Thursday, November 7, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÔng Tập thay máu quân đội

Ông Tập thay máu quân đội

Trong hai năm qua, Trung Quốc đã thay đổi phương thức thăng quân hàm Thượng tướng phù hợp với chức vụ, điều chỉnh quân hàm ngay khi có sự điều chỉnh về chức vụ.

Lễ thăng quân hàm Thượng tướng của Quân ủy Trung ương Trung Quốc được tổ chức vào ngày 6/9/2021
tại Bắc Kinh.

Theo trang Đa chiều của Hong Kong, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, trong hai năm qua, các cuộc điều chỉnh lớn đối với hàng ngũ tướng lĩnh cấp cao của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày càng trở nên ít “bình thường” hơn; việc điều chỉnh các tướng lĩnh dưới cấp chiến khu cũng ngày càng “bí ẩn” hơn; ít có sự thay đổi nhân sự vào mùa đông và mùa hè như trong quá khứ.

Quy luật thăng quân hàm mới

Theo thống kê của Đa chiều, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào năm 2017, ngoại trừ năm 2018 không có ai được thăng quân hàm Thượng tướng, liên tục trong hai năm 2019 và 2020 đã có hai đợt thăng quân hàm Thượng tướng lần lượt vào tháng 7 và tháng 12. Điều này hoàn toàn khác với thông lệ trước đây, thăng quân hàm Thượng tướng một lần vào mùa hè mỗi năm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các quy luật dường như lại thay đổi một lần nữa. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăng quân hàm cho 9 vị Thượng tướng trong hai đợt vào tháng 7 và tháng 9. Hiện tại đã là cuối tháng 12, liệu ông Tập có tiếp tục thăng quân hàm Thượng tướng lần thứ ba như thông lệ của hai năm vừa qua?

Không chỉ số lần và thời gian thăng quân hàm Thượng tướng ngày càng không cố định, mà điều kiện thăng quân hàm dường như cũng đã được thay đổi âm thầm.

Trước đó, chỉ huy các chiến khu chính thường mang quân hàm Thượng tướng hoặc Trung tướng, và tỷ lệ được giới hạn nghiêm ngặt. Việc thăng cấp từ Trung tướng lên Thượng tướng thường phải thỏa mãn một số điều kiện như: trải qua 4 năm ở cấp Trung tướng hoặc chỉ huy chiến khu mới trong 2 năm…

Tuy nhiên, theo Đa chiều, quy định này cũng đã thay đổi kể từ cuộc “cải tổ quân đội” vào cuối năm 2015. Ví dụ, vào tháng 9/2021, Lâm Hướng Dương (sinh năm 1964) đã kế nhiệm Ất Hiểu Quang – người đã nghỉ hưu sớm – vào vị trí Tư lệnh Chiến khu miền Trung, đồng thời được thăng quân hàm Thượng tướng; trong khi chỉ mới một năm trước, ông đã nhận chức Phó Tư lệnh Chiến khu miền Đông và được thăng quân hàm Trung tướng.

Có thể nhận thấy, những người được thăng quân hàm Thượng tướng trong hai năm qua về cơ bản hoàn toàn không tuân theo thông lệ nói trên. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thay đổi phương thức thăng quân hàm phù hợp với chức vụ, điều chỉnh quân hàm ngay khi có sự điều chỉnh về chức vụ.

“Thay máu” quân đội theo hướng trẻ hóa

Theo trang Đa Chiều, mặc dù không có thông tin nào về việc thăng quân hàm Thượng tướng của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào mùa đông này, nhưng việc thay đổi hàng loạt vị trí tướng lĩnh quân đội sẽ là điều không thể tránh khỏi trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.

Điều đáng nói là trong những năm gần đây, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng theo đuổi xu thế trẻ hóa. Mặc dù vẫn còn rất nhiều Thượng tướng cao tuổi tại ngũ, nhưng các Thượng tướng mới được thăng quân hàm trong hai năm trở lại đây đã cho thấy xu thế trẻ hóa, hầu hết các Thượng tướng mới được phong quân hàm đều dưới 60 tuổi.

Làm một sự so sánh, cả năm 2019 có tổng cộng 17 người được thăng quân hàm Thượng tướng. Trong số đó chỉ có 2 người dưới 60 tuổi vào thời điểm đó là Tư lệnh Chiến khu miền Bắc Lý Kiều Minh (58 tuổi) và Viện trưởng Học viện Khoa học Quân sự Dương Học Quân (56 tuổi). Năm 2020 có 5 người được thăng quân hàm thượng tướng, và 3 trong số đó dưới 60 tuổi.

Năm 2021 có tổng cộng 9 tướng được thăng quân hàm Thượng tướng, tất cả đều dưới 60 tuổi. Người trẻ nhất là Tư lệnh Không quân Thường Đinh Cầu (54 tuổi) và người già nhất là Tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Cự Càn Sinh (59 tuổi).

Ngoài ra, trên thực tế, lần cuối cùng các tướng chỉ huy chiến khu (quân hàm Thượng tướng) có sự thay đổi là vào tháng 9/2021. 5 người bao gồm: nguyên Tư lệnh Chiến khu miền Trung Ất Hiểu Quang, nguyên Tư lệnh Chiến khu miền Tây Từ Khởi Linh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Trịnh Hòa, nguyên Tư lệnh Hải Quân Thẩm Kim Long và nguyên Tư lệnh Không quân Đinh Lai Hàng đều chưa đến tuổi nghỉ hưu.

Ngoại trừ Trịnh Hòa chuyển sang làm Chính ủy Đại học Quốc phòng và Từ Khởi Linh chuyển sang Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương, việc 3 người còn lại nghỉ hưu sớm cũng phản ánh xu thế trẻ hóa quân đội của Bắc Kinh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới