Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị làm rõ thế lực nào đã “chống lưng” cho Công ty Việt Á tham gia đấu thầu, cung cấp kit test Covid-19 với giá “trên trời”?
Chia sẻ với báo chí, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (người từng chất vấn ngành y tế và tài chính về việc có hay không “lợi ích nhóm” trong giá xét nghiệm Covid-19 và đề nghị thanh tra làm rõ, tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 hồi tháng 11/2021) cho biết, không chỉ ông mà rất nhiều cử tri bày tỏ sự bất bình, bức xúc trước vụ “thổi giá” của Công ty Việt Á.
Phó trưởng Đoàn đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, qua vụ việc này cho thấy, những đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chính sách cho phép rút gọn vấn đề đấu thầu, chỉ định thầu của Nhà nước để nâng giá kit test Covid-19 để trục lợi, thu lợi nhuận khủng, rồi móc nối, chia % hoa hồng cho lãnh đạo CDC, đơn vị y tế.
“Đặc biệt, khi các nhân viên y tế gồng mình chống dịch vất vả, thu nhập rất thấp thì một số lãnh đạo lại nhận những khoản tiền đến cả vài chục tỷ đồng. Hành vi phi pháp như vậy cần phải xử lý nghiêm minh”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Do vậy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông rất ủng hộ việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở rộng điều tra vụ Công ty Việt Á. Cụ thể, ngày 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an cùng các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, sớm đưa các đối tượng ra xét xử.
Đại biểu Hòa nhận định, nếu không có thế lực “chống lưng”, Công ty Việt Á không thể “hoành hành”, “thổi giá” kit test Covid-19. “Cơ sở nào, căn cứ vào đâu mà Bộ Y tế ban hành công văn cho một kit test có giá 470.000 đồng? Tại sao không nhập kit test nước ngoài với giá thành thấp hơn nhiều mà lại cho công ty này, trong khi WHO chưa công nhận kit test Việt Á?”, đại biểu Hòa băn khoăn.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp ủng hộ việc ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhưng chất lượng kit test Covid-19 phải bảo đảm vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Do vậy, theo ông Hòa việc đưa kit test Việt Á khi chưa được Tổ chức Y tế thế giới công nhận với giá cao hơn nhiều kit test nhập khẩu là điều hết sức vô lý.
Từ những phân tích trên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị làm rõ “thế lực nào đã chống lưng” cho Công ty Việt Á tham gia đấu thầu, cung cấp kit test Covid-19 với “giá trên trời”.
“Ngoài công ty này cần làm rõ trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành Trung ương có liên quan, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Khoa học – Công nghệ, Học viện Quân y”, ông Hòa nói.
Cụ thể, theo đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp, cơ quan chức năng cần làm rõ việc tổ chức đầu thầu đúng quy định chưa? Có “lợi ích nhóm” hay không? Và quan trọng là làm rõ Công ty Việt Á trích phần trăm, “hoa hồng” sau khi trúng thầu cho anh A, chị B nào, như trường hợp Giám đốc CDC Hải Dương?
Trước tính chất nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị, đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Ông cũng nhấn mạnh, cần mở rộng điều tra với các đơn vị cung cấp kit test Covid-19 khác trên cả nước cũng như việc mua sắm trang thiết bị chống dịch ở 63 tỉnh, thành.
“Một vụ Công ty Việt Á đã là 4.000 tỷ đồng. Còn các trang thiết bị y tế khác nữa mà các địa phương mua sắm cũng toàn tiền tỷ”, ông Hòa nói và một lần nữa nhấn mạnh, phải trừng trị nghiêm khắc những người lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…
Cùng chia sẻ quan điểm về vụ bê bối Việt Á, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng, trong vụ việc này, một mình Công ty Việt Á không thể nâng giá kit xét nghiệm Covid-19 như thế được. Do vậy, nếu phát hiện ai trong cơ quan nhà nước “chống lưng” hay “bảo kê” cho việc này phải xử lý nghiêm.
Về trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, ông Tiến đề nghị cần xem xét công tác thanh tra, kiểm tra ngành y tế liệu đã phát huy hết vai trò hay chưa? Không rõ cơ chế quản lý của ngành y tế như thế nào mà lại để xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc đến như vậy? Ngoài trách nhiệm của Bộ Y tế, cần xem xét vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.
“Đi họp Quốc hội tôi phải xét nghiệm với giá 440.000 đồng”
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ra việc loạn giá xét nghiệm Covid-19 mỗi nơi mỗi giá, có nơi thu phí đến 450.000 đồng cho một lần xét nghiệm. Ngay bản thân ông khi đi họp Quốc hội đã phải xét nghiệm tại “vỉa hè” của Sân bay Tân Sơn Nhất với giá 440.000 đồng.
Để người dân không bị thiệt thòi về giá xét nghiệm, đại biểu Hòa đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm những nơi không thực hiện đúng quy định.
“Liệu có lợi ích nhóm trong việc nhập bộ test xét nghiệm hay không, gây bức xúc trong nhân dân. Xin Bộ trưởng cho biết tại sao có chuyện này xảy ra? Trách nhiệm của Bộ trưởng khi để giá xét nghiệm trôi nổi như thế? Câu hỏi này xin gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính”, đại biểu Hòa nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đối với giá xét nghiệm, theo quy định là thực chi. Đối với giá của đơn vị y tế tư nhân là do đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết công khai. Ông Long cũng xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu, trên cơ sở đó cùng với các đơn vị chức năng đưa ra những hình thức để tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.
“Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm này và đã triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. Vì vậy, chúng tôi đã chính thức đưa mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng quản lý giá. Qua việc thực hiện nghị định tới đây thì chắc chắn việc giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh trên một quan điểm chung là làm sao cố gắng hạ được giá xét nghiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đơn vị này đã “dự báo” được những vấn đề liên quan đến giả kit xét nghiệm và giá thiết bị y tế. Do vậy, đã chỉ đạo ngành thuế và hải quan phải quản lý chặt, đặc biệt là không để lợi dụng việc viện trợ, tài trợ để nâng giá để đưa vào chi phí sản xuất.
“Ví dụ như kit test là 35.000 đồng, tài trợ ghi lên là 200.000 đồng hay 250.000 đồng thì sau này chi phí này được giảm trừ trong thuế thu nhập doanh nghiệp. Cho nên chúng tôi cũng ngăn chặn trường hợp này”, ông Hồ Đức Phớc nói.
T.P