Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGiới siêu giàu TQ lo sợ vì chủ trương thịnh vượng chung

Giới siêu giàu TQ lo sợ vì chủ trương thịnh vượng chung

Sau khi giành quyền lãnh đạo đất nước, Đảng cộng sản Trung Quốc chủ trương xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Liên Xô. Nhưng Trung Quốc lại sáng tạo kiểu quá tả. Trong thời kỳ “đại nhảy vọt” Mao bắt đồng loạt xây dựng mô hình công xã ở nông thôn với cách thức mô hình làm chung, ăn chung. Chính sách này đã làm cho hàng triệu nông dân chết đói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Đến những năm 60 của thế kỷ XX, Mao lại phát động cuộc “cách mạng văn hóa”, hạ bệ hàng loạt cán bộ cấp cao có tinh thần cách mạng nhưng chống lại chính sách kinh tế của Mao, và tiêu diệt đội ngũ trí thức. Xã hội Trung Quốc tiếp tục rơi vào thảm họa của sự nghèo đói, nền kinh tế tụt hậu rất xa so với các nước phát triển.

Trước thực trạng đó, khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện cải cách mở cửa với khẩu hiệu “mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột” nhằm phát động toàn dân làm kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường. Đồng thời Đặng Tiểu Bình cho rằng trong cái chung đó cần ưu tiên “một số người làm giàu trước” để phát triển nền kinh tế sau đó mới tính đến mục tiêu “thịnh vượng chung” mà Mao đã từng mơ ước trong thời kỳ đại nhảy vọt.

Trong cơn lốc kinh tế đó, lãnh đạo chính quyền các cấp bất chấp các nguyên tắc tạo mọi điều kiện để các cá nhân có thể làm giàu nhanh chóng. Còn những người có khát vọng làm giàu đã tận dụng cơ hội này để sẵn sàng mua chuộc, hối lộ lãnh đạo để có được những đặc ân để đầu tư từ đất đai, khai khoáng đến việc làm hàng nhái, hàng giả.

Chỉ trong vòng ba thập niên kinh tế Trung Quốc phát triển trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vượt qua Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ. Trung Quốc đã có 81 tỷ phú trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới. Theo nghiên cứu của ngân hàng Credit Suisse, giới siêu giàu hiện chiếm 1% dân số Trung Quốc nhưng sở hữu tới 31% là tài sản của cả nước.

Trong khi giới siêu giàu và quan chức tham nhũng có cuộc sống rất xa hoa thì hơn 600 triệu người, tương đương gần nửa số dân Trung Quốc, hiện sống với mức thu nhập hàng năm chỉ có 12.000 nhân dân tệ (tương đương 1858 USD) hoặc ít hơn. Nhiều gia đình ở Bắc Kinh đang phải ở trong diện tích 10m2 nhà đi thuê với mức thuê hơn nửa thu nhập.

Tập Cận Bình lên cầm quyền đã quay lại “thịnh vượng chung” mà Mao thời Mao chưa thể thực hiện được. Đầu tiên, Tập đề ra chiến lược “đả hổ diệt ruồi” nhằm vào các quan chức tham nhũng. Hàng loạt quan chức bị tịch thu tài sản, bị hạ bệ, bị đi tù. Tiếp theo Tập “ra đòn mạnh”, đánh vào giới siêu giàu buộc họ chia của. Tập tuyên bố, hiện giờ là thời điểm thúc đẩy mục tiêu “thịnh vượng chung”.

Tập cho rằng sở dĩ họ siêu giàu vì họ được chính sách mở cửa tạo điều kiện. Trong cuộc họp ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương hồi tháng 8 năm 2021 ông Tập Cận Bình yêu cầu cần phải “tăng cường quy phạm và điều tiết thu nhập cao, bảo vệ thu nhập hợp pháp theo pháp luật, điều tiết hợp lý thu nhập cao quá mức, khuyến khích nhóm thu nhập cao và doanh nghiệp đền đáp cho xã hội nhiều hơn”. Giới siêu giàu Trung Quốc đang bắt đầu phải đối mặt với các chính sách thuế, phí mới, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải chịu án phạt lên đến hàng tỷ USD.

Tỷ phú Jack Ma gần như biến mất sau khi các doanh nghiệp của tỷ phú này rơi vào “tầm ngắm”

Giới siêu giàu Trung Quốc ngay từ trước đã lo ngại những chính sách không nhất quán của Trung Quốc đã chuyển dần tài sản ra nước ngoài, nay càng có nhiều người làm như vậy và tìm cách có thẻ xanh hoặc quốc tịch của nước khác.

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về chính sách của ông Tập. Có người cho rằng làm như vậy là đảm bảo công bằng xã hội, cũng có người cho rằng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phát triển chậm lại vì chủ trương “thịnh vượng chung”.

H.B

RELATED ARTICLES

Tin mới