Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược bài bản và phản ứng tức thì

Chiến lược bài bản và phản ứng tức thì

Sau chuyến thăm hai nước Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia của Ngoại trưởng Mỹ Blinken với những tuyên bố thể hiện rõ thái độ không nhân nhượng đối với Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã tỏ rõ quan điểm, rằng Washington chớ nên ngộ nhận về sức mạnh của mình.

Không cần “ném đá dò đường” bằng cách đưa các phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đứng ra họp báo tuyên bố này nọ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị với gương mặt lạnh băng, con mắt lướt qua đầu mọi người, đã trực tiếp trả lời báo chí. Cụ thể là, hôm 20/12, ông Vương Nghị đã tuyên bố thẳng thừng: Trung Quốc đang ở thế thượng phong, không bao giờ sợ Mỹ, không ngại đối đầu Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác nếu đôi bên cùng có lợi. – Tờ The Straits Times đưa tin.

Còn trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị khẳng định, Mỹ đã ngày càng đi quá giới hạn và đã có những sai lầm chiến lược. Ông Vương nói: Các vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung là do “những đánh giá sai lầm về mặt chiến lược của phía Mỹ. Nếu có đối đầu, thì Trung Quốc không bao giờ run sợ. Nhất định chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng”.

Tuần trước, trong chuyến thăm Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã mô tả Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất thế giới. Vì vậy, các nước liên quan đều phải có nghĩa vụ bảo đảm nguyên trạng, không bị ép buộc và đe dọa, nhất là trước các “các hành động gây hấn” kéo dài của Trung Quốc. Mỹ nhận rõ trách nhiệm cùng các đồng minh và một số nước liên quan ở Biển Đông kiên quyết đẩy lùi mọi hành động ngang ngược của Bắc Kinh.

Lập tức, Trung Nam Hải phản pháo bằng đòn phủ đầu từ Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Vương nói, không có ai gây hấn mà chỉ là những giải pháp bảo vệ chủ quyền. Đài Loan chóng hay chầy cũng phải trở về với Trung Quốc. Hòn đảo này không phải là quân cờ để Mỹ và những kẻ theo đóm ăn tàn lợi dụng. Bắc Kinh đã và đang đưa hòn đảo này vào trong tầm kiểm soát của mình.

Nguyên nhân của những căng thẳng hiện nay, theo ông Vương, là do chính quyền Đài Loan cố gắng “dựa vào Mỹ để giành độc lập”. Trong khi đó, Mỹ và các nước khác cố gắng sử dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc. Ông nói: “Chính những hành động này đã làm thay đổi hiện trạng và phá hoại hòa bình ở eo biển Đài Loan, vi phạm sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”.

Mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi do hai bên bất đồng trong nhiều vấn đề, trong đó nổi lên là: nguồn gốc của đại dịch Covid-19, thương mại, nhân quyền và sức ép ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Gần đây nhất, Thượng viện Mỹ chọc giận Trung Quốc khi thông qua dự luật cấm nhập khẩu từ khu vực Tân Cương. Lý do là “lo ngại về vấn đề cưỡng bức lao động nhóm dân tộc thiểu số”. Đáp lại, Trung Quốc nói sẽ làm mọi cách để bảo vệ doanh nghiệp Trung Quốc và yêu cầu phía Mỹ sửa chữa sai lầm của mình.

Sự đôi co, “ăn miếng trả miếng” trong chính sách ngoại giao của hai siêu cường vẫn tiếp diễn. Theo phân tích của các nhà bình luận quốc tế, đã là siêu cường thì nên hành xử cho có tầm cỡ, có bài bản. Không nên dùng phép thử đúng – sai để tìm nghiệm số, bởi nó gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế hai nước và các đồng minh, chưa nói đến việc có thể châm ngòi cho chiến tranh.

Một gợi ý về sự bài bản: Với các chính sách quyết đoán của Chủ tịch Tập Cận Bình, Mỹ cần dành nhiều thời gian hơn cho khía cạnh cạnh tranh trong quan hệ song phương. Một chiến lược như vậy chỉ có thể thành công nếu Mỹ tránh được việc “ác quỷ hóa” Trung Quốc về ý thức hệ và những so sánh sai lầm với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cách đây 75 năm, năm 1946, George Kennan đã tiên đoán chính xác về một cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ giữa Trung Quốc và Liên Xô. Nay thì họ đang xích lại gần nhau, trong đó có lý do kiềm chế Mỹ.

Theo phân tích như vậy, Mỹ không thể kiềm chế Trung Quốc. Song Mỹ có thể hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc bằng cách định hình môi trường mà nước này trỗi dậy. Nếu quan hệ Trung – Mỹ là một ván bài, người Mỹ sẽ nhận ra rằng, họ đã được chia những quân bài tốt và tránh khuất phục trước nỗi sợ hoặc niềm tin vào sự xuống dốc của nước Mỹ.

Đấy là mới tính… một nước. Bởi một khi có những quân bài tốt, vẫn có thể thua đau nếu cách chơi không khôn khéo, biến ảo, nếu đối phương gian lận.

Rốt cuộc, cùng với những chiến lược lâu dài, bài bản, cũng cần những phản ứng tức thì. Phép nắn gân nhau đôi khi cũng mang lợi ích nhất định, có thể là chỉ cốt để yên dân trong nước. Điều đó thể hiện trong chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới