Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững dấu hỏi đằng sau vụ đấu giá đất tỷ USD ở Thủ...

Những dấu hỏi đằng sau vụ đấu giá đất tỷ USD ở Thủ Thiêm

2 trong 4 doanh nghiệp tạo nên phiên đấu giá kỷ lục tại Thủ Thiêm có tài sản dưới 100 triệu đồng, một đơn vị vừa thành lập.

4 lô đất trị giá tỉ đô tại Thủ Thiêm vừa đấu thầu.

Mặc dù đến nay cả bốn doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm đã hoàn tất ký hợp đồng 3 bên theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ khi nào các doanh nghiệp đóng tiền đủ 100% thì “giao dịch” mới được coi là hoàn tất.

Ẩn số Vạn Thịnh Phát

Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán (hình thức chuyển khoản) 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế. Trong hạn 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá thanh toán đủ số tiền còn lại.

Như vậy, đến ngày 15/1 bốn đơn vị trúng thầu sẽ đến ngày thanh toán 50% khoản tiền trúng thầu. Cụ thể, Công ty Cổ phần Dream Republic mua lô đất 3-5 với diện tích 6.446 m2, giá 3.820 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Sheen Mega mua lô đất 3-8 với diện tích 8.500 m2, mức giá 4.000 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh mại Bình Minh mua lô đất 3-9, diện tích 5.009 m2, giá 5.026 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư Ngôi sao Việt mua lô đất 3-12 diện tích 10.060 m2, giá 24.500 tỷ đồng.

Trên thực tế 2 trong 4 doanh nghiệp tạo nên phiên đấu giá kỷ lục tại Thủ Thiêm hiện nay có tài sản dưới 100 triệu đồng. Gồm Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega.

Hai doanh nghiệp còn lại một đơn vị vừa thành lập, còn một đơn vị kinh doanh thua lỗ. Một số người đại diện pháp luật tại doanh nghiệp trúng thầu cũng đang sở hữu hoặc cổ phần ở một số doanh nghiệp khác.

Tại doanh nghiệp Dream Republic (trúng thầu lô đất 3-5) thành lập ngày 4/10/2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, do bà Trần Thị Mộng Linh đứng vai trò đại diện pháp luật với cổ phần 40%. Hai người còn lại, ômg Đặng Minh Thắng với tỉ lệ góp vố 30%, ông Trương Ích Quốc với tỷ lệ 30%.

Cả ông Trương Ích Quốc, và ông Đặng Minh Thắng đều đang là chủ của một số DN. Bản thân ông Quốc và ông Thắng cũng có góp vốn chung ở DN khác.

Ông Thắng còn đang đảm trách nhiều pháp nhân trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong đó, tại Công ty CP Công nghệ Innoware, ông Thắng là Chủ tịch HĐQT, trong khi 2 Thành viên HĐQT còn lại là bà Trương Huệ Vân và ông Lâm Khắc Vinh. Trương Huệ Vân, sinh năm 1988, là thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương, đứng sau Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Nhiều người cũng đặt câu hỏi, với quy mô vốn nhỏ nhưng trải qua hàng chục phiên ra giá và “thắng” ở mức cao kỷ lục hẳn các đơn vị phải có tiềm lực sân sau đủ mạnh?! Chẳng hạn như Công ty CP Dream Republic nhờ việc sở hữu cổ phần doanh nghiệp có liên quan, DN này có thể huy động nguồn lực từ tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Được biết, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hiện đang sở hữu rất nhiều dự án bất động sản đắc địa tại TP.HCM.

Công ty CP Sheen Mega (trúng thầu lô đất 3.8) được thành lập tháng 11/2019, đặt trụ sở tại 32 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện là bà Nguyễn Thị Huyền. Nữ doanh nhân sinh năm 1985 còn là cổ đông sáng lập tại Công ty Đắc Vạn Hưng. Được biết, Đắc Vạn Hưng gián tiếp sở hữu số cổ phần Công ty CP Tập đoàn Peninsula. Tập đoàn Peninsula hiện được Ngân hàng SCB định giá 2.285 tỷ đồng vào đầu năm 2021.

Riêng Công ty TNHH BĐS Ngôi Sao Việt chi 24.500 tỉ đồng để mua lô đất 3-12 là thành viên thuộc Tân Hoàng Minh Group, vốn chủ sở hữu cũng chỉ hơn 800 tỉ đồng, thua xa nhiều so với giá trị của lô đất tại Thủ Thiêm mà đơn vị này mạnh tay đấu giá.

Với Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 hơn 5.000 tỉ đồng. Trên thực tế DN này vừa được thành lập ngày 24/9/2021 có trụ sở tại Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992), DN ban đầu có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, đến ngày 3/12/2021 tăng vốn lên 200 tỉ đồng.

Điều đó cho thấy 4 lô đất trúng đấu giá đều thuộc về những “đại gia” bất động sản chưa có tiếng và khá kín tiếng trên thị trường.

Làm méo mó thị trường bất động sản

Trong khi đó, tại phiên đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, có cả những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nổi tiếng như: Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP đầu tư bất động sản Đồng Tiến, Công ty CP Tập đoàn địa ốc Cát Tường, Công ty TNHH đầu tư Bắc Thủ Thiêm, Công ty CP Vận tải thương mại quốc tế, Công ty TNHH đầu tư kinh doanh nhà Gia Định, Công ty TNHH thương mại du lịch Ngọc Lâm…

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế, một trong những giả thiết đặt ra, nhà đầu tư sẵn sàng chịu bỏ số tiền lớn ra để đấu giá một miếng đất nhỏ giá trị không lớn lắm nhằm kích động giá cả của các khu đất khác mà họ đang sở hữu.

Nghĩa là doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền khủng mua một lô đất để làm lợi thế cho hàng trăm lô đất khác mà họ đang sở hữu, từ đó đem về hàng trăm lợi ích khác. Khả năng này có thể xảy ra trong trường hợp nhà đầu tư bất động có vị thế cạnh tranh rất cao, thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền nhóm. Nếu làm như vậy họ có thể đạt được mục đích đẩy mặt bằng giá lên.

“Xác suất khả năng này có thể xảy ra khoảng 40%, và khả năng thành công của chiến lược này khoảng 30-40%”, ông Nghĩa nhận định.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia kinh tế, đợt đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua xác lập mức 2,4 tỷ đồng một m2 lại cho thấy diễn biến giá không phù hợp với thực tiễn thị trường và có dấu hiệu bị đẩy lên mức bất hợp lý. Điều này làm méo mó thị trường bất động sản.

Ông Hiếu cho rằng, hai kịch bản có thể xảy ra tới đây, thứ nhất bên trúng đấu giá hoàn tất toàn bộ các thủ tục theo quy định, nếu điều này xảy ra, mức giá đất kỷ lục sẽ phá vỡ cấu trúc của thị trường bất động sản.

Kịch bản thứ hai, bên trúng đấu giá bỏ cuộc giữa chừng, sẽ tạo ra tiền lệ lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường. “Dù ở bất kỳ kịch bản nào, quá trình kiến thiết khu đô thị mới Thủ Thiêm đều gặp nhiều thách thức”, ông Nghĩa nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới