Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTổ hợp hoá dầu Long Sơn dự kiến được rót thêm 5...

Tổ hợp hoá dầu Long Sơn dự kiến được rót thêm 5 tỷ USD

Lãnh đạo Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn – chủ đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam (còn gọi là Tổ hợp hóa dầu Long Sơn) cho biết dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn tiếp theo với số vốn khoảng 5 tỷ USD.

Tổ hợp hoá dầu Long Sơn dự kiến được rót thêm 5 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã có các buổi tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp đang triển khai các dự án đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn.

Tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cho biết dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn tiếp theo với số vốn khoảng 5 tỷ USD.

Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn là chủ đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam (còn gọi là Tổ hợp hóa dầu Long Sơn), là một liên danh giữa Tập đoàn SCG (53%), Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan thuộc SCG (18%), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN (18%) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem (11%) – số liệu tại thời điểm 2008.

Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam là công trình trọng điểm quốc gia, được khởi công xây dựng năm 2018 và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2022. Dự án này có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD, là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam có công suất sản xuất olefin đạt tới 1,6 triệu tấn/năm.

Tổ hợp có tổng diện tích trên 460ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam TP. HCM-Biên Hòa-Vũng Tàu, liền kề cảng Cái Mép-Thị Vải. Trong đó, 398 ha được dùng cho xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến đạt 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, sử dụng nguồn khí Etan trong nước) và 66 ha đất xây dựng cảng.

Dự án được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác với công suất hơn 2,3 triệu tấn/năm.

Đến năm 2023, tổ hợp hóa dầu miền Nam dự kiến sẽ hoạt động để giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa.

Mặt khác, dự án còn tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu. Đây cũng là nền tảng cho những đầu tư trong tương lai về công nghiệp hạ nguồn và các ngành công nghiệp liên quan.

Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam sau khi vận hành sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động và góp phần lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa dầu đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác, giúp cho kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

Cách đây không lâu, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn.

Theo UBND tỉnh, dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đang gặp vướng mắc trong việc triển khai thực hiện đầu tư. Nguyên nhân là do việc xác định các ưu đãi đầu tư liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu của dự án trước đây được Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xác định trên cơ sở giải trình và cam kết của chủ đầu tư và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn để rà soát lại các quy định, hồ sơ các thỏa thuận, cam kết của nhà đầu tư, làm rõ căn cứ xác định các ưu đãi đầu tư trên, làm cơ sở làm việc với nhà đầu tư và báo cáo Thủ tướng phương án xử lý theo đúng quy định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới