Friday, November 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐi về đâu Afghanistan?

Đi về đâu Afghanistan?

Năm 2021, một sự kiện chấn động thế giới: Vào ngày 15/8/2021, Taliban đã lật đổ chính phủ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani, Lực lượng khủng bố đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, trong khi quân đội Afghanistan gần như tê liệt.

Người tị nạn Afghanistan tập trung tại cửa khẩu Chaman, Pakistan, sau khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia
Tây Nam Á, ngày 24/08/2021.

Trong nửa năm qua Afghanistan rơi vào cảnh hỗn loạn và đói nghèo. Hàng triệu người dân phải sống dưới mức nghèo khổ, bệnh tật đe dọa. Đáng lo ngại rằng, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn vào năm 2022 và những năm sau nếu như Afghanistan không nhận được sự viện trợ từ cộng đồng quốc tế.

Hai chữ “nếu như” có vẻ như sẽ trở thành sự thật, bởi lúc này đây nền kinh tế của đất nước bị tàn phá nặng nề, lâm vào cuộc khủng hoảng đói nghèo. Thảm cảnh nhiều người dân Afghanistan rơi vào cảnh chết đói xảy ra ở khắp nơi. Khó khăn là rất lớn, tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không mặn mà trong việc ủng hộ Taliban bằng hình thức hỗ trợ tài chính.

Người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế chưa quên, khi Taliban kéo cao lá cờ của lực lượng này trên dinh tổng thống ở thủ đô Kabul, họ đã cam kết sẽ mở ra một thời kỳ độc lập và mang lại ấm no cho ngừoi dân một đất nước vốn đã chịu quá nhiều đau khổ kéo dài.

Nhưng đó chỉ là lời tuyên bố. Taliban hoàn toàn không có thực lực. Bốn tháng sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan, lực lượng này liên tục yêu cầu Washington hỗ trợ. Hiện tại, khoảng 50% số dân đất nước cần viện trợ để duy trì cuộc sống.

Không chỉ rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền, tình hình kinh tế ở quốc gia Nam Á này càng trở nên tồi tệ khi khắp nơi hạn hán khiến người dân mất tới gần một nửa sản lượng thu hoạch lương thực trong năm 2021. Nông dân đã phải bán mọi thứ có thể, kể cả bán con cái vì không còn lựa chọn nào khác, để lấy tiền giữ mạng sống.

Thật buồn cho một đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài và sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài. Đồng tiền của Afghanistan hoàn toàn mất giá. Sự thay đổi chế độ khiến cho khó khăn càng chồng chất.

Đầu tháng 12/2021, Ngân hàng Thế giới thông báo các nhà tài trợ quốc tế đã nhất trí giải ngân 280 triệu USD trong gói viện trợ cho Afghanistan. Khoản tiền này nhằm cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân vào thời điểm vô cùng khó khăn. Số tiền được trích từ Quỹ Ủy thác tái thiết Afghanistan (ARTF), trong đó 100 triệu USD sẽ được chuyển cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và 180 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới.

Kể từ khi Taliban nắm quyền là khoảng thời gian tồi tệ đối với người dân Afghanistan, nhất là phụ nữ về nhân quyền. Người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, đã mất các quyền cơ bản của họ. Taliban liên tục đưa ra những quy định hà khắc, như yêu cầu phụ nữ Hồi giáo tại các đại học tư phải trùm loại trang phục vải (niqab) che gần hết khuôn mặt. Taliban còn ban hành một “hướng dẫn tôn giáo mới”, kêu gọi các kênh truyền hình Afghanistan ngừng chiếu những bộ phim truyền hình và vở kịch có diễn viên nữ. Thậm chí còn cấm phụ nữ di chuyển trên quãng đường xa bằng các phương tiện giao thông, trừ khi có người thân là nam giới đồng hành.

Năm 2022 đã tới. Afghanistan rất cần sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Vẫn biết Taliban khó có thể thay đổi phương thức cai trị hà khắc của họ, nhưng cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ trước điều kiện sống của người dân nơi đây khi mà nó đã rơi xuống tận đáy. Điều quan trọng cần làm vào đầu năm tới là phải gây áp lực lên lực lượng Taliban. Bởi cộng đồng quốc tế dường như không muốn công nhận chế độ của chính quyền Taliban.

Hiện nay các cam kết viện trợ cho mục đích nhân đạo trị giá hàng tỷ USD từ EU, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tiếp tục được phân bổ thông qua các tổ chức quốc tế tại thực địa để hỗ trợ trực tiếp cho người dân Afghanistan, mà không chuyển qua chính quyền Taliban. Với tầm nhìn xa, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết cung cấp 1 tỷ USD viện trợ và hỗ trợ cho Afganistan trong 20 năm tới.

Tương tự, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Tokyo sẽ cung cấp tổng cộng 200 triệu USD, bao gồm 65 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế. Ông nhấn mạnh việc thiết lập an ninh, ổn định ở Afghanistan là vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất thành lập một nhóm công tác về Afghanistan trong khuôn khổ G20, đồng thời cảnh báo áp lực nhập cư mà Ankara phải gánh chịu cũng sẽ tác động trực tiếp đến các nước châu Âu.

Các nước như Nga, Pakistan, Iran, Ấn Độ – những thành viên quan trọng hàng đầu trong G20 – coi “vấn đề Afghanistan” là vấn đề quốc tế lớn cần hợp sức giải quyết.
Trong các vấn đề quốc tế, Trung Quốc có vẻ như khó ăn khó nói về hậu quả khi Taliban chiếm được vị trí điều hành đất nước. Điều này dễ hiểu là bởi, Afghanistan chiếm một vị trí địa lý quan trọng trên những “con đường tơ lụa mới” mà Bắc Kinh đang xây dựng, đặc biệt là Hành Lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Kế đến là một thị trường khổng lồ tái thiết Afghanistan mà một “đại gia” trong lãnh vực xây dựng như Trung Quốc rất quan tâm.

Tiếp theo là vấn đề an ninh cũng rất nhạy cảm. Khủng bố Hồi Giáo xuất phát từ thực tế đàn áp Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trước khi xảy ra chiến sự ở Afghanistan, Trung Quốc đã trải thảm đỏ đón một phái đoàn cấp cao của Taliban do chính ông Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu Bộ Chính trị Taliban, dẫn đầu.

Một quốc gia sức cùng lực kiệt khó có thể gượng đứng dậy ngay được. Vai trò của cộng đồng quốc tế, nhất là các cường quốc trong khu vực là rất quan trọng. Tất cả các quốc gia có trách nhiệm đều phải cùng nhau nỗ lực mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan, không một quốc gia nào có quyền vì lợi ích riêng mà đứng ngoài làm “quan sát viên”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới