Trung Quốc đang tham vọng mở thêm căn cứ quân sự đầu tiên ở Đại Tây Dương. Nhưng điều quốc gia này lo sợ lại là việc đến thì dễ mà bị đuổi đi cũng có nguy cơ rất cao.
Quá nhiều lựa chọn cho Trung Quốc
Trung Quốc được cho là đang tìm cách xây dựng sự hiện diện quân sự ở Guinea Xích đạo, nơi sẽ là cơ sở quân sự thứ hai ở châu Phi và là cơ sở đầu tiên dọc theo Đại Tây Dương. Nhưng các lựa chọn của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở nước nhỏ, các nhà phân tích cho biết.
Kenya, Tanzania, Namibia, Angola và Seychelles là những ứng cử viên nặng ký, với mỗi nơi có những lý do khác nhau.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh sẽ lựa chọn phương án căn cứ quân sự một cách cẩn thận, đảm bảo rằng bất kỳ quốc gia sở tại nào cũng đủ ổn định về mặt chính trị để không phải khi đến thì được chào đón, còn khi chính quyền bị lật đổ thì bị “đuổi đi”.
“Không có gì để nghi ngờ, Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn trong việc tìm căn cứ”, Paul Nantulya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi cho biết.
“Chắc chắn Trung Quốc sẽ không công khai các cuộc thảo luận mà họ đang có với các nước châu Phi về các vấn đề có tính chất quân sự vì điều này có xu hướng gây tranh cãi”.
Nếu nhìn vào các mô hình hành vi hoạt động của Trung Quốc, sẽ có một số cân nhắc mà chính phủ nước này tính đến.
Đầu tiên, Trung Quốc có thể sẽ lựa chọn các đối tác đang có quan hệ chiến lược cấp cao nhất. Trong số năm cấp quan hệ đối tác, “quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện” là cấp cao nhất. Những nước phù hợp với danh mục đó là Ethiopia, Guinea, Kenya, Mozambique, Namibia, Tanzania và Zimbabwe.
Nhưng Zimbabwe khó đoán về mặt chính trị nên sẽ không được coi là một lựa chọn, chuyên gia Nantulya nhận định. “Ngay cả khi quan hệ đang bền chặt, bất cứ khi nào có dấu hiệu bất ổn, Trung Quốc đều tỏ ra rất thận trọng và rất bảo thủ”.
Bắc Kinh cũng sẽ ủng hộ các quốc gia có ảnh hưởng trong Liên minh châu Phi, có khả năng huy động sự ủng hộ cũng như giảm thiểu sự phản kháng đối với việc đặt căn cứ của Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal trích lời các quan chức Mỹ tháng này đưa tin, Bắc Kinh đang đặt mục tiêu thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực – một căn cứ tiềm năng để cung cấp vật tư và sửa chữa tàu hải quân – ở Guinea Xích đạo.
Theo WSJ, các cơ quan tình báo Mỹ đã theo dõi những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo một căn cứ tại đây kể từ khoảng năm 2019.
Viễn cảnh Quân Giải phóng Nhân dân giành được chỗ đứng dọc Đại Tây Dương, bên cạnh sự hiện diện ngày càng mở rộng ở Thái Bình Dương, đã khiến Washington phải tập trung cảnh báo khi căng thẳng hai nước tiếp tục âm ỉ.
Khả năng quân sự của Bắc Kinh ngày càng phát triển tinh vi và việc Mỹ chuyển trọng tâm quân sự sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể để lại những sơ hở cho Trung Quốc.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói với các nhà lãnh đạo Guinea Xích đạo rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định, “các bước đi tiềm năng nhất định liên quan đến Trung Quốc và các hoạt động của nước này ở đó sẽ gây lo ngại về an ninh quốc gia đối với chúng tôi”.
Kirby nói rằng Bắc Kinh “tiếp tục ép buộc nhiều quốc gia châu Phi và cố gắng đe dọa, sử dụng đòn bẩy kinh tế để tìm kiếm các mục tiêu an ninh quốc gia của riêng họ ở đó”.
Michael Tanchum, học giả cấp cao tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, viết rằng Guinea Xích đạo không đơn độc trong số các quốc gia Châu Phi mắc nợ Trung Quốc, lưu ý rằng các căn cứ hải quân khác của Trung Quốc có thể chưa xuất hiện trên bờ biển Đại Tây Dương của Châu Phi.
“Cho dù có xây dựng những cơ sở mới như vậy trong ngắn hạn hay không, thì việc củng cố kiến trúc an ninh toàn châu Phi của Bắc Kinh chắc chắn sẽ dẫn đến sự thiết lập của nước này trong dài hạn” .
“Trong những hoàn cảnh như vậy, lục địa châu Phi sẽ là tiền đề để Bắc Kinh phóng chiếu quyền lực trực tiếp tới Bắc Mỹ và châu Âu”, ông cho biết.
T.P