Wednesday, January 22, 2025
Trang chủQuân sựVì sao TQ bất an khi Nga đưa quân tới Kazakhstan?

Vì sao TQ bất an khi Nga đưa quân tới Kazakhstan?

Quyết định của Nga can thiệp quân sự vào Kazakhstan không chỉ khiến phương Tây lo ngại mà còn khiến Trung Quốc – đối tác vô cùng thân thiết của Moscow cảm thấy bất an.

Binh sĩ Kazakhstan đứng gác gần một chiếc xe tải bị cháy trên đường phố thành phố Almaty, ngày 8/1.

Những suy tính phía sau động thái của Nga

Việc Nga đưa quân tới Kazakhstan theo đề nghị của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev là sự can thiệp quân sự không mong muốn của nước này vào Trung Á song cũng giúp Moscow nhìn thấy một số cơ hội.

Một số nhà phân tích cho rằng, có rất nhiều suy tính phía sau động thái này, chứ không chỉ đơn thuần là việc Nga muốn chuyển hướng sự chú ý của phương Tây khỏi sự hỗn độn đang bao trùm khu vực miền Đông Ukraine trong thời gian gần đây. Kể từ khi Liên Xô tan rã, các nhà lãnh đạo Nga, từ cố Tổng thống Boris Yeltsin đến Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin luôn lo lắng về sự mất an ninh tại các khu vực biên giới Nga thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh.

Sự mở rộng của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) và Liên minh châu Âu tới các nước từng thuộc Liên Xô cũ ở Đông Âu đã khiến Nga thấp thỏm lo âu kể từ những năm 1990. Mặc dù luôn tìm cách tăng cường tuyến phòng thủ dọc theo biên giới với châu Âu, nhưng Tổng thống Putin vẫn theo dõi sát sao những mối đe dọa dọc theo vùng ngoại vi phía nam và phía đông của Nga, trong đó có mối đe dọa từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan cực đoan ở Trung Á và Trung Đông.

Tuy nhiên điều mà Điện Kremlin quan tâm hơn là mối lo mất ảnh hưởng đối với Trung Á. Để ngăn chặn khả năng này, kể từ năm 1991, Nga đã duy trì nhiều hiệp ước đa phương, chẳng hạn như Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), nhằm đảm bảo rằng Trung Á vẫn kiên định trong quỹ đạo của mình.

Trong lúc Nga đang tập trung sự chú ý vào miền Đông Ukraine, tình hình an ninh tại Kazakhstan bỗng trở nên xấu đi do các cuộc biểu tình bạo loạn. Nhận thấy rằng, việc thiếu hành động vào thời điểm bấp bênh như vậy sẽ gây tổn hại cho chiến lược lớn của Nga, Tổng thống Putin đã yêu cầu quân đội dẫn đầu một “lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia” tới Kazakhstan nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn và khôi phục lại trật tự.

Động thái của Nga không chỉ nhằm ngăn cản các quốc gia bên ngoài thiết lập chỗ đứng tại đây, mà còn gửi thông điệp cứng rắn đến phương Tây rằng Moscow quyết tâm “bảo vệ sân sau của mình”.

Dù phương Tây ra sức phản đối sự can thiệp quân sự của Nga vào Kazakhstan song một số nhà phân tích nhận định điều này không thực sự gây phiền toái cho cho họ và việc Moscow chuyển hướng các nguồn lực từ Ukraine sang Kazakhstan sẽ giúp châu Âu có thêm thời gian để tìm ra giải pháp với tình hình Ukraine. Trái lại, quốc gia cảm thấy bất an hơn cả sẽ là Trung Quốc – một đối tác thân thiết của Nga.

Dễ xung đột lợi ích với Trung Quốc

Kazakhstan giáp với biên giới phía tây bắc của Trung Quốc và là quốc gia không giáp biển lớn nhất trên thế giới, với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản phong phú. Các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Trung Á đến Trung Quốc (CACP) vốn đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích kinh tế và năng lượng của Bắc Kinh đều đi qua nước này.

Chưa kể, với vị trí nằm giữa Trung Quốc và châu Âu, Kazakhstan được coi là mắt xích liên kết quan trọng trong Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) trị giá hàng tỷ USD được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2013 nhằm mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng ra thế giới.

Theo giới quan sát, hành động quân sự của Nga tại Kazakhstan sẽ làm phức tạp các chiến lược kinh tế và địa chính trị dài hạn mà Bắc Kinh đã dành nhiều năm xây dựng nhằm củng cố vai trò của mình tại khu vực Á- Âu, điều mà Moscow có thể không hoan nghênh. Bên cạnh đó, sự can thiệp của tổ chức CSTO có thể dẫn tới những căng thẳng với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Một số ý kiến cho rằng, so với SCO, ảnh hưởng của Nga tại CSTO lớn hơn nhiều và do vậy, Moscow có thể huy động các lực lượng của CSTO bất cứ khi nào cần thiết. Trái lại đối với SCO, Moscow vẫn phải “nhìn trước ngó sau” thái độ của Trung Quốc. Đây cũng là lý do Nga coi Ấn Độ là điểm mấu chốt trong chiến lược cân bằng đối với Trung Quốc, đồng thời ủng hộ New Delhi tham gia SCO.

Bất chấp mối quan hệ tốt đẹp mà Nga và Trung Quốc nỗ lực xây dựng trong thời gian qua (một phần nhờ vào chính sách đối ngoại cứng rắn với Mỹ) các vấn đề địa lý và lịch sử vẫn tiếp tục gây ra những rạn nứt giữa hai “gã khổng lồ Á-Âu” này, khiến các bên khó thành lập quan hệ liên minh.

Kể từ khi bạo loạn bùng phát tại Kazakhstan, Trung Quốc luôn lo ngại bất ổn tại Trung Á sẽ tràn vào Tân Cương. Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn với các biện pháp của Tổng thống Kazakhstan nhằm dẹp tan bạo loạn, đồng thời cảnh báo bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào cuộc khủng hoảng.

Nếu Bắc Kinh tin rằng các lợi ích về năng lượng và an ninh của mình bị đe dọa, thì về cơ bản, nước này có thể mở rộng phạm vi an ninh ở Kazakhstan và khu vực. Điều đó chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ của họ với Nga.

Tuy vậy, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ không rơi vào đối đầu do tình hình bất ổn tại Kazakhstan bởi Bắc Kinh vẫn cần liên thủ với Moscow để tạo thành một mặt trận thống nhất đối phó Mỹ và phương Tây. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần sự hỗ trợ từ Nga để thực hiện các dự án BRI tại Trung Á và nguồn khí đốt dồi dào của nước này để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước. Với những tính toán đó, Trung Quốc sẽ thận trọng theo dõi cuộc khủng hoảng và có thể im lặng trước các động thái của Nga miễn là các lợi ích năng lượng và an ninh của nước này không bị đe dọa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới