13 thực thể khác nổi trên mặt nước biển mà Trung Quốc đặt tên thuộc quần đảo Trường Sa, một quần đảo gồm các bãi đá và đảo mà các nước bao gồm Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei cũng đòi chủ quyền. Quần đảo này nằm ở phần phía nam của Biển Đông.
Trường Sa bao gồm Bãi Tư Chính, nơi Trung Quốc và Việt Nam đã có căng thẳng liên quan đến các tàu hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc vào năm 2019. Trường Sa cũng bao gồm Đá Chữ Thập, một căn cứ quân sự chính mà hải quân, hải cảnh và không quân Trung Quốc thường được điều đến.
Các thực thể mới đặt tên này thuộc Trường Sa thực sự rất nhỏ bé, nhưng sau khi bao gồm cả những vị trí địa lý, có thể dễ dàng thấy là Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền đối với chúng. Các thực thể này nằm rải rác quanh Bãi Tây – nơi Việt Nam xây một tiền đồn của mình vào khoảng năm 2013 đến 2016, và bổ sung thêm 2 trạm canh gần đó trong cùng giai đoạn này.
Toàn bộ bãi này gần như không đáng để đặt tên nhưng Trung Quốc cho rằng việc đặt tên cho từng phần của nó như là một phần của Bãi Tây và chuỗi “đảo” Longbi (Dragon’s Nose) là hợp lý. Vì những lý do không rõ ràng, một số những thực thể mini thậm chí còn được đặt tên hai lần với các tên khác nhau. Ví dụ, Xijiao Dongdao (Đảo Đông Bãi Tây) còn được biết với tên Longbi Xidao (Đảo Dragon’s Nose West).
“Dường như đây là sự tưởng tượng của người vẽ bản đồ của chính phủ được lôi ra từ tủ hồ sơ để đóng vào một danh sách mới các tên mà Bắc Kinh trước đó đã phô ra nhằm tỏ dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng với Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam liên quan đến những chỉ trích về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông”, chuyên gia Poling nói.
Một trong những tiền đồn của Việt Nam ở Bãi Tây mà Trung Quốc nói Việt Nam xâm chiếm trái phép. Trung Quốc giờ đây gọi tiền đồn này là “Longbi Xidao” hay “Xijiao Xidao”.
Trung Quốc và Việt Nam đã có căng thẳng trong những tháng gần đây sau khi tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hôm 3 tháng 4 và sau một loạt những công hàm được các bên có chủ quyền ở Biển Đông nộp lên Liên Hiệp Quốc. Công hàm gần đây nhất mà Trung Quốc nộp lên thậm chí còn chỉ đích danh Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phải rút toàn bộ nhân sự và các cơ sở khỏi các đảo và bãi đá.
Malaysia và Philippines cũng đã nộp các công hàm phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc. Đây là một sự đoàn kết hiếm có ngay trước khi Trung Quốc tuyên bố hai quận hành chính mới và công bố danh sách 80 thực thể.