Từ năm 1983, Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk. Đây là loại tên lửa hành trình có tốc độ cận âm có thể tấn công các mục tiêu tầm trung và tầm xa, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Tomahawk được trang bị trên hầu hết các tàu chiến và tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ.
Tên lửa hành trình Tomahawk Block 1 có thể mang đầu đạn hạt nhân. Loại Block 2 có tầm bắn 2.500 km. Loại Block 3 có tầm bắn 1.700 km. Còn Block 4 được cải tiến từ năm 2006 có tầm bắn vượt quá 1.600 km. Tomahawk Block 5 ra mắt vào năm 2021 nâng cấp hệ thống ngắm bắn trong khi vươn tới mục tiêu. Block 5a có thể tấn công các mục tiêu di động trên biển. Block 5b có đầu đạn đa tác dụng, có thể tấn công các mục tiêu đa dạng trên đất liền. Theo kế hoạch, Tomahawk Block 4 sẽ được nâng cấp thành Tomahawk Block 5, các phiên bản còn lại sẽ không được tiếp tục sản xuất.
Vũ khí lợi hại
Nếu như ĐCSTQ phát động chiến tranh tại eo biển Đài Loan, hoặc dùng tên lửa để tấn công hạm đội hàng không mẫu hạm của quân Hoa Kỳ, hay tấn công căn cứ của quân đội Hoa Kỳ tại Nhật, thậm chí là căn cứ tại đảo Guam thì tên lửa hành trình Tomahawk sẽ là lựa chọn tốt nhất để quân đội Mỹ nhanh chóng thực hiện các đòn phản công.
Hạm đội 7 Thái Bình Dương chính là hạm đội tiền phương lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ. Hạm đội này ngoài tàu khu trục, tàu ngầm hộ tống hàng không mẫu hạm ra, còn thường xuyên được trang bị thêm từ 10 – 14 tàu tuần dương, từ 8 – 12 tàu ngầm. Những tàu này đều sẵn sàng chiến đấu ở Biển Hoa Đông, biển Philippines và Biển Đông. Sau khi nhận được mệnh lệnh và có được mục tiêu những tàu này có thể ngay lập tức phóng tên lửa hành trình Tomahawk để phản công.
Mục tiêu đầu tiên của tên lửa Tomahawk có lẽ là các căn cứ tên lửa ở gần bờ biển của Trung Quốc. Những căn cứ này được trang bị các loại tên lửa như Đông Phong 11, Đông Phong 15, Đông Phong 16 chủ yếu ngắm bắn vào các mục tiêu ở Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc còn có các căn cứ tên lửa tầm trung Đông Phong 21 và Đông Phong 17 đe dọa các đơn vị quân đội của Hoa Kỳ đóng quân tại Nhật. Nếu quân đội Hoa Kỳ phá hủy những căn cứ tên lửa này thì ĐCSTQ sẽ mất đi khả năng tấn công tầm xa chủ yếu. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp đỡ bảo vệ Đài Loan và loại bỏ các mối đe dọa có thể có đối với Hoa Kỳ.
Mục tiêu thứ hai của tên lửa Tomahawk có thể là các hệ thống quân sự khác của quân đội Trung Quốc, bao gồm hệ thống radar phòng không, hệ thống tên lửa chống hạm. Quân đội Mỹ nhắm vào các mục tiêu này là nhằm loại bỏ tất cả chướng ngại không chiến và không kích quy mô lớn của quân đội Trung Quốc. Bên cạnh đó, mục tiêu tấn công có thể còn bao gồm trung tâm chỉ huy quân sự và tâm trung liên lạc của quân đội Trung Quốc.
Một khi chiến tranh tại eo biển Đài Loan nổ ra, Hạm đội 3 của Hoa Kỳ sẽ chi viện từ phía Tây Thái Bình Dương với quy mô lớn. Tên lửa hành trình Tomahawk cũng có thể tấn công căn cứ hải quân, không quân của Trung Quốc cùng với các điểm tập kết ở ven biển của quân đội Trung Quốc trước khi tấn công Đài Loan.
Một khi quân đội Mỹ thực hiện đợt tấn công đầu tiên, họ có thể sẽ đồng loạt sử dụng hàng trăm tên lửa Tomahawk cùng lúc bắn vào các căn cứ quân sự gần bờ biển Trung Quốc. Các cuộc tấn công này sẽ được thực hiện bởi các tàu của hải quân Hoa Kỳ đậu tại những vị trí nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa chống hạm mà Trung Quốc phát triển. Còn các cuộc tấn công được tiến hành bởi tàu ngầm hải quân Hoa Kỳ lại càng khó đoán hơn, hệ thống phòng thủ tên lửa hạn chế của ĐCSTQ vốn dĩ không thể nào ứng phó.
Kinh nghiệm thực chiến phong phú
Trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, quân đội Hoa Kỳ đã phóng tổng cộng 288 tên lửa hành trình Tomahawk, trong đó 12 tên lửa phóng từ tàu ngầm và 276 tên lửa phóng từ tàu trên biển. Năm 1993, khi Iraq từ chối hợp tác với quan sát viên giải giáp vũ khí của Liên Hợp Quốc, quân đội Hoa Kỳ đã bắn 46 tên lửa hành trình Tomahawk vào các cơ sở sản xuất hạt nhân bên ngoài Baghdad. Cũng trong năm đó, quân đội Hoa Kỳ lại phóng 23 tên lửa hành trình Tomahawk vào trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Cơ quan Tình báo Iraq.
Năm 1995, quân đội Hoa Kỳ phóng 13 tên lửa hành trình Tomahawk tới một tháp tiếp sóng radio quốc phòng quan trọng ở lãnh thổ Bosnia. Năm 1996, quân đội Hoa Kỳ phóng 44 tên lửa hành trình Tomahawk từ các tàu trên biển và từ máy bay ném bom B-52 tới các mục tiêu phòng không ở miền nam Iraq.
Năm 1998, quân đội Hoa Kỳ đã phóng 325 tên lửa hành trình Tomahawk tới các mục tiêu chính của Iraq trong Chiến dịch Cáo Sa mạc. Năm 1999, tàu chiến Hoa Kỳ và tàu ngầm Anh phóng 218 tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu ở Cộng hòa Liên bang Nam Tư.
Năm 2001, quân đội Hoa Kỳ đã phóng khoảng 50 tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu ở Afghanistan trong Chiến dịch Tự do Bền vững. Năm 2003, quân đội Hoa Kỳ đã phóng 802 tên lửa hành trình Tomahawk tới mục tiêu chính trong Chiến tranh Iraq.
Năm 2011, lực lượng Hoa Kỳ và Anh tấn công Libya và đã phóng 124 tên lửa hành trình Tomahawk. Ngày 6 tháng 4 năm 2017, quân đội Hoa Kỳ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk tấn công các căn cứ không quân của Syria để trừng phạt việc Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Có thể thấy rằng, quân đội Hoa Kỳ có kinh nghiệm sử dụng Tomahawk trong nhiều năm và mỗi lần họ sử dụng loại tên lửa này đều đem lại cho họ những thắng lợi trên thực địa.
Tên lửa Tomahawk phát triển bền vững
Tên lửa hành trình Tomahawk sử dụng động cơ phản lực cánh quạt với tốc độ tối đa khoảng 890 km/h, bay ở độ cao cách mặt đất hoặc mặt nước biển từ 30 – 50 mét, có thể mang nhiều loại đầu đạn và có khả năng dẫn đường. Tên lửa hành trình Tomahawk cải tiến có thể thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn để truy tìm mục tiêu. Các nguồn mà Tomahawk có thể thu thập dữ liệu bao gồm máy bay, máy bay không người lái, vệ tinh, bộ binh, xe tăng và tàu, và Tomahawk lại còn có thể gửi dữ liệu từ cảm biến của nó tới các phương tiện này.
Lô tên lửa hành trình Tomahawk Block 4 ra mắt năm 2006 được bổ sung bộ điều khiển tấn công, có thể lên kế hoạch trước 15 mục tiêu thay thế, có thể thay đổi hoặc chuyển hướng tên lửa đang bay tới các mục tiêu mới. Tên lửa có thể bay vòng quanh chờ đợi trên không 2 giờ để tấn công mục tiêu quan trọng hơn. Nó còn được trang bị hệ thống chống nhiễu GPS cải tiến.
Ngày 2 tháng 8 năm 2019, Hoa Kỳ rút khỏi “Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung”. Đến ngày 18 tháng 8, quân đội Hoa Kỳ thử nghiệm tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản bắn từ mặt đất. Mặc dù tên lửa hành trình Tomahawk đã có gần 40 năm nhưng sau nhiều lần cải tiến và nâng cấp, hiệu suất của nó vẫn không ngừng tăng lên và giá thành thì không ngừng giảm xuống.
Hiện nay Tomahawk vẫn là vũ khí tấn công đối đất chính xác quan trọng của hải quân Hoa Kỳ. Vì những hạn chế của “Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung” nên quân đội Hoa Kỳ không thể sản xuất và triển khai tên lửa tầm trung trên mặt đất trong một thời gian dài. Việc Hải quân Hoa Kỳ được trang bị một lượng lớn tên lửa hành trình Tomahawk rõ ràng là đang bù đắp sự thiếu hụt tên lửa tầm trung trên mặt đất. Nó còn có tính cơ động, tính ẩn giấu và tính phòng hộ khá mạnh. Vì những lý do đó, Tên lửa hành trình Tomahawk của Hoa Kỳ chỉ xuất khẩu cho các nước đồng minh có quan hệ thân thiết nhất.
Khi căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng tăng cao, tên lửa hành trình Tomahawk đã được Hạm đội 7 Hoa Kỳ triển khai sẵn sàng ở Tây Thái Bình Dương. Bất cứ lúc nào Hoa Kỳ cũng có thể tấn công phủ đầu quân đội của ĐCSTQ. Bằng việc luôn duy trì được sức mạnh răn đe, chắc chắn quân đội Mỹ sẽ khiến quân đội Trung Quốc không dám tùy tiện hành động tại những điểm nóng.
T.P