Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTân Hoàng Minh bỏ cọc đất vàng Thủ Thiêm: Nếu đấu giá...

Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất vàng Thủ Thiêm: Nếu đấu giá lại là giảm một nửa?

Tân Hoàng Minh bỏ cọc sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khi đấu giá các lô sau, người ta sẽ cân nhắc kỹ hơn. Nếu đấu giá lại, giá chỉ bằng 50%, từ 2,4 tỷ đồng/m2 sẽ xuống còn 1-1,2 tỷ đồng/m2 là vừa – chuyên gia nhận định

Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất vàng, tác động thế nào đến giá bất động sản?

Suốt một tháng qua, vụ trúng đấu giá lô đất có diện tích 10.060m2 với giá 24.500 tỷ đồng, tức là khoảng hơn 2,4 tỷ đồng/m2 ở KĐTM Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) của Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã gây ‘choáng’ cho giới đầu tư và sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, vụ đấu giá này tiếp tục “nóng” khi ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi tâm thư xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất đã trúng trên.

Có ý kiến cho rằng, việc Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc ‘đất vàng’ sẽ tiếp tục tác động tới giá đất và thị trường bất động sản tại TP Thủ Đức nói riêng, TP.HCM nói chung; nhất là những nơi được cho rằng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc đấu giá này.

Tuy nhiên, chia sẻ quan điểm với PV Infonet, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc không ảnh hưởng đến việc giảm giá của bất động sản ở khu vực đó. Có điều, sự minh bạch của thị trường sẽ mất đi.

Theo ông Quang, việc Tân Hoàng Minh đấu giá trúng thì doanh nghiệp cũng đã tính toán đến hiệu quả kinh tế, uy tín, thương hiệu… nên mới trúng với giá cao như vậy. Do đó, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khi đấu giá mấy lô còn lại, người ta sẽ cân nhắc có tiếp tục hợp đồng hay không.

“Nếu việc này đấu giá lại một lần nữa thì tôi nghĩ giá thành chỉ bằng 50% so với mức giá mà Tân Hoàng Minh trúng trong đợt đấu giá vừa qua. Từ 2,4 tỷ đồng/m2 sẽ xuống còn 1-1,2 tỷ đồng/m2 là cao nhất. Như vậy, thất thu ngân sách cũng sẽ rất lớn”, ông Quang nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc đấu giá đất thể hiện sự minh bạch rõ trên thị trường nên khi việc đấu giá bị ngưng sẽ tạo hệ lụy trong việc nộp tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp bất động sản đối với thị trường xung quanh đó, cụ thể là thị trường TP Thủ Đức.

“Ví dụ đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 thì chỗ khác cũng phải có giá trị tương tương 70-80% giá đó; còn bây giờ hủy đấu giá này thì doanh nghiệp bất động sản nộp tiền sử dụng đất với giá nào là phù hợp?”, ông Quang cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, doanh nghiệp đấu giá bỏ hợp đồng phải mất cọc là điều đương nhiên; song số tiền bỏ cọc mấy trăm tỷ đồng không lớn với thị trường bất động sản Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng, vấn đề này lại tác động rất lớn, làm mất cân bằng về giá cả, nhiễu loạn thị trường bất động sản khi đất các nơi đều lên giá.

Trước đó trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về những nội dung liên quan việc đấu giá 4 lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng hiện nay hành lang pháp lý đối với đấu giá tài sản ở nước ta còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, ông Châu chỉ ra Luật Đấu giá 2016 quy định “phải nộp tiền đặt trước” (đặt cọc) với mức “tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá” nhưng lại không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm hoặc phải có văn bản cam kết nộp bổ sung tiền đặt trước, hoặc có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư “trả giá” tài sản đấu giá cao hơn rất nhiều lần so với “giá khởi điểm của tài sản đấu giá” để chứng minh năng lực tài chính và đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Châu nêu quan điểm, do Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện “có năng lực tài chính”, hoặc điều kiện “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai” của nhà đầu tư để tham gia đấu giá nên các đơn vị đấu giá hiện nay như “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” thuộc Sở Tư pháp TP.HCM phải tự ban hành “Quy chế cuộc đấu giá tài sản” yêu cầu nhà đầu tư “phải thực hiện cam kết bằng văn bản”. Song, Chủ tịch HoREA cho rằng việc này hiện nay chỉ có tính hình thức và lỏng lẻo.

Ngoài ra, HoREA còn đề nghị xem xét sửa đổi về việc nhà đầu tư phải nộp “tiền đặt trước” để được tham gia đấu giá theo hướng quy định nhà đầu tư chỉ được “trả giá” lô đất đấu giá “khi có đủ tiền trên tài khoản”, hoặc “khi có tổng tài sản cao hơn giá trị trả giá”, “khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng”….

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới