Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSự trùng hợp bí ẩn

Sự trùng hợp bí ẩn

Sau bảy ngày thực hiện vụ phóng tên lửa siêu thanh, hôm 11/1 Triều Tiên lại bất ngờ tiến hành phóng tên lửa lần thứ hai. Có một điều đáng ngạc nhiên, tên lửa phóng lúc14 giờ 27 phút (giờ PST), thì gần như trùng khít thời gian đó, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đột ngột ra lệnh dừng mọi chuyến bay, ít nhất là ở phía Tây của Mỹ.

Mệnh lệnh này kéo dài khoảng 7-20 phút trước khi được dỡ bỏ. Tại sao FAA lại ra lệnh này? Có phải họ đã nắm được thông tin tình báo về vụ phóng của Bình Nhưỡng? Và nếu đúng như vậy thì thật là nguy hiểm khi bí mật quân sự bị rò dỉ. Hay đã có sự bắt tay ngầm giữa hai bên (!)

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 12/1 đã công bố loạt ảnh về vụ phóng tên lửa lần thứ hai. Tên lửa này có khả năng “bay nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh”. Đợt thử nghiệm được tiến hành dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Có vẻ như ông muốn thể hiện quan điểm thực hiện đúng cam kết củng cố sức mạnh quân sự bằng công nghệ tiên tiến.

Tại Mỹ, theo tiết lộ của một phi công vừa thực hiện hành trình bay đến thành phố Yuma, bang Arizona: thông báo của FAA giống như “lệnh dừng bay toàn quốc”. Có một số phi công còn nhận được lệnh hạ cánh càng sớm càng tốt, với lý do rất mơ hồ: vì “một sự kiện liên quan đến an ninh quốc gia”. Quả thật, nếu họ không cho máy bay hạ cánh theo mệnh lệnh khẩn cấp mà cứ nhằm hướng tây di chuyển thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra?

Liệu động thái của FAA có liên quan đến vụ phóng tên lửa siêu thanh của Triều Tiên? Vì sao thời điểm ban bố mệnh lệnh (14 giờ 30 phút) gần trùng khít với thời gian Triều Tiên phóng tên lửa? Đây là bí mật chưa được giải mã.

Theo quy định, Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ sẽ thực hiện các giao thức khẩn cấp khi nhận được báo cáo về một vụ phóng tên lửa tiềm tàng. Đó là một khoảng thời gian rất ngắn để quyết định sẽ phản ứng như thế nào và cảnh báo cho ai.

Nhân sự trùng hợp bí ẩn này, chúng ta lần trở lại mối quan hệ phức tạp Mỹ-Triều trong ngững năm gần đây. Sau nhiều cuộc gặp thượng đỉnh không tìm ra tiếng nói chung, không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết. Triều Tiên cảnh báo, Mỹ sẽ phải đối mặt với “tình huống rất nghiêm trọng”. Tình huống đấy là một sự đe dọa ngang ngược đối với “người khổng lồ” đang đứng ở vị trí số một thế giới.

Bình Nhưỡng còn phê phán, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phạm sai lầm coi Triều Tiên là “mối đe dọa an ninh lớn”. Ông Biden không giấu diếm khi hé lộ, sẽ tiếp tục duy trì chính sách thù địch chống lại Bình Nhưỡng. Hành xử “diều hâu” như thế buộc Triều Tiên phải thúc đẩy các biện pháp tương ứng.

Đáp lại, Nhà Trắng thông báo, các quan chức chính quyền Mỹ đã hoàn thành việc đánh giá chính sách đối với Triều Tiên. Tổng thống Joe Biden có kế hoạch thay đổi cách tiếp cận so với hai hai vị tiền nhiệm gần đây nhất nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ kết hợp cân bằng “chính sách răn đe” của cựu Tổng thống Donald Trump và “sự kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama.

Mới đây Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: “Tổng thống Joe Biden có kế hoạch hoàn thành việc xem xét chính sách Triều Tiên trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ và tham vấn với Hàn Quốc, Nhật Bản và những đối tác quan trọng khác, bao gồm cả các lựa chọn gây sức ép và tiềm năng ngoại giao trong tương lai. Mục tiêu của chính sách này rất rõ ràng. Đó là quyết tâm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, giảm thiểu mối nguy cơ rộng lớn hơn với Mỹ và các đồng minh”.

Sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa vào những năm 2016-2017, ông Kim Jong Un đã có ba lần gặp gỡ cấp cao với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận về tương lai kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, tiến trình ngoại giao này đã lâm vào bế tắc trong suốt bốn năm qua, do những khác biệt liên quan tới việc dỡ bỏ trừng phạt để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Nếu có các cuộc gặp gỡ tiếp theo, xuất phát điểm của các cuộc thảo luận vẫn sẽ là Triều Tiên ngừng thử nghiệm và phát triển năng lực hạt nhân. Nếu Triều Tiên né tránh ngoại giao và lựa chọn các cuộc thử nghiệm mang tính khiêu khích, Mỹ có thể mở rộng thực thi các biện pháp trừng phạt và tăng cường tập trận với đồng minh.

Cả hai bên cùng không chịu lùi thì quan hệ Mỹ – Triều Tiên sẽ trở lại bên bờ vực của những năm 2016-2017.

Trong lúc rất khó tìm ra tiếng nói chung càng khó lý giải cho sự trùng hợp kỳ lạ, tạm gọi là “sự kiện 14 giờ trưa 11/1”. Liệu có sự thỏa thuận ngầm nào đó giữa lực lượng thừa hành của Washington và Bình Nhưỡng? Nếu vậy, biết đâu chẳng là dấu hiệu tích cực cho giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên?

H.Đ

                                                                                                                  
RELATED ARTICLES

Tin mới