Đó là thực tế hiện nay trong mối quan hệ giữa các quốc gia, nhất là tại các nước đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Những mối quan hệ liên minh cũng mang tính thời vụ vì lợi ích dân tộc là trên hết.
Đơn cử như mối quan hệ Nga-Trung Quốc. Gần đây hai cường quốc này xích lại gần nhau hơn, trong đó có một mục đích chung là chống lại âm mưu trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Song mối quan hệ “nồng nàn” ấy cũng thường xuyên trắc trở vì những bài toán khó giải.
Một trong những bài toán đó là Nga giải quyết mối quan hệ Trung Quốc -Ấn Độ thế nào? Tương tự quan hệ Trung Quốc với các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông (Việt Nam, Malaysia, Indonesia…) ra sao?
Có một hình ảnh ấn tượng: vũ khí Nga đang đọ sức với chính…vũ khí Nga. Chẳng là Trung Quốc và Ấn Độ đều là khách hàng lớn của Nga trong việc mua vũ khí. Mâu thuẫn giữa hai quốc gia láng giềng này ngày càng căng thẳng. Và họ cùng phải chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh, trong đó thị trường vũ khí lớn nhất mà họ nhìn tới là Nga.
Bắc Kinh và New Delhi vốn là hai khách hàng mua vũ khí, khí tài quân sự nhiều nhất của Nga. Có khả năng hai bên sẽ triển khai các loại vũ khí và trang thiết bị của Moscow trong trường hợp xung đột biên giới nổ ra. Vì cái điều nhạy cảm này mà Nga đành lắm khi phải “ngậm bò hòn làm ngọt”, không dám bày tỏ chính kiến. Rõ nhất là chuyện hiện nay Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp tại vùng biên giới, hoạt động quân sự ngày càng mạnh mẽ. Ông láng giềng Nga bán vũ khí cho cả Trung Quốc và Ấn Độ, cho nên khó ra mặt can ngăn bên nào.
Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, ngày 26/1 sắp tới, Ấn Độ sẽ tổ chức kỷ niệm Ngày Cộng hòa của nước này. Tại lễ diễu binh, diễu hành sẽ ra mắt một loạt khí tài quân sự, phô diễn sức mạnh của các lực lượng vũ trang. Trước đó, hôm 29/12/2021, Bắc Kinh đã xỏ mũi New Delhi khi “chuẩn hóa” tên gọi bằng tiếng Hoa cho 15 địa danh thuộc khu vực “Tạng Nam” (Nam Tây Tạng). Các địa danh này là khu vực tranh chấp, Ấn Độ đặt tên là Arunachal Pradesh.
Xung đột Trung- Ấn và trò “đu dây” của Nga sẽ làm phức tạp thêm những dự đoán về một cuộc “chiến tranh Lạnh” mới. Cuộc chiến ấy có hai bên, một bên là Moscow và Bắc Kinh còn bên kia là Mỹ cùng các đồng minh. Nga và Trung Quốc đã xây dựng quan hệ đối tác trong những năm gần đây, nhằm đối phó với Mỹ tại một loạt khu vực từ châu Á-Thái Bình Dương đến Trung Đông.
Mặc dù là đối tác, mặc dù ca ngợi nhau hết lời, song từ lâu các mối quan hệ gắn bó với các quốc gia khác của Nga vốn được tạo dựng từ các hợp đồng mua bán vũ khí với những khoản ngoại tệ khổng lồ. Trong số các thượng đế mua vũ khí với số lượng lớn có cả những nước công khai chống lại tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Người Trung Quốc có câu: Anh chơi với người như thế nào tôi sẽ biết rõ chân tướng của anh. Thế nên các nước mà Nga “chơi” cốt để bán vũ khí thì Trung Nam Hải đi guốc trong bụng. Vì thế chắc chắn sẽ hạn chế mức độ hợp tác chặt chẽ của Moscow và Bắc Kinh.
Tuy là khách hàng lớn của Nga, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Hai đối tác này đã nhiều lần khiến Moscow thất vọng. New Delhi thì tìm cách đa dạng hóa các loại vũ khí nhập khẩu của Nga, hợp tác với các đối tác lớn khác như Mỹ và Pháp. Còn Trung Quốc lại rất tài “ăn cắp”, nói lịch sự là chế tạo lại một số thiết bị quân sự của Nga.
Vừa chơi vừa đề phòng, Nga đã phải tìm kiếm các thị trường sinh lợi mới tại Đông Nam Á. Khu vực này là nơi nhiều quốc gia đang tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng, nhằm đối phó với sự lấn lướt, bắt nạt của Trung Quốc. Mâu thuẫn thể hiện rõ nhất trong các hoạt động trên Biển Đông, khi Trung Quốc cố tình khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp và gia tăng các hoạt động quân sự.
Sẵn sàng làm thất bại âm mưu bành trướng của Trung Quốc, nhiều quốc gia như Indonesia va Malaysia đã tăng cường mua khí tài để củng cố năng lực quân sự. Một trong những nhà cung cấp lớn mà họ tìm đến là Nga. Bộ Quốc phòng Indonesia đang xem xét khả năng mua trực thăng Mi-17 của Nga, sau khi nước này sở hữu 12 trực thăng Mi-17B5 và 5 chiếc Mi-35.
Tương tự, Malaysia cũng đang tích cực thực hiện các chương trình hiện đại hóa và trang bị cho lực lượng vũ trang. Việc tăng chi tiêu quốc phòng của Malaysia nhằm giải quyết hai mối quan tâm chính: mối đe dọa về an ninh lan rộng từ khu vực miền Nam Philippines và hành vi gây hấn của Trung Quốc xung quanh bãi Tăng Mẫu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Tranh chấp Biển Đông là vấn đề nóng bỏng, phức tạp nhất. Các nhà phân tích gọi đây là “điểm đứt gãy tiềm tàng” trong quan hệ Nga-Trung tại Đông Nam Á. Thái độ của Nga về các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là… im lặng. Làm thế có thể gây mất lòng Trung Quốc, nhưng giữ được quan hệ hợp tác với nhiều đối tác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Cuộc chiến tranh Lạnh ở thế kỷ 21 không giống như cuộc chiến tranh Lạnh những năm 90 thế kỷ trước, mà là sự pha trộn của các mối quan hệ đối tác chồng chéo. Trong cái vỏ ngoài hữu nghị, gắn bó đã ẩn chứa những mâu thuẫn tiềm tàng, rất khó phân biệt đâu là bạn đâu là thù.
Lợi ích dân tộc là trên hết, nhưng nó phải gắn với lợi ích cuả các dân tộc khác. Mỗi quốc gia muốn phát triển phải là một cộng đồng có trách nhiệm, là bạn, là đối tác tin cậy. Việt Nam và các nước ASEAN luôn tuyên bố như vậy. Nhưng sự thật thì phải tính toán từng bước đi hợp lý, khôn ngoan. Thái Lan và gần đây là Hà Nội thường nói về “ngoại giao cây tre” không phải không có lý.
H.Đ