Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNga-Trung “đồng sàng dị mộng”

Nga-Trung “đồng sàng dị mộng”

Trong lúc quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trở nên nồng ấm do hai nước cùng một mục tiêu chống lại Mỹ và phương Tây thì nổ ra sự kiện bạo loạn ở Kazakhstan. Cả Moscow và Trung Bắc Kinh đều muốn tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này, cho nên mối quan hệ giữa hai nước đã có những rạn nứt.

Lực lượng an ninh Kazakhstan đã bắt giữ 7.939 người.

Tính đến ngày 10/1, lực lượng an ninh Kazakhstan đã bắt giữ 7.939 người trong làn sóng bạo lực tồi tệ nhất lịch sử nước này. Con số nêu trên do Bộ Nội vụ Kazakhstan đưa ra. Đương nhiên, riêng lực lượng an ninh của một bộ máy chính phủ rệu rã không thể làm nổi mà có sự giúp sức của nước ngoài.

Trong số đó phải kể đến gần 3.000 binh sĩ Nga đang có mặt ở Kazakhstan. Đây là diễn biến bất ngờ, nhưng là chủ định của Nga, coi đây là thời cơ để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Á, một khu vực nhạy cảm trong chiến lược an ninh của Nga. Động thái này khiến cho Bắc Kinh choáng váng. Khi cái bóng của Nga trùm lên kéo theo quyền lực và nhiều lợi ích của Bắc Kinh sụp đổ.

Về kinh tế, một trong những điểm khởi đầu của Vành đai, Con đường là Tân Cương- nơi tiếp giáp với Kazakhstan. Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư gần 20 tỷ USD vào Kazakhstan. Các dự án Bắc Kinh tài trợ hoàn tất vào năm 2023 có giá trị lên đến 24,5 tỷ USD.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao Nga hành động nhanh chóng và quyết liệt như thế? Nguyên nhân sâu xa là, từ sau khi Liên bang Xô-viết tan rã vào năm 1991, các nhà lãnh đạo Nga có chung nỗi lo về đe dọa an ninh ở các khu vực biên giới trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt, việc NATO và EU mở rộng, kết nạp thành viên mới tại các nước ở Đông Âu (từng là vệ tinh của Liên Xô) là mối lo lắng của Nga suốt ba thập niên qua.

Nếu không cảnh giác thì những diễn biến bất ngờ có thể khiến Moscow mất luôn ảnh hưởng ở Trung Á. Do vậy, nhằm bảo đảm các nước Trung Á luôn nằm trong tầm ảnh hưởng của mình, Nga đã thiết lập hàng loạt cơ chế đa phương, như Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), hay Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU).

Trong lúc khu vực biên giới Nga- Ukraine, đang nóng lên, Nga còn chưa biết xoay sở ra sao thì bỗng nảy nòi chính biến ở Kazakhstan. Sự lộn xộn dẫn đến đổ máu cảnh sát và người dân bình thường lại bắt đầu từ chuyện mâu thuẫn nội bộ giữa cựu tổng thống và đương kim tổng thống, từ “cách mạng màu” dẫn tới. Vì thế, Moscow muốn dẫn đầu lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia dẹp loạn ở đất nước Trung Á thơ mộng và giàu tài nguyên này. Nếu do dự, thiếu kiên quyết trong tình hình nước sôi lửa bỏng có thể ảnh hưởng lớn đến chiến lược lớn của Điện Kremlin.

Với con mắt tinh nhạy, phương Tây cho rằng, Nga xua quân vào Kazakhstan là hành xử không phù hợp, nhất là việc này diễn ra sau khi nước này hỗ trợ cho phong trào ly khai ở Georgia và Ukraine. Phương Tây thì như thế, nhưng Mỹ thì chưa tỏ thái độ gì. Phải chăng Washington đã nhìn thấy cái hố sâu ngăn cách quan hệ đồng minh Trung-Nga bắt đầu từ sự kiện hai con hổ tranh nhau con lợn?

Sâu xa hơn, Lầu Năm Góc cho rằng, việc Moscow phải phân chia nguồn lực khỏi Ukraine để chuyển hướng sang vùng Trung Á càng tạo điều kiện cho phương Tây có thêm thời gian giải quyết các vấn đề nan giải ở Đông Âu.

Trái với thái độ bình chân như vại của Mỹ, Bắc Kinh đang lo sốt vó. Cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp đối với Trung Quốc. Từ lâu, Trung Quốc sử dụng Trung Á làm cầu nối giữa các công xưởng trong nước với thị trường Tây Á – châu Âu. Cái “cầu” ấy là các dự án trị giá hàng tỷ USD, thuộc Sáng kiến Vành đai, Con đường.

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã phác thảo những chiến lược địa chính trị, địa kinh tế dài hạn hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thống trị ở khu vực hành lang Á – Âu. Cái mục tiêu ấy chính là cái lô cốt cần phải tiêu diệt đối với Nga.

Do đã bỏ khá nhiều tiền của, công sức vào Trung Á nói chung và Kazakhstan nói riêng, cho nên khi Moscow hậu thuẫn cho Kazakhstan thì miếng mồi ngon có nguy cơ tuột khỏi tay Bắc Kinh. Mặc dù Moscow và Bắc Kinh đang có quan hệ đối tác thân thiết, song do vị trí địa lý và lịch sử, cùng những xung đột lợi ích chiến lược trong thời kỳ toàn cầu hóa, cuộc “hôn nhân” giữa hai cường quốc sẽ còn nhiều sóng gió.

Thế là mối quan hệ Nga-Trung trở nên “đồng sàng dị mộng”. Và Kazkhstan chính là phép thử. Mối tình có tiếp tục mặn nồng hay băng giá còn tùy thuộc vào sự thỏa hiệp, sự nhường nhịn của mỗi bên vì đại cục, cụm từ mà Bắc Kinh thường dùng. Nhưng Nga và một số quốc gia đưa quân hùng hổ tiến và Kazkhstan cũng với tuyên bố vì sự ổn định của đất nước tươi đẹp này, cũng vì đại cục.

Giấc mộng Nga hay giấc mộng Trung Hoa cũng thế cả thôi. Muốn nắm được cả thế giới thì phải nắm được người láng giềng giàu có trước đã.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới