Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐường vành đai đắt nhất Việt Nam ở TP.HCM, 1.000 tỷ/km-vì sao...

Đường vành đai đắt nhất Việt Nam ở TP.HCM, 1.000 tỷ/km-vì sao giá ‘cắt cổ’?

Cho rằng bình quân 1.000 tỷ đồng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) mỗi km đường Vành đai 3 TP.HCM là quá cao, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tính toán lại tổng mức đầu tư.

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có quy mô 8 làn xe cao tốc.

Sáng 29/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu đoàn công tác của các bộ, ngành làm việc với một số địa phương về công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 3, vành đai 4 của TP.HCM.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, dự án Vành đai 3 dài 98 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 – Bến Lức.

Được Thủ tướng phê duyệt cách đây hơn 10 năm nhưng hiện chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (thuộc tỉnh Bỉnh Dương) dài hơn 15 km hoàn thành. Dự án 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng (bằng vốn ODA), dự kiến khởi công quý 1/2022.

Ngoài dự án 1A, những phần còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 hiện được nghiên cứu đầu tư giai đoạn một với tổng vốn hơn 83.000 ỷ đồng.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị về dự án, Phó Thủ tướng chỉ rõ nhiều vấn đề còn tồn tại đối với 2 dự án này, đặc biệt là khâu tính toán chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng.

Với khoảng 83.000 tỷ tổng mức đầu tư cho khoảng 80 km đường, thì dự án đường vành đai 3 của TPHCM có mức đầu tư cho 1 km đường cao hơn nhiều so với các tuyến cao tốc trên cả nước. Cụ thể, chí phí xây dựng mỗi km đường cao tốc Bắc – Nam là khoảng 140 tỷ đồng.

“Như vậy bình quân 1.000 tỷ/km đường vành đai là quá cao. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng tính riêng 15 km đường tại Bình Dương là 22.000 tỷ, tại Long An 6,8km là 5.000 tỷ.

Nếu không tính toán cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến việc dự trù, và chủ trương”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, địa bàn có khoảng 15 km đường thuộc dự án vành đai 3 của TPHCM đi qua, đã giải phóng mặt bằng một phần. Hiện tại, đơn giá chi cho giải phóng mặt bằng là khoảng 25 triệu/m2 theo tính toán của các đơn vị đề xuất.

Nguyên nhân dẫn đến giá thành trên là bởi đoạn đường này đi qua thành phố, có nhiều khu dân cư, đất nông nghiệp, đất xen kẽ. Do vậy, tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng cho đoạn đường này là 22.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, trong công tác quy hoạch tuyến vành đai 3, các đơn vị cần hạn chế để tuyến đường đi qua đất ở, đất dân cư. Mặt khác, nếu tuyến đường đi qua đất nông nghiệp thì giá giải phóng mặt bằng nói trên phải xem xét lại.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ rõ, chi phí xây dựng đối với đoạn vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương cũng cần tính toán thêm. Cụ thể, với 5.600 tỷ đồng, bình quân, một km đường vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương cần gần 400 tỷ đồng chi phí xây dựng.

Phân tích cụ thể thêm về chi phí đầu tư của dự án vành đai 3 TP.HCM, Phó Thủ tướng dẫn chứng, một số tuyến cao tốc khác trên cả nước có địa hình phức tạp hơn, thi công có phần khó hơn nhưng chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng thấp hơn đáng kể.

Về hình thức thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương cần rà soát kỹ, đoạn nào làm hình thức PPP được thì đề xuất, đoạn nào phải thực hiện bằng 100% ngân sách thì lên kế hoạch.

Ông đề nghị mời tư vấn để xem xét tổng mức đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng… để có phương án kỹ lưỡng.

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo đến tháng 2-2022 phải trình phương án để hoàn tất thủ tục, đến khoảng tháng 4 trình Quốc hội xem xét.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới