Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu chiến Đức và “bữa ăn tối” của ông Hồ Tích Tiến.

Tàu chiến Đức và “bữa ăn tối” của ông Hồ Tích Tiến.

Ngày 15/12/2021, một tàu chiến Đức đã đi vào Biển Đông lần đầu tiên sau gần 20 năm. Trong khi dư luận đánh giá sự kiện này là phản ứng của Đức trước những hành động hung hăng vô pháp của Trung Quốc, thì Trung Quốc lại nói Berlin làm thế để Bắc Kinh phải chú ý đến họ.

Ảnh. Khinh hạm Bayern của hải quân Đức

Phát ngôn ngạo mạn trên là từ nhân vật có máu mặt – ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo có tiếng là “đầu gấu” trong làng truyền thông Trung Quốc. Trong phát ngôn của mình, ông Hồ Tích Tiến khoe rằng: “Cựu Đại sứ Đức tại Bắc Kinh Michael Clauss đã nhiều lần mời tôi ăn tối. Từ những lời phàn nàn của ông ấy, tôi cảm thấy rõ ràng rằng người dân Đức hy vọng Trung Quốc có thể chú ý đến châu Âu nhiều như họ dành cho Mỹ”.

Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Hàm ý của ông Hồ Tích Tiến ở đây, là Trung Quốc trong thế thượng phong. Kêu gọi sự mặn mà bằng lời mà Bắc Kinh vẫn vô cảm nên Berlin bất đắc dĩ phải đem tàu chiến ra nói chuyện, để trả đũa việc Bắc Kinh chẳng thể làm ngơ hoặc coi thường, chứ xét về lý, Đức cơn cớ gì mà điều tàu chiến đến một khu vực họ không có tranh chấp nào về lợi ích hay chủ quyền?

Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: sao ông Hồ Tích Tiến lại chỉ tiết lộ “bữa ăn tối” cùng những lời phàn nàn của ông đại sứ Đức, khi chiếc khinh hạm Bayern với thủy thủy đoàn 230 người, sau khi rời cảng Busan của Hàn Quốc, trong chặng cuối hành trình, đã đi vào Biển Đông ngày 15/12/2021, sau gần nửa năm trên biển?

“Điểm dừng chân tiếp theo của khinh hạm này sẽ là Singapore” trước Lễ Giáng sinh. Dự kiến, nó cũng sẽ thăm Việt Nam – một quốc gia thường xuyên bị Trung Quốc gây hấn, chèn ép do quyết liệt phản đổi yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông – Thông tin từ phía Berlin cho biết. Trong phát ngôn, Berlin chẳng hề đề cập, càng không hề lấy làm tiếc nuối về việc không được ghé thăm cảng Thượng Hải như ý định ban đầu và đã có lời đề nghị với Bắc Kinh.

Và có lẽ, chính sự lạnh lùng đó khiến Bắc Kinh lấy làm chạnh lòng. Thâm ý của Bắc Kinh có lẽ là: khó dễ trước đề nghị của Berlin, nhưng một khi chịu nỉ non, người Đức vẫn có thể nhận được cái gật đầu của Trung Quốc như một sự “hạ cố” trước kẻ một đối tượng đã tỏ ra biết điều.

Nhưng Bắc Kinh đã không thể ngờ, sự kênh kiệu của mình đâm hỏng việc lớn: không những không hạ mình nỉ non, mặc cho Bắc Kinh xem xét, người Đức “nắn” lại hành trình, trong đó, họ bỏ qua luôn ý định ghé cảng Thượng Hải.

Không chỉ thế, trong trong lễ xuất phát của khinh hạm Bayern tại cảng Wilhelmshaven cuối tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Đức còn nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn luật pháp hiện hành được tôn trọng, các tuyến đường biển có thể đi lại tự do, các xã hội cởi mở được bảo vệ và hoạt động thương mại phải tuân theo các quy tắc công bằng”. Và vị này hoàn toàn chẳng đếm xỉa tới cái gọi là “đề nghị ghé Thượng Hải” như phía Bắc Kinh rò rỉ với báo chí.

Trong hành trình trên biển những tháng qua, tàu chiến Bayern đã tham gia các cuộc tập trận với Mỹ, Australia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, điều đó càng thể hiện ý nghĩa thông điệp cứng rắn mà Berlin muốn thể hiện qua việc điều chiếc khinh hạm hiện đại này tới Biển Đông. Về phía Bắc Kinh, như kẻ “có tật giật mình”, họ không thể không đoán ra, Berlin ám chỉ Trung Quốc chính là nước chà đạp lên các quy tắc công bằng trên biển.

Đã khó chịu về thông điệp người Đức ném ra qua vụ khinh hạm Bayern, Bắc Kinh càng cay cú hơn khi gần đây, tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock còn đe sẽ không loại trừ khả năng tẩy chay Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh. Thế nên, một lần nữa, họ lại sử dụng mồm miệng ông Hồ Tích Tiến với những bình luận ngạo mạn trên, hy vọng gỡ lại thể diện của một “cường quốc đang lên” qua những thông tin thật khó xác minh liên quan đến các “bữa ăn tối” của ông tổng biên tập này với ngài cựu đại sứ Đức từ hồi nảo hồi nào.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới