Sau thương vụ đấu giá đình đám tại Thủ Thiêm khi chấp nhận chi 1 tỷ USD để trả cho lô đất 10.060m2, không ít người đặt dấu hỏi về nguồn tiền “khổng lồ” của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ông chủ Tân Hoàng Minh, Đỗ Anh Dũng, dồn dập “bơm” tiền cho những dự án tỷ USD
Sau thương vụ đấu giá đình đám tại Thủ Thiêm khi chấp nhận chi 1 tỷ USD để trả cho lô đất 10.060m2, tương đương đương 2,44 tỷ đồng/m2, khiến giới đầu tư bất động sản “choáng váng”, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh tiếp tục khiến dư luận “không thể không nhắc” đến khi chuẩn bị khởi công một tổ hợp bất động sản du lịch khủng tại Phú Quốc, với tổng vốn đầu tư cũng tương đương với số tiền doanh nghiệp bỏ ra để mua đất Thủ Thiêm.
Cụ thể, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang chuẩn bị khởi công Siêu dự án phức hợp du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí tại Nam Phú Quốc dự kiến vào ngày 29/12/2021.
Tổ hợp quần thể du lịch Tân Hoàng Minh được xây dựng trên quy mô trên 34ha với vị trí hiếm có khi nằm tại Bãi Trường – bãi biển đẹp nhất Đảo Ngọc. Sở hữu không gian kiến trúc đặc biệt, đầy đủ các dịch vụ đẳng cấp 5 sao với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 24.000 tỷ đồng.
Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, với một dự án có quy mô lớn, mức độ đầu tư công phu thì thời gian thực hiện “thần tốc” chính là lời khẳng định cho tiềm lực mạnh mẽ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đồng thời như một lời tri ân của Chủ đầu tư dành cho các trái chủ đã tham gia đồng hành cùng đóng góp một phần tài chính thông qua việc sở hữu trái phiếu huy động để đầu tư phát triển dự án.
Ai mua gần 5.000 tỷ đồng Trái phiếu của Tân Hoàng Minh?
Được biết, tính từ đầu năm đến nay, nhóm Tân Hoàng Minh đã liên tiếp huy động hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu cho một dự án có tên là Khu du lịch Phức hợp Hoàng Hải cũng tại Phú Quốc.
Mới đây nhất, CTCP Cung Điện Mùa Đông – thành viên của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) vừa phát hành hai lô trái phiếu có tổng giá trị 450 tỷ đồng vào ngày 22/11 vừa qua. Số trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng và lãi suất cố định 11,5% mỗi năm.
Tài sản đảm bảo bằng quyền sử dụng đất của Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc theo Giấy chứng nhận số CT570006, thửa đất số 1783 tờ bản đồ số 57 tại dự án Khu du lịch Phức hợp Hoàng Hải.
Bên mua lại Trái phiếu là một nhà đầu tư trong nước. Tổ chức bảo lãnh trái phiếu là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Trước đó, một đơn vị khác là CTCP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil cũng huy động thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng vào đầu tháng 11, bên mua bao gồm 2 Nhà đầu tư tổ chức trong nước (trong đó có 1 tổ chức tín dụng); lô trái phiếu 450 tỷ đồng vào tháng 8, bên mua bao gồm 2 Nhà đầu tư tổ chức trong nước (trong đó có 1 tổ chức tín dụng); và 800 tỷ đồng vào tháng 7, bên mua lại Trái phiếu là một nhà đầu tư trong nước.
Tổng giá trị 3 lô này lên đến 1.750 tỷ đồng với lãi suất dao động 11,5-11,75%/năm. Các lô trái phiếu này được đảm bảo bằng chính quyền sở hữu đất và tài sản hình thành trên đất của một số lô thuộc dự án Khu du lịch Phức hợp Hoàng Hải, quyền tài sản phát sinh từ phần xây dựng hình thành trong tương lai.
Mục đích đều là để hợp tác kinh doanh tại dự án Khu du lịch Phức hợp Hoàng Hải. Bên bảo lãnh thanh toán vẫn là Tân Hoàng Minh Group.
Ngoài ra, chỉ trong quý 2/2021, một đơn vị khác trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh là công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt cũng huy động thành công các lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng, tuy nhiên mục đích huy động vốn khác với 2 đơn vị trên.
Giá trị đợt 1 là 800 tỷ đồng, kỳ hạn 48 tháng, lãi suất 12% cho 4 kỳ thanh toán đầu tiên sau đó thả nổi. Số tiền huy động sẽ được Ngôi sao Việt dùng để mua hơn 3 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến (tương ứng 51% vốn điều lệ) nhằm thực hiện Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình công cộng, Dịch vụ Thương mại và Nhà ở thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội.
Giá trị đợt 2 là 1.900 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 11,5%. Mục đích phát hành là góp vốn hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh (tương đương 47% tổng mức đầu tư) dự án đầu tư 2 tòa văn phòng và hỗn hợp tại lô I-A và II-III thuộc dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Nam Đại Cồ Việt làm chủ đầu tư.
Như vậy, chỉ trong vòng năm nay, các đơn vị thuộc Tân Hoàng Minh đã tăng nợ thêm tối thiểu gần 5.000 tỷ đồng. Và như đã đề cập ở bài “Mô típ” kinh doanh kỳ lạ tại nhiều công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh” hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu những doanh nghiệp này đều cao ngất ngưởng, đi kèm kết quả kinh doanh không thực sự khả quan.
Bức tranh kinh doanh của Tân Hoàng Minh
Trong khi đó, đơn vị bảo lãnh thanh toán cho một số lô Trái phiếu phát hành là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh Group), giai đoạn 5 năm gần đây mức lợi đưa về chưa tương xứng với quy mô về vốn và tài sản của doanh nghiệp.
Tân Hoàng Minh Group có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT đang sở hữu 51,48%, tương ứng số tiền 5.148 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020 tổng tài sản của Tân Hoàng Minh đang là 20.051 tỷ đồng.
Dù sở hữu vốn điều lệ khủng vs tổng tài sản khổng lồ. Tuy nhiên trong giai đoạn 2016 – 2020, Tân Hoàng Minh đem về gần 4.200 tỷ đồng, song thua lỗ hơn 1.800 tỷ đồng.
Cụ thể, các năm 2016, 2017 và 2020 Tân Hoàng Minh lần lượt lỗ -16,35 tỷ đồng, -531 tỷ đồng và -2.480 tỷ đồng. 2 năm còn lại 2018 và 2019 số lãi mang về cũng chỉ đạt 103,6 tỷ đồng và 22,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, về doanh thu, năm đạt đỉnh nhất về doanh thu của Tân Hoàng Minh là năm 2018 với 2.080 tỷ đồng, trước khi giảm sâu về hơn 190 tỷ đồng trong năm 2020.
Chưa kể, tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả Tân Hoàng Minh lên đến 13.119 tỷ đồng.
Như vậy, cả đơn vị phát hành trái phiếu cũng như đơn vị bảo lãnh thanh toán của Tân Hoàng Minh đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan khi có nhiều năm thua lỗ.
Lưu ý rằng, hồi đầu tháng 12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…
Yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
T.P