Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnẤn Độ nỗ lực cải cách quốc phòng

Ấn Độ nỗ lực cải cách quốc phòng

Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký kết hợp đồng sản xuất 500.000 khẩu tiểu liên AK-203 tại Ấn Độ. Để đổi lại việc chuyển giao công nghệ sản xuất súng cho Ấn Độ, Nga sẽ nhận được 51,240 tỷ rupee.

Tên lửa Akash do Ấn Độ tự sản xuất.

Hợp đồng này được coi là một thắng lợi đối với quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ. Vì lẽ, từ nhiều năm nay “loay hoay” đi tìm giải pháp thay thế cho khẩu tiểu liên INSAS vốn đã lỗi thời.

Câu hỏi đặt ra lúc này là, liệu New Dehli có thể tiếp tục “nối dài” chuỗi thắng lợi, đồng thời giải quyết được những vấn đề căn bản trong việc đưa vũ khí, trang thiết bị quốc phòng hiện đại vào biên chế hay không?

Lạc vào mê cung

Ấn Độ nằm trong số những quốc gia chi “mạnh tay” nhất cho quân đội. Thực tế cho thấy, 15% tổng chi tiêu ngân sách hàng năm của chính phủ New Dehli được dành cho quân đội.

Họ là khách hàng lớn nhất của nhiều công ty sản xuất vũ khí trên thế giới từ Mỹ, Nga, Pháp, Israel, v.v…

Vậy nhưng lại có một sự thật trái ngược trên thực tế: trong khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ chi biết bao nhiêu tiền để nhập khẩu khí tài hiện đại, nhưng những người lính Ấn chiến đấu chống phiến quân ở Kashmir hay Tây Bengal lại chỉ được trang bị vũ khí đã lạc hậu từ thế kỷ trước.

Tham nhũng là một nguyên nhân quan trọng. Chỉ mới đây thôi, Đại tướng V.K. Singh, nguyên Tổng chỉ huy quân đội Ấn Độ, đã lên mặt báo phàn nàn về việc nhà sản xuất xe Tatra (Séc) đội giá xe tải bán cho Ấn Độ.

Và có một số quan chức trong Bộ Quốc phòng đã tiếp tay cho họ làm việc này.

Mặc dù sau đó vị tướng đã phải công khai rút lại tuyên bố của mình, nhưng ông cũng đã lại một lần nữa làm “dậy sóng” trong công chúng Ấn Độ.

Tham nhũng đang là vấn đề “nóng” trong mọi hoạt động của chính phủ, nhưng ít ai thật sự hiểu về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn tham nhũng trong quân đội.

Nhà báo điều tra Prathap Subbanna viết: “Sự thiếu minh bạch đã khiến việc mua sắm vũ khí trở thành “miếng mồi ngon” đối với các vị quan chức, tướng lĩnh. Lấy ví dụ câu chuyện Ấn Độ mua chiến đấu cơ Dassault Rafale của Pháp.

New Dehli mở gói thầu mua chiến đấu cơ mới từ năm 2010, nhưng phải đến tận 2015 mới nhập về nổi 5 trong số 36 chiếc Rafale đã mua.

Báo chí tìm hiểu mới biết rằng, trong quá trình mở thầu đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tham nhũng và dàn xếp nên toàn bộ quá trình mới kéo dài đến vậy.

Cứ một đời chính phủ mới lên lại mở cuộc điều tra mới, lại tìm ra các nghi phạm mới. Một việc hệ trọng như vậy báo chí có quyền được biết, nhưng Bộ Quốc phòng chưa bao giờ đưa ra nổi chỉ một thông cáo”.

Các chuyên gia có chung nhận định: tuy Bộ Quốc phòng Ấn Độ có quyền giữ bí mật trong việc mua sắm vũ khí, nhiều quan chức lại đang lạm dụng điều này để thu lợi bất chính.

Và khi báo chí hay các bộ ban ngành khác muốn điều tra tham nhũng, họ bị “ngáng đường” rất nhiều bởi sự thiếu minh bạch. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikkar khi lên nhận chức đã thề rằng, sẽ “làm sạch” bộ máy mua sắm vũ khí của nước này.

Đến lúc vị bộ trưởng mất vì bệnh ung thư tuyến tụy năm 2019, tức hai năm sau khi nhận chức, ông chưa đưa được cho dù chỉ một vụ án ra xử lý, kể cả những scandal báo chí đăng tải rộng rãi.

Tham nhũng là một chuyện. Nhưng bản thân các tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng nói riêng và chính phủ Ấn Độ nói chung cũng gây khó dễ cho họ.

Đến nay chính quyền Ấn Độ vẫn theo chế độ tổ chức bộ máy của người Anh cũ vốn mang tiếng là rườm rà và quan liêu. Quyền lực đều được đẩy hết lên trên, các cấp dưới muốn làm gì cũng phải đi ngửa tay xin chỉ đạo.

Chưa hết, bộ máy mỗi cơ quan lại có cách làm việc riêng, chẳng có sự thống nhất gì cả. Chẳng thế mà đại diện tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed-Martin đã than phiền:

“Lockheed từ trước đến nay đã xuất khẩu hơn 40 tỷ USD các loại vũ khí đến hơn 100 quốc gia trên thế giới, nhưng chẳng có đối tác nào gây nhiều khó dễ cho chúng tôi hơn chính phủ Ấn Độ.

Các chuyên gia đàm phán hàng đầu của chúng tôi mất gấp đôi thời gian chỉ để thương lượng thành công việc thay đổi một điều khoản của hợp đồng với Bộ Quốc phòng Ấn Độ.”

Chính sự “nhập nhòe” trong cách tổ chức và hoạt động bộ máy lại khiến tham nhũng nảy nở. Trích thông tin mà tờ The Hindustan nhận được từ vị nhà lãnh đạo quản lý giấu tên như sau: “9/10 thương vụ, hợp đồng mà Bộ Quốc phòng ký kết đều liên quan đến tham nhũng.

Nếu anh là “người ngoài” thì chỉ có cách “tạo dựng quan hệ” bằng tiền thì may ra mới thắng thầu được…

Tôi không ngạc nhiên trước việc các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi làm việc với Ấn Độ. Có những cá nhân trong chính phủ đã hình thành nên “nhóm lợi ích” với các công ty vũ khí trong nước.”

Nhóm lợi ích

Do gặp cản trở trong việc nhập khẩu vũ khí ngoại nên quân đội Ấn Độ thường xuyên quay sang các doanh nghiệp nội. Đây cũng là một phần trong chính sách “Made in India” của thủ tướng Narendra Modi. Ông khuyến khích các bộ ngành mua sắm sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ như một cách “kích cầu” ngành công nghiệp nội địa.

Vấn đề là sau nhiều năm thiếu sự đầu tư của chính phủ, ngành công nghiệp vũ khí Ấn Độ nổi danh một thời nay chẳng còn lại bao nhiêu.

Lực lượng công nhân có tay nghề của các xưởng quân khí quốc gia đang càng ngày già đi, trong khi máy móc rơi vào tình trạng hỏng hóc thường xuyên. Việc các công ty Ấn Độ sản xuất các mẫu vũ khí cũ đã khó, chứ chưa nói gì đến chuyện nghiên cứu phát triển vũ khí mới.

Lấy ví dụ mẫu trực thăng nhẹ Chetak. Loại trực thăng này do doanh nghiệp nhà nước Hindustan Aeronautics sản xuất dựa trên mẫu thiết kế mua từ tập đoàn Eurocopters của Pháp, nay là công ty con Airbus Helicopters trực thuộc Airbus.

Tuổi đời của trực thăng Chetak đã lên tới hơn 50 năm. Ngay cả Airbus Helicopters cũng đã ngừng sản xuất loại trực thăng này hơn 20 năm rồi.

Vậy nhưng quân đội Ấn Độ vẫn phải sử dụng trực thăng Chetak vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Kế hoạch nhập khẩu trực thăng nhẹ của họ đã kéo dài 16 năm nay mà vẫn chưa nhập về nổi một chiếc.

Một trường hợp khác liên quan đến lớp tàu ngầm Kalvari do Ấn Độ sản xuất. Đây là biến thể của lớp tàu ngầm Scorpène của Pháp.

Sau khi sản xuất thành chiếc tàu đầu tiên, hải quân Ấn Độ mới nhận ra những quả ngư lôi do họ tự chế tạo đã quá lỗi thời, không còn phù hợp với điều kiện thực chiến. Vậy nhưng đến nay tàu ngầm mới của Ấn Độ vẫn phải mang ngư lôi cũ.

Lý do vì kế hoạch mua mẫu ngư lôi Black Shark của công ty WASS (Ý) bị đổ bể do tập đoàn mẹ AugustaWestland có dính líu đến tham nhũng trong thương vụ bán trực thăng AW101 cho Ấn Độ.

Thế là hải quân Ấn Độ rơi vào thế bí: họ không thể đi ngược lại quyết định của chính phủ, nhưng cũng không thể cho tàu ngầm “nằm dài” ở bến chờ đến khi mua được ngư lôi mới.

Tướng V.K. Singh không phải vị lãnh đạo quân đội đầu tiên lên tiếng về việc vũ khí, trang thiết bị của các lực lượng vũ trang Ấn Độ không đủ đáp ứng nhu cầu của họ. Tuy nhiên nhiều đời chính phủ liên tiếp đã bỏ ngoài tai những lời phàn nàn này.

Vào hồi này năm ngoái, chính phủ New Dehli đã đưa ra quy hoạch đầu tư FDI mới trong đó quy định các dự án sản xuất vũ khí liên doanh nước ngoài có tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp hơn 49% sẽ nhận được ưu đãi từ chính phủ.

Tỷ lệ này là quá cao, quá rủi ro đối với các tập đoàn sản xuất nước ngoài, nhất là trong trường hợp họ để phía đối tác Ấn Độ làm quản lý dự án.

Nhà quan sát Saraju Getik nhận xét: “Việc chính phủ Ấn Độ ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước không nên được coi như hành động bảo vệ ngành công nghiệp vũ khí nội địa.

Đây nên được xem là việc các vị quan chức sử dụng chính sách bảo hộ thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi nhóm của mình. Họ là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản các lực lượng vũ trang Ấn Độ tiếp cận với trang thiết bị hiện đại từ nước ngoài”.

Đi tìm giải pháp

Giải quyết được vấn đề trang thiết bị cho quân đội Ấn Độ không phải việc làm trong ngày một ngày hai. Theo nhiều chuyên gia, trước tiên Chính phủ và Bộ Quốc phòng nên lập một hội đồng chuyên môn độc lập gồm các chuyên gia trong lẫn ngoài quân đội.

Hội đồng hoạt động độc lập này có nhiệm vụ tìm hiểu nhu cầu của quân đội và tổ chức việc mời thầu. Nếu làm được như vậy, New Dehli sẽ tháo gỡ được nhiều “nút thắt” về mặt giấy tờ, đồng thời giảm nhẹ bộ máy, tránh tình trạng “trung gian”, “cò mồi”.

Đồng thời chính phủ cũng nên xem xét việc tăng đầu tư vào các doanh nghiệp công sản xuất vũ khí. Nhưng những ngành công nghiệp khác đã chứng minh, lực lượng công nhân Ấn Độ có sức khỏe, trí tuệ, và độ nhạy bén để tiếp thu công nghệ nước ngoài.

Cái họ cần là có bên rót vốn cho việc đào tạo và mua sắm máy móc, trang thiết bị. Kể từ khi lên nhận chức đến nay, nội các của ông Modi thường xuyên cắt giảm ngân sách cho các công ty do nhà nước sở hữu.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ hiện đang “rệu rã”, đây là điều rất không nên. Đã đến lúc New Dehli thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót của mình và chịu thay đổi chính sách để cải thiện tình hình, nếu không tiềm lực quốc phòng của họ sẽ nhanh chóng thua kém các nước trong khu vực.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới