Thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm tiếp tục làm nóng dư luận và truyền thông trong nước khi thời gian để 4 nhà đầu tư nộp đủ số tiền 37.347 tỉ đồng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ đang đếm ngược từng ngày.
Cơ quan thanh tra giám sát NHNN mới đây đã có văn bản đề nghị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã CK: VCB) cung cấp thông tin thực trạng cấp tín dụng đối với khách hàng tham gia đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm. Phản hồi với truyền thông trong nước, đại diện Vietcombank khẳng định, tính đến thời điểm ngày 7/1/2022, nhà băng này chưa phát sinh bất kỳ khoản cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu,…) đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm.
Không chỉ riêng Vietcombank, theo tờ Tuổi Trẻ, cơ quan hữu trách cũng có văn bản đề nghị lãnh đạo một số ngân hàng báo cáo tình hình cấp tín dụng liên quan tới thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Nội dung báo cáo bao gồm: thông tin khách hàng; thông tin hợp đồng tín dụng; mục đích cấp tín dụng; dư nợ đến thời điểm báo cáo (gồm phân loại nợ, nợ gốc, nợ lãi, nội bảng, ngoại bảng, nợ đã xử lý…).
Động thái rà soát dòng vốn tín dụng diễn ra trong bối cảnh Cục thuế TP. HCM đang hối thúc 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm trong đợt bán đấu giá gây xôn xao dư luận ngày 10/12/2021 nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
Cụ thể, CTCP Dream Republic (trúng đấu giá lô đất 3-5, diện tích 6.446 m2) phải nộp 3.820 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 0,5 tỉ đồng lệ phí trước bạ; CTCP Sheen Mega (trúng đấu giá lô đất 3-8, diện tích 8.568 m2) phải nộp 4.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất; Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh (trúng đấu giá lô đất 3-9, diện tích 5.000 m2) phải nộp 5.026 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 0,5 tỉ đồng lệ phí trước bạ; Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trúng đấu giá lô đất 3-12, diện tích 10.059 m2) phải nộp 24.500 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 0,5 tỉ đồng lệ phí trước bạ.
Như vậy, 4 doanh nghiệp nêu trên sẽ phải nộp 37.346 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 1,5 tỉ đồng lệ phí trước bạ. Các doanh nghiệp trúng đấu giá đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo (tức trước ngày 6/2/2022) và nộp đầy đủ trước ngày 6/4/2022.
Theo quy định, các nhà đầu tư trúng đấu giá sẽ bị huỷ quyết định công nhận kết quả nếu không nộp đủ tiền mua tài sản khi qua thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế. Nếu không nộp hoặc nộp không đủ tiền, các doanh nghiệp sẽ không được nhận lại tiền đặt trước.
Như VietTimes từng đề cập, con số kỷ lục 2,4 tỉ đồng/m2 đất Thủ Thiêm được xác lập bởi Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt – thành viên của Tân Hoàng Minh – tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021 đã gây xôn xao dư luận và truyền thông trong nước.
Sau phiên đấu giá này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành tham mưu, đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm không để xảy ra trục lợi, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Cho rằng việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ đồng/m2 là bất thường, hôm 4/1/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan này đang kiểm tra những doanh nghiệp liên quan trên thị trường chứng khoán. “Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên – Môi trường, kể cả vấn đề giá đất. Nhưng chưa thể công khai được”, tờ Tuổi Trẻ Online dẫn lời Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Hiệu ứng từ đấu giá đất Thủ Thiêm chỉ là phần ngọn của vấn đề?
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, TS. Huỳnh Thế Du – Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright – cho rằng việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua là đúng quy trình và quy định của pháp luật hiện hành nếu xét trên các thông tin có sẵn.
“Phiên đấu giá được tổ chức công khai, minh bạch, tất cả những người có khả năng và muốn tham gia đều có thể tham gia. Nguyên tắc của đấu giá, người thắng là người trả giá cao nhất. Điều này được đảm bảo”, ông Du chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, phiên đấu giá đã có “kết quả thành công ngoài mong đợi” và cho rằng Nhà nước nên tiếp tục tổ chức đấu giá để tạo nguồn thu cho ngân sách.
“Nhà nước nên tiếp tục tổ chức nhiều phiên đấu giá tương tự cùng với việc tạo chính sách để việc mua bán, trao đổi đất thuận tiện và dễ dàng hơn. Không nên đặt dấu hỏi hay điều tra việc một ai đó mua giá quá cao. Đó là việc của thị trường và lựa chọn của các cá nhân”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo PGS. TS Phạm Thế Anh, hiệu ứng từ đấu giá đất Thủ Thiêm chỉ là phần ngọn và, nếu có, thì cũng sẽ là rất ngắn hạn dù Tân Hoàng Minh có bỏ cọc hay không, giá nhà đất đã lên một tầm cao mới. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu không có tiền ngoại, không một doanh nghiệp phát triển bất động sản nào, và với một dự án lớn như thế, lại không dựa vào tín dụng.
Cũng theo ông Phạm Thế Anh, các cơn ‘sốt’ đất ở Việt Nam không phải mới xảy ra lần đầu, mà đã xảy ra vào các giai đoạn 1991 – 1993, 2000 – 2001, 2007 – 2009 với mức giá tăng vài lần. “Và trong cơn sốt hiện nay, cũng không phải chỉ sau đấu giá đất Thủ Thiêm giá nhà đất mới tăng phi mã (mà nó đã diễn ra cả năm nay rồi)”, vị chuyên gia này chia sẻ.
T.P