Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnVì sao Nga chọn thời điểm hiện tại để ra “tối hậu...

Vì sao Nga chọn thời điểm hiện tại để ra “tối hậu thư” với Mỹ và NATO?

Những yêu cầu của Nga với phương Tây không phải là mới, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao điện Kremlin cho rằng thời điểm hiện tại là phù hợp để giải quyết những mối lo ngại của mình?

Tổng thống Nga Putin.

Giữa bối cảnh khoảng 100.000 binh lính Nga tập hợp gần biên giới với Ukraine, các quan chức cấp cao Mỹ và châu Âu sẽ gặp những người đồng cấp Nga trong một loạt cuộc họp vào tuần tới với nỗ lực ngăn chặn một cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong các đề xuất dự thảo gửi tới các quan chức Mỹ và được đăng tải trực tuyến vào năm ngoái, điện Kremlin đã yêu cầu một loạt biện pháp đảm bảo an ninh từ châu Âu và NATO, bao gồm: không mở rộng liên minh về phía đông và đảm bảo sẽ không triển khai binh lính hoặc vũ khí tới những quốc gia gia nhập liên minh này sau năm 1997. Nga cũng yêu cầu hạn chế triển khai các hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, cũng như chia sẻ thông tin nhiều hơn về các cuộc tập trận quân sự cùng một số điều khoản khác.

Những yêu cầu này từ phía Nga không phải là mới. Từ lâu Moscow đã phản đối việc Ukraine có quan hệ sâu sắc với phương Tây và sự mở rộng của NATO sang những khu vực thuộc tầm ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu. Tuy nhiên, điểm mới ở đây là điện Kremlin cảm thấy ngày càng cảm thấy cấp bách trong việc hối thúc phương Tây đáp ứng những yêu cầu trên. Câu hỏi đặt ra là tại sao động thái đó lại diễn ra vào thời điểm này?

Các chuyên gia đã đưa ra một loạt lý do, có những lý do liên quan đến những sự kiện từ hàng thập kỷ trước và có những lý do liên quan đến những diễn biến gần đây để giải thích cho việc tại sao điện Kremlin cho rằng thời điểm hiện tại là phù hợp để giải quyết những mối lo ngại về sự cân bằng quyền lực ở châu Âu cũng như việc Ukraine ngày càng tăng cường hợp tác với phương Tây.

“Chúng ta phải nhìn nhận cuộc khủng hoảng này dựa trên mối liên hệ với Ukraine và an ninh châu Âu. Có rất nhiều nguyên nhân chồng chéo giữa những nhân tố này”, Olga Oliker, giám đốc chương trình nghiên cứu châu Âu và Trung Á thuộc Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế nhận định.

“5 làn sóng” mở rộng NATO

Theo các nhà quan sát, những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ sau khi Liên Xô sụp đổ và việc một số nước Đông Âu gia nhập NATO. Trong bài phát biểu vào cuối tháng 12/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây đưa ra những cam kết không chính xác trong ý định mở rộng về phía đông.

“Chúng tôi đã bị lừa dối trong 5 làn sóng mở rộng về phía đông của NATO. Chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai – họ mới là bên đe dọa chúng tôi”, nhà lãnh đạo Nga nhận định.

“Không để Ukraine đi xa hơn”

Năm 2008, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Bucharest, Romania, những cam kết đã được đưa ra, rằng một ngày nào đó, Ukraine và Gruzia sẽ gia nhập NATO. Trong khi việc này vẫn là một triển vọng xa vời với cả hai quốc gia trên thì điều đó đã dẫn đến những cảnh báo mạnh mẽ từ phía Nga.

“Nga coi đây là một mối đe dọa an ninh với họ”, nhà quan sát Oliker đánh giá.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2019, việc Tổng thống Volodymyr Zelensky – người khẳng định trong chiến dịch tranh cử là sẽ giải quyết xung đột, đã khiến điện Kremlin dấy lên hy vọng rằng, nhà lãnh đạo này sẵn sàng đưa ra nhượng bộ. Tuy nhiên, bất chấp một vài nỗ lực ban đầu nhằm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, thái độ của ông Zelensky với Nga chỉ ngày càng cứng rắn hơn kể từ khi ông nhậm chức. Ukraine đã tăng cường hợp tác quốc phòng với các thành viên NATO, trong đó có Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tổng thống Putin đã nhìn thấy xu hướng này ở Ukraine và nhận ra rằng mọi thứ không diễn ra như ông ấy mong đợi”, Andrea Kendall-Taylor, giám đốc Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ mới đánh giá.

“Nga đã tính toán rằng nếu cần can thiệp để củng cố ảnh hưởng thì tốt hơn hết là điện Kremlin nên hành động ngay bây giờ, trước khi Ukraine có thể đi xa hơn”.

Nếu như lực lượng vũ trang Ukraine đã trải qua một loạt những đợt cải cách từ năm 2014 thì quân đội Nga cũng vậy. Với việc đưa binh lính và các khí tài quân sự đến gần biên giới với Ukraine vào mùa xuân và mùa thu năm ngoái, Moscow cho thấy nước này sẵn sàng hành động trong năm nay.

Joe Biden – Tổng thống thực tế

Theo nhà quan sát Kendall-Taylor, những động thái của Nga thời gian qua xuất phát từ việc điện Kremlin ngày càng nhận thức rõ về lập trường của Mỹ và phương Tây.

Trong năm đầu tiên nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden, các quan chức cấp cao Mỹ đã tìm cách thúc đẩy mối quan hệ “ổn định và dễ đoán” với Moscow giữa bối cảnh Mỹ tập trung nguồn lực nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

“Moscow đã nhìn nhận việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan như một minh chứng cho thấy Tổng thống Biden là một người thực tế và có lẽ nhà lãnh đạo Mỹ sẽ cân nhắc nghiêm túc đến việc thỏa hiệp”, Michael Kofman, nhà phân tích chuyên nghiên cứu về lực lượng vũ trang Nga tại cơ quan nghiên cứu CNA nhận định.

Trong khi Mỹ dành hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine và tiếp tục đưa ra tuyên bố ủng hộ vững chắc chủ quyền của Ukraine thì cuối cùng vận mệnh của nước này có ý nghĩa với Moscow nhiều hơn là Washington.

“Nga có lẽ cho rằng thực tế thì lợi ích của Mỹ ở đây tương đối thấp và Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để tránh leo thang căng thẳng. Điều đó tức là nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, Mỹ sẽ trừng phạt Nga về kinh tế nhưng Nga có khả năng thích ứng và có thể chống chịu trước tất cả lệnh trừng phạt trước đó”, nhà quan sát Kofman bình luận.

Nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng

Mỹ và các quan chức châu Âu cho rằng, Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về những hành động sẽ tiến hành. Một loạt cuộc gặp cấp cao vào tuần tới có lẽ sẽ đưa đến một số tín hiệu về việc liệu giải pháp ngoại giao có khả thi hay không. Ngày 10/1, các nhà chức trách Nga và Mỹ sẽ gặp nhau ở Geneva để trao đổi về những yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga. Cuộc gặp này diễn ra sau cuộc gặp giữa NATO với Hội đồng Liên bang Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.

Tuy nhiên, 2 yêu cầu đảm bảo an ninh mà Moscow đưa ra về việc mở rộng NATO có lẽ sẽ không được đáp ứng bởi Tổng thư ký NATO và một số thành viên khối này đã tái khẳng định quyền của Ukraine đối với an ninh của mình.

Dù vậy, những vấn đề rộng hơn liên quan đến an ninh châu Âu, chẳng hạn như kiểm soát vũ trang, tái cân bằng lực lượng và hạn chế tập trận quân sự có lẽ sẽ là những khía cạnh để hai bên hạ nhiệt căng thẳng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới