Kiện ở đây, là kiện Trung Quốc về hành vi ngang ngược đòi gần hết Biển Đông. Và hô hào Asean cũng không có nghĩa hy vọng lôi kéo tất cả các nước trong hiệp hội, mà chỉ nhằm vào nhóm 5 quốc gia liên quan trực tiếp vấn đề này.
Tranh chấp trực tiếp chủ quyền Biển Đông gồm 5 nước, 6 bên. 5 nước gồm: Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei, Trung Quốc. Còn 6 bên, là tính thêm Đài Loan – vùng lãnh thổ hiện đang kiểm soát đảo Ba Bình – đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Căn cứ diễn biến thực tế thời điểm này, nhiều người cho rằng, cần thêm đảo quốc Indonesia thành bên thứ 7, vì “quốc gia vạn đảo”, trong vài năm nay, bị Trung Quốc dòm ngó, đe dọa, quấy nhiễu hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực biển Bắc quần quần đảo Natuna – nơi mà Jakarta tự tin khẳng định “không cần tranh cãi” với bất kỳ ai về vấn đề chủ quyền. Đầu năm 2021, Trung Quốc còn ngang ngược gửi thư đòi Indonesia không tiến hành các cuộc khảo sát dầu khí trong EEZ của Indonesia ở Biển Bắc Natuna, với lý do khu vực Indonesia khảo sát là vùng lãnh hải của Trung Quốc (!).
Liên quan câu chuyện kiện tụng Trung Quốc, nhiều người từng nghĩ, tiếp theo Philippines, Việt Nam là nước cần đưa ông bạn láng giềng Trung Quốc ra tòa quốc tế nhất, vì không ai khác, chính Việt Nam là nạn nhân khốn khổ nhất của Trung Quốc từ hơn 20 năm nay, chưa kể trước đó, quốc gia này từng bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 và đá Gạc Ma năm 1988, sau một trận hải chiến đẫm máu.
Nhưng, Việt Nam có bài tính của Việt Nam.
Không ai nghi ngờ, khi Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài (PCA) năm 2013, Hà Nội cũng âm thâm chuẩn bị hồ sơ pháp lý để làm điều tương tự Manila đã làm. Ông Nguyễn Tấn Dũng, khi còn là Thủ tướng Việt Nam, đã không hề giấu ý định đó, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không chừng, hồ sơ của Hà Nội còn cao, dày hơn hồ sơ từng giúp Manila thắng Bắc Kinh trong vụ kiện đình đám kể trên.
Tuy nhiên, một khi thắng lợi của Philippines cũng có thể coi là thắng lợi của Việt Nam (cũng như các bên còn lại), liệu có cần một vụ kiện của Việt Nam, cũng chỉ để đạt mục tiêu một tòa án quốc tế phủ định yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “đường 9 đoạn” tham lam, ngang ngược? Thế nên, một mặt để ngỏ khả năng sử dụng công cụ pháp lý, mặt khác, Hà Nội đã chủ động “hãm lại” một vụ kiện không còn thiết thực với mình – một quyết định được giới chuyên gia đánh giá là “vừa khôn, vừa khéo”!
Nhưng một vụ kiện do mấy nước, tạm xếp là “một bên”, lại mang ý nghĩa khác và đặc biệt.
Khác bởi, 4 năm sau phán quyết của PCA, Trung Quốc, dù luôn ngoác miệng tuyên bố những là: Không tìm kiếm bá quyền; không bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn của mình; không tìm cách đảo ngược hệ thống quốc tế hiện có…, thì cách hành xử lại cho thấy, chính Trung Quốc đang theo đuổi chủ nghĩa bá quyền quyết liệt nhất, và cũng chính Trung Quốc, là “kẻ bắt nạt” các nước láng giềng trên Biển Đông do các nước này phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” được ví như cái “lưỡi bò” nhơ bẩn. Ngoài việc gia tăng sức mạnh quân sự, liên tục tổ chức tập trận với các khí tài tối tân nhất, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 2/2021, còn cho phép lực lượng hải cảnh “có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí, để chặn đứng hành vi xâm phạm và loại trừ mối nguy”, trong “vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc”. Ngoan ngoãn mà căn theo quy định đó, tàu bè mọi nước, bất kể to hay nhỏ, gần như chỉ còn biết gác mái mà “bơi trên cạn”. Bình luận về cái quy định ngang ngược, kỳ quái này, dư luận thậm chí còn cho rằng: “Nó (Luật Hải cảnh Trung Quốc) đưa thế giới trở lại thời kỳ hỗn loạn trước khi Hiến chương Liên hiệp quốc ra đời năm 1945!”
Khu rừng hoang dã, con thú to, khỏe nhất, ác nhất sẽ có quyền biến những con nhỏ hơn thành mồi. Một vùng biển hỗn loạn, không luật lệ như Trung Quốc mong muốn và đang ra sức áp đặt tại Biển Đông – “con mồi” để “con thú Trung Quốc” nhấm nháp chính là các nước nhỏ, như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia.
Thế nên, sau nửa thập kỷ phán quyết của PCA về một vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông, gần như chẳng hề làm Trung Quốc bớt hung hăng hơn, một vụ kiện tiếp theo lên một tòa án quốc tế chiểu theo Unclos 1982, do Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia cùng đứng tên, với khả năng thắng lợi rất cao, biết đâu có thể mang lại những giá trị, ý nghĩa bất ngờ?
Đ.T