Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược Châu Á của Mỹ đã đi vào ngõ cụt?

Chiến lược Châu Á của Mỹ đã đi vào ngõ cụt?

Washington nên ưu tiên cho kinh tế và ngừng tư duy bằng tên lửa của mình.

Tháng 12/2021, trong một hội nghị về an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Biden, Kurt Campbell, đã trình bày chi tiết khung chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc và châu Á. Ông nhắc đến tất cả những nội dung quen thuộc: tầm quan trọng của các liên minh, bán vũ khí để chống lại Trung Quốc, vị trí trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và quan điểm lạc quan rằng quan hệ Trung-Mỹ có thể vừa cạnh tranh và vừa ổn định.

Trong một thời đại khác, có lẽ bài phát biểu kiểu này sẽ làm hài lòng các chuyên gia khu vực và các nhà hoạch định chính sách. Nhưng phát biểu của Campbell, tại hội nghị do Viện Lowy của Úc tổ chức, lại thiếu vắng đi một tuyên bố có ý nghĩa về kinh tế chính trị – khía cạnh ngoại giao giữ vai trò quan trọng nhất đối với sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chính trong lĩnh vực chính sách này, Trung Quốc đã cố gắng hết sức để thay thế Mỹ, hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, và đây rõ ràng vẫn là một điểm yếu trong nỗ lực định hình chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Khi bị hỏi dồn về vấn đề này, Campbell thừa nhận rằng chỉ các sáng kiến phòng thủ là chưa đủ, tuy nhiên mọi khái niệm, chính sách, hay hành động có hàm ý kinh tế mà ông nhắc đến trong bài phát biểu chẳng khác gì lời nói suông. Thêm nữa, những đề cập đến một “khuôn khổ kinh tế” “tiên tiến” trong tương lai hoàn toàn không có chi tiết cụ thể, và cũng không nêu mục đích nào khác ngoài việc muốn Mỹ “thiết kế” các tiêu chuẩn của khu vực.

Nếu những tuyên bố của Campbell phản ánh đúng quan điểm của Washington về châu Á, thì chúng chỉ khiến người ta vừa an tâm, lại vừa lo ngại. An tâm là vì sự tiết chế trong luận điệu nhạt nhẽo của Campbell là một chuyển biến mới mẻ, khỏi sự bất thường khó đoán và hiếu chiến của chính quyền Trump. Tuy nhiên, người ta lo ngại là bởi vì những ý tưởng thúc đẩy chính sách châu Á của Tổng thống Joe Biden cũng nhạt nhẽo như chính luận điệu từ cấp dưới của ông. Chính sách của Mỹ đối với khu vực quan trọng nhất của thế giới chỉ đơn giản là một mớ hổ lốn, trộn lẫn những gì còn sót lại từ chính sách “quân sự trước tiên” của Trump, với sự hồi sinh của chính sách “xoay trục sang châu Á” đầy thiện chí nhưng yểu mệnh của Obama, vốn cũng có một chương trình nghị sự theo hướng quân sự hóa nặng nề.

Hệ quả là, người Mỹ đang sai lầm khi hướng sự chú ý và ảnh hưởng của mình khỏi những gì thực sự có lợi nhất cho khu vực. Chính sách kinh tế, chứ không phải chính sách quốc phòng, mới là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển, phục hồi sau đại dịch, và thích ứng với biến đổi khí hậu – những vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách khắp châu Á và đe dọa lật đổ nền hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Đây chính là vấn đề đối với sự can dự vào Châu Á của Mỹ cho đến nay: Mỹ không có chiến lược kinh tế nào cho khu vực — chí ít là kể từ nỗ lực chóng tàn của Obama trong việc đàm phán một hiệp định thương mại Mỹ-Châu Á mới, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Và sẽ là không thực tế, nếu chúng ta kỳ vọng có bất kỳ chiến lược kinh tế nào vượt ra ngoài vấn đề thương mại tự do, vốn đang mâu thuẫn với các ràng buộc chính trị trong nước của Mỹ.

Vậy thì Mỹ phải làm gì?

