Thursday, November 7, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội'Ông lớn' chuyển sản xuất đến Việt Nam

‘Ông lớn’ chuyển sản xuất đến Việt Nam

Nike, Adidas, Foxconn, Intel, Samsung… đã và đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn ổn định và có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Các doanh nghiệp nước ngoài gia tăng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

51% giày của Nike là hàng “Made in Vietnam”

Mới đây, hãng CNBC dẫn báo cáo tài chính của tập đoàn chuyên về sản phẩm thể thao Nike cho biết, năm 2021 Việt Nam sản xuất giày cho Nike chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc đã rớt xuống còn 21%. Hồi năm 2006, Trung Quốc sản xuất giày cho Nike chiếm 35% sản lượng toàn cầu của hãng. Như vậy Việt Nam đã chính thức vượt xa Trung Quốc, trở thành cơ sở sản xuất chính cho thương hiệu này. Đáng chú ý, ngay cả Indonesia cũng đã vượt qua Trung Quốc khi thị phần sản xuất giày Nike tại nước này tăng từ 21% lên 26% trong vòng 15 năm qua.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Nike không phải là hãng duy nhất có số lượng lớn sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Ngay cả đối thủ của hãng là Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất ở Việt Nam. Trên thực tế, cuối năm 2021, các nhà máy Nike tại Việt Nam đã quay lại hoạt động bình thường sau giai đoạn bị ảnh hưởng vì phòng chống dịch Covid-19. Lãnh đạo Nike tại Việt Nam cũng cho rằng với chiến lược sống chung an toàn với dịch bệnh và độ phủ vắc xin cao tại Việt Nam, hãng vẫn đặt niềm tin và lạc quan với chuỗi cung không còn bị đứt đoạn.

Theo ước tính, các sản phẩm mang thương hiệu Nike được cung cấp bởi 191 nhà máy sản xuất đặt tại 14 quốc gia trên toàn cầu. Trong đó, hầu hết sản phẩm giày dép được sản xuất ngoài nước Mỹ. Dữ liệu sản xuất của Nike tính đến hết tháng 8.2021 cho thấy, có 138 nhà sản xuất, cung ứng của công ty này đặt nhà máy tại Việt Nam. Cơ cấu tập trung vào ba sản phẩm chính gồm hàng may mặc, trang thiết bị, giày dép. Các nhà máy này có tổng cộng gần 484.000 lao động, tập trung chủ yếu ở phía nam và đa số là những doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với quy mô lớn trong ngành may mặc, da giày của Việt Nam.

Đại diện 1 DN ngành da giày cho rằng Việt Nam thu hút được Nike hay Adidas và đơn hàng ngày càng tăng chủ yếu do nguồn lao động dồi dào, kỹ năng tay nghề cao và ổn định, đảm bảo được chất lượng sản phẩm theo yêu cầu từ đối tác. Đồng thời chi phí nhân công, sản xuất vẫn thấp hơn Trung Quốc. Đó là chưa kể Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách “Zero Covid” khiến các tập đoàn sản xuất lo ngại chuỗi cung ứng bị đứt gãy bởi các biện pháp khắt khe để phòng chống dịch bệnh.

Nhiều tập đoàn đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam

Thực tế, không chỉ có Nike hay Adidas mở rộng hoạt động tại Việt Nam mà trong vòng 2 năm qua, đã có không ít DN FDI chuyển sản xuất hoặc mở rộng đầu tư sang Việt Nam. Ngay từ đầu năm 2021, Tập đoàn công nghệ Foxconn (Đài Loan), nhà sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã vào tỉnh Bắc Giang với dự án nhà máy Fukang Technology. Dự án này chuyên sản xuất máy tính bảng và máy tính xách tay với công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD.

Trước đó, tất cả sản phẩm iPad đều được lắp ráp tại Trung Quốc và do đó, động thái của Foxconn đánh dấu lần đầu tiên iPad được sản xuất bên ngoài Trung Quốc, sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple. Trước đó, đến hết năm 2020, tập đoàn này đã đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam và sử dụng 53.000 lao động. Năm 2021, Foxconn mở rộng tuyển thêm 10.000 lao động tại Việt Nam và đầu tư thêm 700 triệu USD. Các đối thủ của DN này như Pegatron và Wistron cũng quyết định mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể, vào tháng 9.2020, Pegatron đã đầu tư 1 tỉ USD vào cơ sở sản xuất thiết bị điện tử ở Hải Phòng.

Tương tự, thị trường đã chứng kiến làn sóng dịch chuyển của Hanwa (Hàn Quốc) về sản xuất phụ tùng máy bay đã di dời sang Hà Nội; Yokowo (Nhật Bản) về sản xuất thiết bị trên xe có động cơ đã di dời sang Hà Nam; Huafu (Trung Quốc) về dệt may đã di dời sang Long An…Đồng thời, một số thông tin cho thấy nhiều tập đoàn khác như Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản, Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam… Hay trong năm 2021, dự án đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam có mở rộng đáng lưu ý nhất là LG (Hàn Quốc) rót thêm 1,4 tỉ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỉ USD, trở thành dự án FDI lớn nhất tại địa phương này.

Tờ Financial Times nhận định rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục phổ biến hơn, thực tế đang ngày càng có nhiều DN đa quốc gia tìm cách xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam như là “ngôi sao đang lên” của các chuỗi sản xuất cung ứng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, nhưng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn tăng, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với Việt Nam.

Đón làn sóng tỉ USD

Theo GSTS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trên thực tế, quy mô mở rộng của các dự án FDI nói chung chưa đáng kể như kỳ vọng. Tuy nhiên, các chuyến công du quan trọng của lãnh đạo cấp cao Chính phủ, nhà nước trong năm vừa qua đã mở đầu cho những ý tưởng, dự án, hợp tác, thỏa thuận quan trọng. Đó là các thỏa thuận hợp tác của nhà đầu tư nước ngoài trị giá 3,2 tỉ USD làm điện gió ngoài khơi ở Hải Phòng, dự án 5 tỉ USD làm điện khí tại miền Trung…

Ông Mại dự báo, năm 2022 sẽ có làn sóng đầu tư mới, lớn từ nước ngoài vào Việt Nam. Đáng lưu ý là trước đây các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đa số đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông…thì trong xu hướng mới, Việt Nam sẽ có các nhà đầu tư lớn đến từ châu Âu và châu Mỹ. Làn sóng này có một phần quan trọng đến từ các chuyến đi của các nguyên thủ quốc gia, phần khác nữa là hiệu quả tất yếu từ khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt EVFTA đã có hiệu lực gần 2 năm. Về làn sóng đầu tư từ Mỹ, nhiệm kỳ mới của vị đại sứ Mỹ có nhiều thông điệp đưa ra đáng chú ý và cũng có thể coi như định hướng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới tập trung vào mảng chuyển đổi số, công nghệ số…

GSTS Nguyễn Mại nhấn mạnh: Quan trọng nhất là các tỉnh, thành phố, ban quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất đã được phân cấp, lấy Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị làm kim chỉ nam để thu hút đầu tư. Với những dự án lớn, phải hết sức thận trọng nhưng thực thi trên tinh thần cải cách, tránh vì cạnh tranh ưu đãi vượt cấp, vượt khung. Có một chi tiết cần lưu ý là Quốc hội và Chính phủ đang có kỳ họp bất thường. Đây là cuộc họp bất thường lần đầu tiên trong tháng đầu năm mà Quốc hội và Chính phủ tổ chức để sửa đổi 8 luật, trong đó có những luật quan trọng như luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Điện lực, luật Đấu thầu, luật Thuế giá trị gia tăng…Mục tiêu là tránh không để luật chồng chéo, thông tư “đá” nghị định, nghị định “đá” luật. Điều này cho thấy các cấp lãnh đạo đã lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, DN, nhà đầu tư và phải sửa đổi sớm để thích nghi, phát triển… Từ đó, yêu cầu luật phải được thực thi nghiêm minh từ trung ương đến địa phương, không có những ưu đãi ngoài thẩm quyền.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới