì ông Cucherosset biết được nhiều điều bí mật hồi đó).
Thế rồi ngày tháng qua. Thời gian – nó là ông quan Tòa công bình nhưng bao giờ cũng tuyên án trễ quá – Thời gian đã đem phần thắng lợi cho nhà viết báo Cucherousset, đã công nhận ông ta nói có lý.
Vì ngày nay nước Pháp đã thấy rõ sự quan hệ của đảo Hoàng Sa và đã cho binh lính đến canh giữ.
Bộ hải quân Pháp đối với đảo Hoàng Sa
Nếu quan Thuộc địa Tổng trưởng Paul Reynaud hồi năm 1930 còn hờ hững với đảo Hoàng Sa, thì trong nghị trường và ngoài dư luận Pháp quốc, còn nhiều người khác chú ý đến nó. Ông thượng nghị viên Albert Sarrant và ông thân sĩ Nam Kỳ Ernest Outrey đã can thiệp vào vấn đề ấy ở hai Nghị viện.
Ông Bergeon, phó chủ tịch ủy ban hải quân, viết một bài kịch liệt trong tạp chí “Capital” ra ngày 17-9-1031. Sau ông lại viết một bài nữa cũng về vấn đề đảo Hoàng Sa trong trong báo “Petit Var”[2].
Tôi xin trích một đoạn sau đây:
“Đảo Hoàng Sa vẫn là những đảo vô thừa nhận trước năm 1816. Đến năm ấy, Hoàng đế Gia Long chiếm cứ lấy và đem ngọn cờ Nam Kỳ ra cắm ở đảo ấy. Sự chiếm cứ ấy có những tài liệu còn giữ trong tàng thư của Chánh phủ Nam triều, chứng thực”.
“Hiện giờ[3] nước Nam không có sự liên lạc với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1909 khi nước Pháp đòi quyền lợi ở Trung Hoa, đáng lẽ ra nên đòi cả chủ quyền của nước bảo hộ của mình về những đảo nói trên đây”.
“Trong những trường hợp hiện giờ, người ta có thể không biết đến sự quan trọng về chiến lược của đảo Hoàng Sa. Nếu trong cuộc chiến tranh mà một cường quốc nào chiếm lấy, thì thật là một điều nguy hại lớn cho quyền lãnh thổ của Đông Dương”.
“Những đảo Hoàng Sa nối tiếp với đảo Hải Nam, đối với một nước cứu địch bất ngờ, sẽ là một nơi căn cứ hải quân rất mạnh…”.
“Nếu có một đoàn tàu ngầm đóng ở đảo ấy, nó sẽ có thể phá tan cửa biển Tourane ở Trung Kỳ và ngăn cản hết đường thủy”.
“Sự liên lạc Nam Kỳ với Bắc Kỳ lúc đó chỉ còn trông ở đường xe lửa là đường có thể bị tàn phá vì nó ở gần ngay bờ biển, làm cho nó có thể bị các tàu chiến của bên địch ở xa chĩa súng vào mà bắn”.
“Vả lại, sự giao dịch của Đông Dương với các nước trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ bị ngưng lại, bởi hải quân của bên địch đóng ở đảo Hoàng Sa”.
Đó là một đoạn trong bài báo của ông Phó Chủ tịch Ủy ban Hải quân Pháp.
Vậy quần đảo Hoàng Sa là nơi trọng yếu lắm. Sau khi Pháp cho binh lính lên canh giữ, Nhựt phản đối. Nhựt nhận là của mình. Tàu cũng phản đối, nhận là của Tàu.
Vậy những đảo Hoàng Sa của ai?
Của Nhựt? Của Pháp? Hay của Tàu?
Với những tài liệu của lịch sử, tôi sẽ trả lời câu ấy trong những đoạn sau. Trong bài trước tôi đã đăng bản đồ của xứ Đông Dương vẽ từ năm Minh Mạng thứ 14, trích trong Hoàng Việt địa dư, để cho độc giả thấy rằng trong bản đồ hồi đó đã có ghi đảo Hoàng Sa cũng thuộc quyền sở hữu của Đông Dương rồi.
Lúc nước Pháp cho quân lính lên canh giữ đảo Hoàng Sa (Paracels) thì hãng Đồng minh thông tín của Nhựt bữa 4 tháng 7 đăng tin rằng M. Sueji Harata, một nhà kỹ nghệ ở nước Nhựt xin Chánh phủ Đông Kinh phản đối, lấy cớ rằng ông ta đã tìm ra những đảo ấy (Xem tin vô tuyến điện của “Saigon” số trước).
Đại sứ Tàu là Cô Duy Quân cũng phản kháng Bộ Ngoại giao Pháp ở Paris. Và theo báo “Le Journal” thì không chừng vụ “Hoàng Sa” phải đem ra Tòa án quốc tế La Haye phân xử.
Muốn tìm xem quyền sở hữu quần đảo ấy thuộc về ai, chúng ta hãy đi tìm ánh sáng của lịch sử.
Nguồn gốc chữ “Paracels”
Giở cuốn từ điển “Larousse pour tous” chúng tôi thấy rẵng chữ “Paracels” là danh từ chung (nom commun). Nghĩa nó là: “Một dãy cù lao nhỏ, những chỏm đá cách xa nhau bởi những đường mà tàu chiến qua lại được”. (Riêng nghĩa chữ “Paracels” cũng đủ cho ta thấy sự quan trọng của nó về quân sự rồi.)
Thoạt kỳ thủy nó là một danh từ chung nhưng vì thông dụng rồi, nên ngày nay nó lại thành một danh từ riêng (nom propre).
Nhà thông thái Krempf, Giám đốc Viện Hải học ở Nha Trang, đã tìm ra rằng chữ “Paracels” có liên lạc với tên một nhà bác học thụy sĩ: Von Hohenheim Paracelse, sống vào hồi thế kỷ 16 (1493-1541). Ông Kempf nói rằng có lẽ một nhà thủy Âu châu hồi thế kỷ XVI đã đi qua đảo ấy và cho nó cái tên “Paracels” để kỷ niệm nhà bác học Paracelse mà anh ta mến phục.
Ngày nay trong bản đồ Đông Dương của nhà truyền giáo Van Langren, về năm 1595 (nửa thế kỷ sau khi nhà bác học Paracelse qua đời), người ta cũng thấy những đảo ở gần bờ biển Trung Kỳ (tức đảo Hoàng Sa) với cái tên: Hes de Pracel. Và bờ biển ở đó kêu là Costa de Pracel.
Trong bản địa đồ của Mercator về năm 1613, tác giả cũng cho những quần đảo ấy cái tên “Pracel” và bờ biển gần đó cái tên “Costa de Pracel”.
Trong cuốn “Le Siam ancien” của Fournereau, người ta lại thấy một bản đồ Đông Dương của một người Bồ Đào Nha vô danh vẽ từ năm 1580 và cũng lấy tên “Côte de Pracel” mà kêu miền duyên hải gần đảo Hoàng Sa.
Trong bản đồ của Danville vẽ năm 1755 cũng lại thấy tên “Pracel” nữa.
Vậy có thể nói rằng đảo Paracels trước kia tên là Pracel.
Paracels trong lịch sử
Trong bộ Hoàng Việt địa dư về đời Minh Mạng năm thứ 14, có bản đồ về Đông Dương với dãy quần đảo “Hoàng Sa” ở chỗ những đảo “Paracels” bây giờ.
Vậy hồi đó, triều đình nước Nam khi vẽ bản đồ ấy đã cả quyết rằng đảo “Paracels” thuộc về quyền sở hữu của xứ Đông Dương rồi.
Và nhà viết địa dư hồi ấy lấy cái tên tốt đẹp Hoàng Sa (cát vàng) mà gọi dãy quần đảo ấy.
Năm 1927, viên lãnh sự Nhựt ở Hà Nội cũng không để ý gì tới đảo Hoàng Sa và coi nó như là thuộc quyền của nước Nam. Nguyên năm ấy, ông viết thơ hỏi Chánh phủ Đông Dương và muốn định liệu minh bạch về quyền hạn và luật lệ thi hành trên những đảo nhỏ ở biển Trung Hoa: riêng có đảo Hoàng Sa, thì lãnh sự Nhựt không đả động hỏi tới.
Vậy mà ngày nay một nhà kỹ nghệ Nhựt đứng ra nói rằng mình đã tìm ra đảo Paracels thì thật là vô lý.
Một mớ sử liệu
Trong cuốn “Géographie de la Cochinchine” của ông Chaigneau, có đoạn sau đây:
“Xứ Nam Kỳ gồm có…. (tên những tỉnh) và quần đảo Paracels là những cù lao nhỏ, những chỏm đá, những hốc đá, không có người ở. Mãi đến năm 1816, Hoàng đế mới chiếm cứ quần đảo ấy”.
Vì lâu năm rồi nên bổn thảo cuốn “Địa dư Nam kỳ” của Chaigenau khó mà kiếm được. Song Tạp chí “Bulletin des Amis du Vienx Huế” tháng Bốn – Sáu năm 1923 đã đem cuốn sách của Chaigneau ra mà bình phẩm và trích đoạn trên kia.
Cuốn thứ 5 của bộ “Đại Nam Nhứt Thống Chí” ấn hành hồi triều Tự Đức cũng nói về đảo Hoàng Sa như sau đây:
“Những cù lao Hoàng Sa gồm có tới 130 chỏm đá, cách xa nhau phải đi nghe chừng một ngày mới tới. Ở giữa những đảo ấy, có một dải cát dài có tới vạn lý, nên người ta thường gọi là “Vạn lý trường sa”…
“Những thổ sản ở đó rất nhiều: hải sâm, đồi mồi…”.
“Hồi nhà Nguyễn mới lên cầm quyền, có một nhóm 70 người ở làng Vĩnh An lập thành hội “Hoàng Sa”. Mỗi năm vào tháng ba, họ đi ghe tới quần đảo Hoàng Sa đánh cá và tháng tám đem về.
“Đến thời Minh Mạng, triều đình thường cho tàu thủy ra những cù lao nầy đặng thám hiểm đường biển…”.
“Đến năm thứ 16 triều Minh Mạng, Vua cho tàu chở gạch và đá ra đó để dựng một ngôi chùa; ở phía bên trái chùa nầy có làm một cái bia đá kỷ niệm”.
Thêm vào sử liệu của bộ “Đại Nam nhứt thống chí” còn tàng trữ tại trường Bác Cổ Viễn Đông ở Hà Nội, bữa trước chúng tôi đã đăng bản đồ “Đại Nam nhứt thống toàn đồ” từ năm 14 đời Minh Mạng, trích trong bộ Hoàng Việt địa dư”. Bản đồ ấy gồm cả đảo Hoàng Sa trong phạm vi của nước “Đại Nam”.
Vậy quần đảo Hoàng Sa của ai?
Nhựt đã không có quyền gì ở đó, mà Tàu lại đã “từ” quần đảo “Hoàng Sa” không muốn nhận nó là của Tàu nữa. Đó là điều mà tôi sẽ nói trong bài sau.
Trung Hoa với đảo Hoàng Sa
Nước tàu đối với quần đảo Hoàng Sa đã không có dấu tích quan hệ gì mà Tàu lại còn có dịp công bố không chịu nhận đảo ấu thuộc về mình.
Nguyên là có hai chiếc tàu chở đồng cho mấy công ty Anh bị đắm ở gần quần đảo Hoàng Sa: chiếc tàu “Le Bellona” của Đức, đắm năm 1895 và tàu “Imeze Maru” của Nhựt đắm năm 1893.
Sau đó, bọn giặc biển Tàu cướp những đồng trong hai chiếc tàu đặng đem bán. Chánh phủ Anh phản đối với Chánh phủ Tàu về việc cướp bóc ấy.
Nhà đương cuộc Tàu không chịu trách nhiệm và tuyên bố rằng quần đảo Hoàng Sa (Paracels) không ăn nhập gì đến đảo Hải Nam hết.
Vậy vào cuối thế kỷ XIX, Chánh phủ Tàu đã công khai không chịu nhận đảo Hoàng Sa rồi.
Mãi đến tháng Năm năm 1909, mới có hai chiếc tàu ở Quảng Đông đi thám hiểm quần đảo Hoàng Sa, nhưng là một cuộc thám hiểm do một nhóm tư nhân tổ chức. Hai chiếc tàu ấy, tàu Fon-Po và tàu Tchen Mang, bữa 6 tháng 6 đến một cù lao trong quần đảo Hoàng Sa, thăm vài nơi khác, rồi 4 giờ chiều nữa 7 tháng 6 lại trở về Quảng Châu.
Đông Dương vẫn kiểm soát Hoàng Sa
Sau cuộc thám hiểm trên đây, quần đảo Hoàng Sa sống 1 quãng đời êm tịnh, không lịch sử, không tiếng tăm…
Ngoài làn sóng rạt rào, có chăng chỉ có những tàu của sở Thương chánh Đông Dương thỉnh thoảng thăm quần đảo Hoàng Sa để khám xem có bọn nào dùng nơi đó làm chỗ chứa đồ lậu, hoặc khí giới chăng?
Đã có lần, quan tư chiếc tàu “Espadon” của nhà Đoan bắt chiếc tàu “Akibobo Maru” của Nhựt chở đầy “phốt phát” (phosphate) lấy ở cù lao Boisée (một cù lao của quần đảo Hoàng Sa).
Xét hồi thì chiếc tàu Nhựt nói rằng công ty “Mitsui Bussan Kaisha” ở Nhựt trước khi khai khẩn những mỏ “phốt phát” ở quần đảo Hoàng Sa, năm 1920 đã xin phép trước với bộ Hàng hải Đông Dương và quan tư Hải quân Sài Gòn đã cho phép họ, vì ổng thấy không có quan hệ gì đến quân sự Đông Dương.
Xem như vậy thì đủ thấy rằng nước Nhựt hồi năm 1920 đã chịu nhận chủ quyền của xứ Đông Dương trên quần đảo Hoàng Sa.
Thổ sản của quần đảo Hoàng Sa
Ngoài sự quan hệ của quần đảo Hoàng Sa về mặt quân sự, đảo nầy còn là một nguồn lợi quan trọng về kinh tế nữa.
Viện Hải học Đông Dương năm 1926 phái chiếc tàu “De Lanessan” ra quần đảo ấy để nghiên cứu về thổ sản của nó.
Bác sĩ A. Krampf là Giám đốc viện ấy đã làm một bản tường thuật rõ ràng về thổ sản của đảo Hoàng Sa.
Đại ý, ông nói rằng thổ sản chánh ở đó là “phốt phát”.
Người Nhựt đã đến khai khẩn mỏ “phốt phát” ở đảo Roberts, và năm 1926 bỏ dở, rồi khai khẩn đến đảo Boisée (Hai đảo cùng thuộc về nhóm cù lao Hoàng Sa).
Trong cù lao Boisée, người Nhựt đã đặt một đường sắt và những toa xe nhỏ đặng chuyên chở “phốt phát”. Họ lại còn xây một cái bến dài 300 thước nữa.
Trong công việc khai khẩn ở cù lao Boisée, người Nhựt dùng nhơn công tàu do một viên đốc công Phi Luật Tân cai quản.
Và theo lời bác sĩ Krampf kết luận, nếu một ngày kia, công ty Nhựt lấy hết “phốt phát” thì trong đảo không còn gì nữa. Những rừng cây cối bị họ tàn phá hết đặng khai mỏ, nên sau khi họ đi, lâm sản cũng không còn gì.
Còn về hải sản thì người ta nói rằng quần đảo Hoàng Sa có những trai có ngọc. Những năm 1909, hồi hai chiếc tàu của Trung Hoa đến thám hiểm, họ có đem một mớ trai về, nhưng khi mở ra thì không có ngọc như lời đồn.
Ngoài ra Hoàng Sa còn có san hô, đồi mồi và những dân đánh cá thường đến đây bắt rùa.
Lời kết luận của quan ba Lapicque
Muốn kết luận bài nầy, chúng tôi xin trích lời của quan ba P.A. Lapicque, là người đã để ý quan sát về quần đảo Hoàng Sa từ lâu năm rồi. Ông Lapicque nói:
“Sự khai khẩn những thổ sản của quần đảo Paracels, không hy vọng có nhiều lời. Sự khai khẩn phốt phát đến nay mới làm thì trễ quá, còn sự đánh cá bằng tàu lớn thì không được, vì đáy biển có nhiều tảng đá. Chỉ còn cách đánh cá bằng ghe, nhưng nó chỉ đủ nuôi sống người đánh cá mà thôi”.
“Vậy xứ Đông Dương có nên buông bỏ khoảng đất ấy không? Không nên”.
“Quần đảo Paracels đối với Đông Dương rất quan trọng”.
“Những chỏm đá của nó làm cho tàu bè đi lại rất nguy hiểm: mỗi khi một chiếc tàu nào bị đắm thì sở “Merchant Service Guild” ở Hương Cảng lại yêu cầu Chánh phủ Anh phải dựng ít ra hai cái đèn pha ở quần đảo Paracels, đặng soi sáng cho tàu bè qua lại”.
“Chánh phủ Đông Dương phải lãnh lấy cái trách nhiệm mà làm cái công việc ích chung ấy. Chúng ta không nên để cho người khác làm, thay thế cho ta”.
“Ngày này với vô tuyến điện, ta có thể để ý đến các trận bão, những việc dự tính lập đường thủ phi cơ và tìm kiếm những tàu ngầm, vì vậy quần đảo Paracels đối với Đông Dương quan trọng lắm.”
T.P