Trên thực tế, hầu hết các hoạt động trấn áp đều do lực lượng chính phủ thực hiện nên đáng lý Kazakhstan không nhất thiết phải kêu gọi sự hỗ trợ từ quân đội nước ngoài.
Trong bài viết trên tạp chí Forbes, nhà phân tích Melik Kaylan nhận định, khối Liên Xô cũ dường như đang được “cải tổ” dưới thời Tổng thống Putin với Kazakhstan là “mục tiêu” tiếp theo.
Hiện tại, cuộc bạo loạn ở quốc gia Trung Á này vẫn đang tiếp diễn. Các con phố chật kín thi thể và xe bọc thép, khiến cho tình hình khó đoán biết.
Theo một số báo cáo, các nhóm cực đoan đã bắt đầu cướp phá các cửa hàng, đột nhập vào nhà ở và hành hung người dân. Tổng thống Tokayev đã phải kêu gọi các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đưa lực lượng tới hỗ trợ.
Từ đây, một làn sóng phản đối Nga đưa quân đến Kazakhstan đã bùng nổ, truyền thông phương Tây cáo buộc rằng Moscow đang dùng vũ lực để chiếm lại một nước cộng hòa hậu Xô Viết khác.
Theo ông Kaylan, Kazakhstan vốn được điều hành bởi một bộ máy ưu tú, trong khuôn khổ hiến pháp được thiết lập để đảm bảo sự tồn tại của bộ máy ưu tú đó xoay quanh cựu Tổng thống lâu năm Nursultan Nazarbayev và những người bạn chí cốt của ông.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Tokayev đã thay thế những người được ông Nazarbayev bổ nhiệm bằng các thân tín của mình vào các vị trí quan trọng như Thủ tướng và Giám đốc An ninh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ông Tokayev vẫn đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn, khi tất cả các lực lượng an ninh (cảnh sát, quân đội…) vẫn có xu hướng trung thành với thể chế cũ. Làm thế nào ông Tokayev có thể phụ thuộc vào họ?
Như chúng ta đã thấy, ông Tokayev đã lựa chọn không phụ thuộc vào lực lương an ninh Kazakhstan. Thay vào đó, ông kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài, mà cụ thể là từ liên minh do Nga đứng đầu.
Nhiều nhân viên cảnh sát Kazakhstan từ chối tấn công người biểu tình, và vì một số lý do, quân đội Kazakhstan không được triển khai với lực lượng đủ lớn tại Almaty để giải quyết tình hình. Thay vào đó, người Nga được gọi đến.
Một số người cho rằng lực lượng 40.000 lính của Kazakhstan không đủ lớn để có thể vừa thực hiện chiến dịch trấn áp một cách hiệu quả, vừa bảo vệ các cơ sở quan trọng trên khắp nước này, trong đó có những cơ sở hạ tầng chiến lược như đường ống dẫn dầu.
Tuy nhiên, theo ông Kaylan, không thể tính toán như vậy được. Vài nghìn lính Kazakhstan tiến vào Almaty cũng sẽ ‘gìn giữ hòa bình’ được hiệu quả như khoảng 2.000 lính Nga hiện nay. Trên thực tế, hầu hết các hoạt động trấn áp đều do lực lượng chính phủ thực hiện nên Kazakhstan không cần thiết phải kêu gọi sự hỗ trợ từ quân đội nước ngoài.
Vị chuyên gia nhận định, nhiều khả năng ông Tokayev không muốn lực lượng quân sự khổng lồ của Kazakhstan hiện diện ở Almaty để ngăn chặn nguy cơ tiếm quyền và đề phòng trường hợp lực lượng này khăng khăng muốn trung thành với ông Nazarbayev.
Trước đó, Mỹ đã cảnh báo Kazakhstan sẽ gặp khó khăn nếu muốn yêu cầu Nga rút quân sau khi dập tắt bạo loạn và lặp lại trật tự.
“Một trong những bài học lịch sử gần đây cho thấy một khi người Nga tới nhà bạn, đôi khi rất khó để yêu cầu họ rời đi” – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong cuộc họp báo ngày 7/1.
“Tôi cho rằng cơ quan chức năng và chính phủ Kazakhstan chắc chắn đủ năng lực giải quyết các cuộc biểu tình một cách phù hợp nhằm tôn trọng quyền của người biểu tình trong khi duy trì luật pháp và trật tự, do đó không rõ tại sao họ cảm thấy cần bên ngoài hỗ trợ” – Ông Blinken đặt câu hỏi.
Phản ứng trước các nghi ngờ từ phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/1 khẳng định lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO sẽ không tham gia vào các hoạt động nhằm đảm bảo thực thi pháp luật và vãn hồi trật tự tại Kazakhstan theo thỏa thuận với nước sở tại. Lực lượng này sẽ bảo vệ sân bay và các cơ sở, hạ tầng quan trọng khác tại Kazakhstan.
T.P