Đầu tiên, rõ ràng Washington phải ưu tiên phát triển kinh tế và ngừng tư duy bằng những chiếc tên lửa của mình. Từ cái cách các nhà lãnh đạo Mỹ nói về vai trò của đất nước họ ở châu Á, người ta có thể thấy rõ rằng thương mại, viện trợ, tài chính, và phát triển không nằm ở vị trí cao trong tâm trí họ như là Lầu Năm Góc; bình đẳng kinh tế bên ngoài biên giới nước Mỹ thậm chí còn chẳng được coi là một vấn đề cần chú ý. Nếu điều đó không thay đổi, Mỹ sẽ tiếp tục đi ngược lại với các xu hướng khu vực — bao gồm tăng chi tiêu quốc phòng, mở rộng hải quân, hiện đại hoá hạt nhân, và phổ biến tên lửa — vốn đang biến khu vực thành một thùng thuốc súng. Điều ấy chẳng tốt cho ai, ngoại trừ ngành công nghiệp quốc phòng.

Thứ hai, Washington cần một chính sách kinh tế cho châu Á, một chính sách cố gắng mang lại lợi ích thực sự cho khu vực, thay vì chỉ thúc đẩy các lợi ích trừu tượng của Mỹ. Và người Mỹ có thể làm được rất nhiều điều để đối xử với Châu Á một cách phù hợp.

Ví dụ, các quan chức Mỹ có thể sử dụng vị trí đặc quyền của nước mình trong nền kinh tế toàn cầu để thương lượng các hình thức xóa nợ khác nhau, thay mặt cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong khu vực đang bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch, chẳng hạn như Philippines và Malaysia. (Mỹ từng làm điều này cho Iraq sau cuộc xâm lược năm 2003.) Washington cũng có thể cấp cho các nước này quyền ưu đãi tiếp cận thương mại, từ đó mang lại lợi ích cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Châu Á.

Cam kết kinh tế cũng nên tập trung vào việc khuyến khích các đối tác của Mỹ trong khu vực đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực như: quyền của người lao động, đối xử công bằng với người lao động, thiết lập mức lương tối thiểu cho các công ty xuất khẩu sang Mỹ, và các sáng kiến chống tham nhũng. Ngoài ra, Washington còn có thể cung cấp viện trợ lớn hơn cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh ở các quốc gia châu Á đang phát triển.

Tất cả những điều này, cùng những sáng kiến khác nữa, đều khả thi và tốt đẹp. Nhưng để hoàn thành chúng đòi hỏi một sự thừa nhận rằng hỗ trợ kinh tế là nền tảng cho sự ổn định của khu vực, cho hòa bình lâu bền, và cho sự phát triển công bằng hơn ở các nước thu nhập thấp. Trên hết, Washington phải ngừng lồng ghép chiến lược kinh tế với những chiêu trò cũ về thương mại tự do và trừng phạt kinh tế.

Thứ ba, Mỹ cần phải nhận ra giới hạn của chính mình. Mỹ không phải là bá chủ kinh tế ở châu Á, mặc dù các tài liệu được giải mật gần đây cho thấy các quan chức Mỹ vẫn đinh ninh là như vậy. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, cấu trúc tài chính và thương mại dày đặc của khu vực này phần lớn đã tiếp tục phát triển mà không có Mỹ. Và điều đó cũng không có gì tệ hại. Chẳng có mối đe dọa nào đến từ các thể chế khu vực dành riêng cho châu Á cả, đặc biệt là nếu các thể chế đó giúp khu vực quản lý vấn đề cán cân thanh toán, và khuyến khích kiểm soát vốn để tránh rơi vào khủng hoảng tài chính trong tương lai. Không phải mọi vấn đề đều có thể được giải quyết bởi sức mạnh của Mỹ, nhất là khi Mỹ đã không còn ở vị trí siêu việt như hồi cuối Chiến tranh Lạnh. Khăng khăng tin vào điều đó sẽ chỉ là con đường dẫn đến sự hủy hoại mà thôi.

Nếu Mỹ có thể ưu tiên xây dựng kinh tế theo định hướng ổn định và hòa bình, giúp các nền kinh tế châu Á thu hẹp bất bình đẳng và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời từ bỏ nỗ lực duy trì vị thế bá chủ mà nước này không còn sở hữu, thì điều đó sẽ giúp châu Á tạo ra một sự ổn định không chỉ lớn hơn, mà còn tốt hơn, và công bằng hơn. Nó thậm chí có thể bù đắp cho việc mất đi quan hệ hợp tác giữa Washington với Bắc Kinh – một mối quan hệ đã giúp giữ cho châu Á hòa bình hơn hẳn đánh giá của nhiều quan chức Mỹ. Trong một thế giới bao trùm bởi cạnh tranh Trung-Mỹ, châu Á cần một nguồn ổn định mới. Tư duy mới mẻ về kinh tế chính trị có thể chính là câu trả lời.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới