Wednesday, January 22, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCuộc cách mạng giáo dục ở TQ, loại bỏ áp lực điểm...

Cuộc cách mạng giáo dục ở TQ, loại bỏ áp lực điểm số

Mục tiêu của các trường học kiểu mới ở Trung Quốc là học sinh không phải học nhiều, nhưng thấy hạnh phúc và tự do hơn.

Khi cùng con trai Tian Tian, học lớp 2, tới thăm ngôi trường có tên gọi “Trường Hạnh Phúc”, Zhang Fen lập tức nghĩ: “Đây chính là ngôi trường gia đình mình đang tìm kiếm.”

Trong bối cảnh Trung Quốc cấm dạy thêm sau giờ học và khuyến khích các hoạt động thể chất trong giáo dục, nhiều trường học bắt đầu ưu tiên sự vui vẻ của con trẻ khi đến trường, thay vì điểm số. Ở “Trường học hạnh phúc”, học sinh phải học ít hơn, các em cũng cảm thấy hạnh phúc và tự do hơn.

Ngày càng có nhiều phụ huynh Trung Quốc quay lưng lại với nền giáo dục truyền thống khô khan gây nên áp lực và những lo lắng không đáng có cho cả phụ huynh và học sinh. Chính vì thế, một hệ thống giáo dục mới đang trở nên phổ biến và được ưa chuộng: giáo dục kiểu mới.

Đổi mới phương pháp giáo dục

Tại Bắc Kinh, học phí tại Trường Hạnh Phúc hay các trường kiểu mới khác, là khoảng 11.000-16.000 USD/năm, hoặc cao hơn. Mặc dù học phí đắt đỏ, nhưng từ năm 2005 đến nay, ngày càng nhiều phụ huynh cho con em mình theo học những trường kiểu này.

Khi còn đi học tại trường công ở Bắc Kinh, Tian Tian hay bị bắt nạt và cảm thấy rất khó kết bạn. Khi chuyển sang Trường Hạnh Phúc, cậu bé nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

Cũng giống như nhiều trường học kiểu mới khác, Trường Hạnh Phúc không có xếp loại và sách giáo khoa cũng ít khi được sử dụng. Thay vào đó, giáo viên sẽ dùng giáo trình riêng.

Với 400 học sinh đang theo học từ mầm non đến lớp 9 (K-9) và một chi nhánh tại New Jersey (Mỹ), Ririxin hiện là một trong những trường học kiểu mới danh giá nhất của Trung Quốc. Trường được thành lập vào năm 2006 với mục tiêu mang đến một phương pháp giáo dục tự nhiên hơn, nên tập trung phát triển về cả về cá nhân và học thuật cũng như sức khỏe toàn diện cho học sinh.

Ưu điểm, bất cập và chia sẻ của phụ huynh

Mặc dù ngày càng phổ biến nhưng những trường học kiểu mới cũng đang phải đối mặt với những vấn đề khác. Cụ thể, loại hình giáo dục này chưa được công nhận bởi chính phủ và không được coi là trường học chính thức. Thay vào đó, đây chỉ được xem như hình thức giáo dục tư nhân.

Mặc dù không được đăng kí với nhà nước nhưng hệ thống giáo dục này đã và đang phát triển rộng khắp tại các đô thị lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Đại Lý, tỉnh Vân Nam, đang là địa phương có nền giáo dục lý tưởng với những bậc phụ huynh dạy con theo kiểu hiện đại.

Melody Liu, một phụ huynh có con gái 6 tuổi với tên gọi ở nhà là Mango chia sẻ về quyết định của mình khi chuyển đến Đại Lý năm nay: “Chúng tôi đến đây vì giáo dục, gia đình và cả môi trường xung quanh. Trước khi chuyển đến Đại Lý, giáo dục nhà trường và giáo dục trong gia đình với tôi không liên quan gì tới nhau, nhưng bây giờ thì khác”.

“Tôi làm bạn với cô giáo của Mango, chúng tôi có thể chia sẻ với nhau mọi thứ. Ở Đại Lý, chúng tôi thường xuyên cho con trẻ thời gian tụ tập vui chơi trong lúc các phụ huynh chia sẻ với nhau về các vấn đề đời sống và giáo dục”.

Mao Mao Guo Er, một trong những trường học kiểu mới nổi tiếng nhất ở Đại Lý, tự giới thiệu là hệ thống giáo dục có 180 học sinh từ 12 tuổi trở lên, với hơn 40 giáo viên.

Được thành lập từ năm 2012, trường học này đặt sự vui vẻ của học sinh lên hàng đầu đồng thời tạo động lực để các em có nguồn cảm hứng học tập trọn đời. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có khả năng chi trả học phí tại đây. Học phí mẫu giáo tại trường Mao Mao Guo Er là khoảng 4.500 nhân dân tệ/tháng, tương đương 708 USD, cao gấp đôi thu nhập trung bình tại Đại Lý năm 2020.

Tuy nhiên, theo Wang A Wan, một travel blogger có con trai 5 tuổi, cần phải trả lương cao hơn cho giáo viên. Cô cho biết, hầu hết giáo viên ở trường mà con cô theo học chỉ được trả 3.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 550 USD).

“Hầu hết mọi người đều nói rằng không nên đặt nặng chuyện tiền nong, quan trọng là giáo viên giữ được lửa nghề. Tuy nhiên, giáo dục càng cải tiến thì giáo viên càng có nhiều áp lực. Bên cạnh nhiệt huyết, giáo viên cũng cần có kiến thức sâu rộng và phương pháp dạy học hiệu quả. Vì thế, tôi nghĩ tiền lương hiện tại là không đủ để thu hút giáo viên giỏi”, Wang chia sẻ với trang South China Morning Post.

Sau khi sống một năm tại Đại Lý và cảm thấy nền giáo dục ở đây không như kỳ vọng, Wang và gia đình đã chuyển về Thâm Quyến vào tháng 4 năm ngoái.

Trong yêu cầu tuyển dụng đối với giáo viên mẫu giáo năm 2020, trường Mao Mao Guo Er đòi hỏi ứng viên phải đáp ứng các tiêu chí như “tràn đầy năng lượng”, “luôn học hỏi” và “yêu trẻ em”. Kinh nghiệm làm việc hay chứng chỉ đều không bắt buộc, nhưng cần phải có sự “tin tưởng vào khả năng giáo dục của bản thân”.

Đối với Xu Xiao, một phụ huynh có con gái 4 tuổi đang theo học tại trường mẫu giáo Yundo, một trong những trường kiểu mới nổi tiếng nhất ở Đại Lý, nỗi lo lớn nhất là tình trạng thiếu giáo viên.

“Nhiều giáo viên chỉ làm việc 1-2 năm rồi lại chuyển đi nơi khác. Không chỉ giáo viên, học sinh ở đây cũng vậy. Nửa lớp của con gái tôi đã chuyển sang trường quốc tế”, Xu Xiao cho biết.

Tuy nhiên, với Sophia Zeng, hệ thống giáo dục tâm huyết tại các trường học kiểu mới mang lại rất nhiều lợi ích lớn: “Ở Đại Lý, mọi thứ gần như lý tưởng, cả xã hội đều chung tay để nuôi dưỡng trẻ em.”

Zeng và gia đình đã chuyển từ Thành Đô tới Đại Lý vào năm 2017. Cô cũng đăng ký cho con trai Zai Zai học ở một trường kiểu mới.

“Con trai tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều khi đến đây, từ việc biết trân trọng vẻ đẹp thiên nhiên cho cải thiện đến khả năng sáng tạo và rèn luyện tính kỉ luật của bản thân. Trải nghiệm ở Đại Lý giúp vợ chồng tôi hiểu được làm thế nào để trở thành phụ huynh tốt hơn, giúp gia đình tôi xích lại gần nhau hơn”, Zeng chia sẻ.

Ở lớp học của Zai Zai, giáo viên dùng phương pháp học dựa trên cốt lõi vấn đề. Em cùng 19 bạn cùng lớp đã cùng nhau học tiếng Trung, Toán, tiếng Anh và các môn khác trong lớp học toàn diện của mình. Lớp học cũng dựa trên những dự án nghiên cứu từ các chủ đề khác nhau như vụ nổ Big Bang hay sự tuyệt chủng của loài khủng long.

Vào tháng 7 năm ngoái, lớp em tổ chức thi học kì dưới hình thức “truy tìm kho báu”, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức, khả năng tập trung, sức khỏe và kỹ năng xã hội để hoàn thành bài thi.

Những người quan sát sẽ theo dõi học sinh và ghi chép lại. Báo cáo sẽ không được gửi cho phụ huynh hay học sinh sau đó. Thay vào đó, phụ huynh sẽ được mời đến nhóm chat ở WeChat để quan sát con em mình làm bài.

“Điều em thích nhất ở trường là em được tự do làm những điều mình muốn và trở thành phiên bản yêu thích của mình”, Zai Zai tâm sự.

“Tôi không thần thánh hóa môi trường giáo dục ở Đại Lý. Không trường học nào là hoàn hảo nhưng hệ thống giáo dục ở đây phù hợp nhất với gia đình chúng tôi”, phụ huynh Zeng trải lòng.

Mặc dù có rất nhiều cho con theo học hệ thống giáo dục đổi mới này nhưng không phải ai cũng hài lòng và tiếp tục theo đuổi. Sau 4 năm cho con theo học hệ thống mới, Zhang đã quyết định đưa con của mình, Tian Tian về học ở trường công. “Sau thời gian học tập tại Trường Hạnh Phúc, đây là thời gian để Tian Tian đối mặt với việc cạnh tranh trong học tập”, phụ huynh Zhang chia sẻ quyết định của mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới